Công việc áp lực, tổn thương tình cảm, ký ức tuổi thơ đau buồn… là những nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ không thể có một giấc ngủ trọn vẹn. Trong bối cảnh đó, lớp trị liệu giấc ngủ đang trở thành nơi họ tìm đến để tháo gỡ nút thắt tâm lý, cải thiện sức khỏe tinh thần và lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Lý do ngày càng nhiều người trẻ tìm đến trị liệu giấc ngủ
Trịnh Kim Xuân (31 tuổi), ngụ ở đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú (TP.HCM), tìm đến buổi trị liệu giấc ngủ tại P.Bình An, TP.Thủ Đức (TP.HCM) sau nhiều đêm không ngủ được. Xuân cho biết thời gian gần đây, công việc không ổn định khiến cô thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, dẫn đến rụng tóc, đau dạ dày và giấc ngủ chập chờn. "Cứ mỗi lần đặt lưng xuống giường, mình cứ thao thức, thử nhiều cách nhưng không được cải thiện", Xuân kể.
Xuân khóc, chia sẻ lý do cô không ngủ được ẢNH: PHƯƠNG VY
Đến lớp trị liệu giấc ngủ, Xuân được người hướng dẫn (chuyên gia khai vấn, là người sẽ tập trung vào công việc giúp đỡ bạn phát triển bản thân theo một lịch trình phù hợp để hoàn thành mục tiêu trong công việc, cuộc sống. Họ có vai trò đồng hành, lắng nghe loạt vấn đề của khách hàng) hỏi thăm tình trạng, hướng dẫn viết nhật ký cảm xúc... Sau đó, người này phát hiện tình trạng mất ngủ của Xuân đã có từ lâu.
Xuân kể: "Hồi học phổ thông, mình từng bị bắt nạt học đường. Từ đó, mình sợ luôn chuyện đến trường. Đến giờ, mình vẫn giật mình tỉnh giấc vì những ký ức đó. Hiện tại, mình cảm thấy cô lập trong môi trường công sở nhưng không biết cách thoát ra". Sau những lời này, cô gái òa khóc.
Phạm Lê Quyên Nhi (21 tuổi), ngụ đường Nguyễn Xiển, TP.Thủ Đức, cũng tìm đến lớp trị liệu giấc ngủ vì khó kiểm soát cảm xúc và thường xuyên bị suy nghĩ tiêu cực bủa vây. Những đêm trằn trọc khiến cô mệt mỏi, thiếu năng lượng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Tại lớp học, các thành viên được thực hành thiền, thư giãn trên giường bên cạnh những món đồ yêu thích như gấu bông, hòa cùng tiếng nhạc du dương; xung quanh thoang thoảng mùi hương của nến thơm. Có bánh và trà để dỗ dành các trái tim đang dễ vỡ. Ngoài ra, nhân viên còn hỗ trợ massage bụng, hơ ngải cứu, giúp mọi người dễ ngủ hơn. Sau buổi trị liệu, nhiều người chia sẻ họ cảm thấy tâm trạng nhẹ nhàng và giấc ngủ được cải thiện rõ rệt.
Các lớp thiền lo âu trầm cảm của Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương được đông đảo học viên theo học từ năm 2023. TS-BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết lớp học mở ra để giúp mọi người có giấc ngủ sâu hơn và bình thường hơn. Không chỉ thư giãn, thiền còn là công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ điều trị mất ngủ, lo âu và trầm cảm. Các lớp học phù hợp với mọi lứa tuổi, tập trung vào thiền và lắng nghe âm thanh để cải thiện giấc ngủ.
Quyên Nhi bị mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều
Theo TS-BS Thu, áp lực từ cuộc sống hiện đại khiến ngày càng nhiều người tìm đến lớp học này. "Mất ngủ không chỉ làm rối loạn nhịp sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng não và toàn bộ cơ thể. Một giấc ngủ chất lượng cùng chế độ dinh dưỡng lành mạnh đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần", TS-BS Thu nhấn mạnh.
Mở "nút thắt" trong lòng để lấy lại giấc ngủ và cân bằng cuộc sống
Theo các chuyên gia, "nút thắt" tâm lý ẩn sâu trong tiềm thức chính là nguyên nhân khiến hệ thần kinh phải xử lý lượng thông tin quá tải trong thời gian dài. Chính những "nút thắt" này khiến năng lượng bị tiêu hao đáng kể. Dù có ngủ, bạn vẫn thức dậy với cảm giác mệt mỏi vì vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết.
Tại các buổi trị liệu, các bạn trẻ được hướng dẫn nhìn nhận gốc rễ của những tổn thương tâm lý, học cách chấp nhận và yêu thương bản thân. Khi những "nút thắt" được tháo gỡ, cảm xúc tiêu cực không còn.
Mọi người tham gia trị liệu giấc ngủ để cân bằng cuộc sống
Trong khi đó, TS-BS Thu chỉ ra rằng thiếu ngủ thường xuất phát từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh, áp lực cuộc sống và sự lơ là chăm sóc giấc ngủ. Để cải thiện, bạn cần ưu tiên giấc ngủ đủ, ngủ đúng giờ, ăn uống lành mạnh; tránh thức ăn nhanh, chứa chất bảo quản; và uống đủ nước.
Bên cạnh đó, một số nhóm bệnh không được chẩn đoán chính xác khiến người trẻ rơi vào trạng thái bế tắc. Vì thế, mọi người đổ xô tham gia các buổi trị liệu. TS-BS Thu khuyến cáo rằng việc này là cần thiết, tuy nhiên cần phải kiểm tra kỹ chất lượng và uy tín của các cơ sở. "Hãy xác minh nguồn gốc, trình độ chuyên môn của người thực hiện và tham khảo đánh giá từ những người đã sử dụng dịch vụ. Chỉ chọn những dịch vụ có chất lượng đạt chuẩn", TS- BS Thu nhấn mạnh.
Cuối cùng, TS-BS Thu kêu gọi mọi người hãy tự chăm sóc bản thân thông qua những thói quen lành mạnh: "Giấc ngủ giống như sạc pin cho cơ thể. Nếu không ngủ đủ, bạn sẽ kiệt sức; hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn".
Sau 1 tuần tham gia trị liệu, Quyên Nhi chia sẻ cô đã học cách biết ơn cuộc sống, tự trấn an bản thân và giảm thiểu suy nghĩ tiêu cực. "Giấc ngủ của mình đã tốt lên. Mình cảm thấy tâm trạng thoải mái và yêu đời hơn", Nhi bày tỏ.
Còn Mai Thu Quỳnh (28 tuổi), ngụ ở đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết cô cảm thấy vui vẻ hơn sau khi... ngủ được. "Trước đây mình bị tổn thương vì tình cảm. Mình đau khổ, dằn vặt bản thân, thường hay khóc lóc khi nhớ đến nỗi buồn quá khứ. Khi đi trị liệu, giấc ngủ mình đã cải thiện. Mình còn học được cách vượt qua, tha thứ cho người khác, quan tâm nhiều hơn đến bản thân. Hiện tại, mình đã tìm được tình yêu mới nhờ sự thay đổi trong suy nghĩ và cảm xúc", Quỳnh chia sẻ.
Theo Quỳnh, giấc ngủ đủ và sâu không chỉ giúp cô nghỉ ngơi mà còn hồi phục về tinh thần, giải tỏa những căng thẳng tích tụ trong suốt cả ngày. Quỳnh đã học cách yêu thương bản thân hơn, chấp nhận những điều đã qua và sống tích cực hơn. Giờ đây, cô gái cảm thấy tự tin, vui vