Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định người mắc bệnh hiểm nghèo được chuyển thẳng lên cấp chuyên sâu mà không cần giấy chuyển viện.
Chiều 20.12, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các dự án luật được thông qua tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV. Trong số này có luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi.
Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1.7.2025, quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám chữa bệnh (KCB) BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh.
Cụ thể, người tham gia BHYT được thanh toán 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB cấp ban đầu trên toàn quốc; được thanh toán 100% mức hưởng khi KCB nội trú, 50 -100% mức hưởng khi KCB ngoại trú (theo lộ trình do Chính phủ quy định) tại cơ sở KCB cấp cơ bản trên toàn quốc.
Trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người bệnh được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Quy định chi tiết các trường hợp được chuyển tuyến, có hiệu lực từ 1.1.2025
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, luật BHYT sửa đổi với nhiều chính sách cải cách, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất, thuận tiện nhất.
Ví dụ trước đây, nếu đăng ký KCB BHYT ban đầu ở cơ sở y tế cấp huyện, khi chuyển viện phải từ cấp huyện lên cấp tỉnh, rồi từ cấp tỉnh lên T.Ư. Như vậy rất mất thời gian, "mà có những bệnh cần chuyển ngay".
Quy định địa giới hành chính còn khiến một số người tham gia BHYT dù nhà ở ngay sát cơ sở KCB, "chỉ cách 5 - 7 m thôi", nhưng vì không phải nơi đăng ký KCB ban đầu nên vẫn phải tới cơ sở y tế tuyến huyện cách xa vài km.
Tương tự, khi đi công tác ở địa phương khác, người bệnh nếu nhập viện trong tình trạng cấp cứu thì được thanh toán 100% BHYT, còn "hắt hơi, sổ mũi, viêm họng vào khám là phải nộp tiền". Rồi như câu chuyện sinh viên nghỉ hè, về quê đi khám sức khỏe vẫn phải nộp tiền, vì không đúng nơi KCB BHYT ban đầu, rất bất cập.
Đề cập tới bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, ông Tuyên nói "người bệnh bị ung thư ở tuyến huyện hay tuyến tỉnh không chữa được thì cho họ chuyển thẳng lên T.Ư, sao phải bắt họ qua tuyến huyện xin, rồi lại lên tuyến tỉnh xin". Chính vì thế, luật sửa đổi đã quy định nhóm bệnh này được chuyển thẳng lên cấp cao hơn mà không cần giấy chuyển viện.
Trước lo ngại về việc thông tuyến sẽ khiến bệnh viện tuyến trên quá tải, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay sẽ thiết kế hàng rào kỹ thuật, vừa đảm bảo giảm quá tải tuyến trên, vừa kích cầu và nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới.
"Muốn bệnh nhân khám ban đầu không đi tuyến trên thì tuyến dưới phải đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cán bộ y tế", ông Tuyên khẳng định.
Hiện nay, danh mục bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế ban hành có 42 loại bệnh. Điển hình như ung thư, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, chấn thương sọ não nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, suy gan, đột quỵ, hôn mê, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn.
Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, danh mục trên ban hành đã nhiều năm, cần được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với mô hình bệnh tật và các tiến bộ trong điều trị.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đang xây dựng thông tư theo trình tự rút gọn, nhằm quy định chi tiết về các trường hợp được chuyển tuyến mà không cần giấy chuyển viện, dự kiến có hiệu lực từ 1.1.2025.
Theo Tuyến Phan/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/benh-nhan-ung-thu-duoc-vuot-tuyen-khong-can-giay-chuyen-vien-18524122016493395.htm