11
/
58226
“Bao nhiêu đam mê tôi đổ vào toán học”
bao-nhieu-dam-me-toi-do-vao-toan-hoc
news

“Bao nhiêu đam mê tôi đổ vào toán học”

Thứ 5, 22/02/2018 | 15:11:29
554 lượt xem

Với tôi, 9 từ trên chả thể hiện chất riêng, rất Lê Tự Quốc Thắng - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Topo vi phân, đa tạp 3 chiều, lý thuyết nút và quasi - crystal, 13 năm là giáo sư - Học viện Công nghệ Georgia (GaTech). Dù tôi gạn hỏi mấy lần, anh Thắng vẫn trả lời vậy. Nghe qua, đơn giản như 1+1=2, nhưng sâu xa, cũng phức tạp phết…

Niềm vui đặt được câu hỏi hay

Thể theo yêu cầu của tôi, anh Thắng dẫn tôi tham quan thư viện - nơi đầu tiên ở GaTech (TP. Atlanta, tiểu bang Georgia, Mỹ) tôi muốn đến. Thủ tục an ninh kỹ lưỡng. Thư viện mênh mông, sách nhiều, máy tính nhiều, sinh viên người nghiêm chỉnh, người thoải mái đọc sách, dùng máy tính - nhìn mà đã con mắt. Thích nhất là những cái thùng đặt ngay cửa thư viện. Ai trả sách, chỉ cần bỏ vào đó. “Lâu rồi, mình không lên thư viện mượn sách nữa. Muốn mượn, chỉ cần đăng ký qua mạng trường, sách được chuyển tới tận phòng mình” - anh Thắng mỉm cười.

Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng. (Ảnh: Tâm Trương)

Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng. (Ảnh: Tâm Trương)

Hết thư viện, anh Thắng dẫn qua phòng đặt quốc kỳ những nước có sinh viên theo học ở GaTech. GaTech là một trong 5 trường mạnh nhất nước Mỹ về các ngành kỹ thuật, có nhiều sinh viên nổi tiếng, người Việt theo học ở đây có vài chục người.

Theo anh, niềm vui lớn nhất của một người học, nghiên cứu toán học là gì?

- Giải quyết được bài toán mình quan tâm. Tự đặt được bài toán hay cũng tốt!

Hiện anh đang quan tâm vấn đề gì? Anh đã tự đặt cho mình bao nhiêu bài toán hay? Cái anh theo đuổi, nghiên cứu có lợi lạc gì trước mắt, cụ thể không, chẳng hạn cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

- Có nhiều bài tự mình đặt ra rồi tự mình giải quyết. Một người làm toán giỏi là người đặt ra những bài toán nhiều người khác cũng sẽ quan tâm là bởi bài toán đặt ra đấy, theo nghĩa nào đó, đúng vấn đề để người ta nhìn thấy nhiều điểm chung hay có nhiều ứng dụng của câu hỏi đó, nếu giải quyết được.

Tất nhiên, người biết đặt ra bài toán hay thường phải là chuyên gia lớn, họ phải suy nghĩ rất nhiều rồi, họ có thể giải quyết không ra, nhưng họ nghĩ đó là vấn đề quan trọng vì nêu ra sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác liên quan, sẽ ứng dụng cho nhiều thứ khác.

Trong toán có một số cái có thể ứng dụng trực tiếp liền, thí dụ lý thuyết số - ngày xưa, người ta nghĩ, không có ứng dụng, nhưng bây giờ nó ứng dụng rất nhiều vào một số thứ, ví dụ như giải mã. Rõ ràng thực tế rằng, nếu không có toán, mọi thứ về công nghệ đều không có.

Đặt ra được bài toán hay là do… duyên tự dưng đến, hay là kết quả của sự tích tụ bao nhiêu năm nghiên cứu?

- Đúng là vấn đề của sự tích tụ, tích tụ bao nhiêu thứ, mất bao nhiêu thời gian công sức nghiên cứu mới đặt ra được một vấn đề hay. Tất nhiên, có những người đầu óc họ nhạy bén hơn nhiều người khác, khả năng tư duy của họ rộng, đa chiều, họ sớm và nhìn thấy vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Vui lắm khi đặt ra được câu hỏi hay, nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau…

“Những người có năng lực bao giờ cũng mong muốn được đóng góp”

Phòng làm việc của anh Thắng nhỏ, giản dị. Tôi chỉ lên bảng, rồi vào cuốn tập trên bàn với… loằng ngoằng bí hiểm những con số. “Gì đấy?”. Anh Thắng mỉm cười “À, bài toán cho học trò…”.

Tấm bảng trong phòng làm việc của GS Lê Tự Quốc Thắng. (Ảnh: Tâm Trương)

Tấm bảng trong phòng làm việc của GS Lê Tự Quốc Thắng. (Ảnh: Tâm Trương)

Học trò của anh, người Mỹ, người Châu Á, cụ thể là người Việt - trò nào học toán giỏi hơn?

- Châu Á thường chuẩn bị bài kỹ hơn, nắm vững bài trước khi vào lớp, nhưng học hay gò ép theo bài có sẵn và chưa chắc tư duy tốt hơn. Mỹ thì tư duy tốt hơn.

Anh có quan tâm những bước đi tiếp theo của học trò mình?

- Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng vui khi thấy học trò mình thành công! Học trò của mình cũng được 5-6 em, khiêm tốn nói thì cũng chỉ tạm tạm, chưa tới mức thành công xuất sắc lắm. Cũng được. Người Việt chỉ có hai cậu, một hiện giảng dạy ở TPHCM, một đang làm việc ở Mỹ.

Anh và một số giáo sư toán người Việt hiện sống, làm việc ở nước ngoài, nói như TS Trần Nam Dũng là “luôn dành tình cảm cho quê hương, dìu dắt nhiều học trò Việt Nam thành tài”, hầu như hằng năm đều về nước. Những đóng góp của các anh đã tạo xung lực nhất định cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu ngành toán nước nhà những năm gần đây.

- Mình nghĩ, nhiều người Việt, nói một cách giản dị là làm toán ở nước ngoài, đều có ý muốn giúp đỡ trong nước nhiều hơn, bằng cách này, cách khác, như Châu (Giáo sư Ngô Bảo Châu - NV) có Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán mấy năm nay giúp ích rất nhiều cho việc làm toán trong nước. Nhiều người đều đặn mỗi năm về nhà tham gia giảng dạy. Hồi còn dạy ở Buffalo (ĐH bang New York - SUNY), mình nôm na là cũng có “kéo” được một số sinh viên Việt Nam qua Mỹ học nghiên cứu sinh, từ hồi về GaTech thì “kéo” được ít người hơn…

Nói về vấn đề huy động chất xám, nhìn rộng hơn, ví dụ, đất nước kêu gọi cần hơn nữa những bộ óc thông minh của các anh, các anh có thể có đóng góp gì nhiều, rộng hơn? Và người đứng ra kêu gọi, tập hợp cũng phải là người có năng lực nhìn ra đúng năng lực của những người mình kêu gọi?

- Kêu gọi sự đóng góp của trí thức trong và ngoài nước xây dựng đất nước tất nhiên là đúng rồi. Còn vấn đề nhìn ra đúng năng lực của người được kêu gọi, nói thật, mình cũng không biết nhìn ra được không, vì có nhiều điều cũng khó lắm… Thường là những người có năng lực bao giờ cũng tự nguyện, mong muốn đóng góp được nhiều nhất.

Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 23 (IMO năm 1982), những năm tháng học ở khoa Toán Cơ - ĐH Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên Lomonosov (Nga) ảnh hưởng nhiều tới công việc nghiên cứu của anh không?
- IMO là một cuộc thi cũng hay, cũng vui. Từ việc đoạt giải ở IMO tới nghiên cứu là một khoảng cách rất xa. Việc học ở Nga rất quan trọng vì lúc đó mình được nạp nhiều kiến thức căn bản.
Là một người thầy, theo anh, cần làm gì để khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của học trò?
- Một người khi đã quyết chọn con đường mình đi là làm khoa học thì phải tự tìm đường cho mình. Người thầy sẽ giúp đỡ về phương hướng, hướng xa lẫn hướng gần, và dĩ nhiên sẽ động viên nhiều thứ; nhưng còn động lực thì phải tự mình thôi.

Từ kinh nghiệm của chính anh, tự học chiếm bao nhiêu phần trăm sự thành công và cả thành nhân?

- Không định lượng được đâu. Chỉ biết, việc tự học là rất quan trọng. Tự mình tìm cho mình động lực thôi.

Nói tới động lực, trước hết là nói tới những mục đích cao cả như phục vụ xã hội, cộng đồng, thể hiện trách nhiệm công dân, phục vụ quê hương, đất nước…

Mình nghĩ, nghiên cứu khoa học, trước hết đam mê là chính.

Một câu tôi vẫn thường hỏi những nhà toán học có dịp gặp, trò truyện: Toán học cho anh và lấy đi ở anh cái/điều gì nhiều nhất?

- Toán học cho mình nhiều thứ. Bao nhiêu đam mê mình đổ vào toán học, nên hầu như chả thấy mất mát gì. Mỗi người trong đời đều có một điều gì đó để dâng hiến, mình đã chọn cái nghề làm toán rồi thì chuyện “nàng Toán” chiếm lĩnh thời gian, tuổi trẻ của mình là hiển nhiên.


Theo Lâm Tuyền/Lao Động

  • Từ khóa

Giới trẻ Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực tiếng Anh

Các khoa tiếng Anh của các trường ĐH chủ yếu đào tạo về chuyên sâu về ngôn ngữ và giảng dạy, trong khi đó các trung tâm ngoại ngữ mạnh hơn về kỹ năng.
07:51 - 22/12/2024
159 lượt xem

Bạo lực súng đạn đe dọa trường học ở Mỹ

Bạo lực súng đạn tại các trường học ở Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.
20:03 - 21/12/2024
450 lượt xem

Cần giảm bớt khâu trung gian trong chọn sách giáo khoa

Trong gần 5 năm học thực hiện sách giáo khoa xã hội hóa, đã có tới 3 lần thay đổi quy định về lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn...
10:25 - 21/12/2024
636 lượt xem

Thêm một địa phương thí điểm cho học sinh nghỉ học thứ bảy

Sở GD-ĐT Phú Thọ vừa có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần và cho học sinh nghỉ học ngày thứ bảy.
16:20 - 20/12/2024
1,131 lượt xem

Đào tạo truyền thông: Sinh viên nên được tiếp cận nghề nghiệp sớm

Khối ngành truyền thông có hơn 30 trường đại học đào tạo. Vấn đề đặt ra làm sao để đảm bảo quyền lợi sinh viên, tránh chạy theo số lượng tuyển sinh.
14:29 - 20/12/2024
1,173 lượt xem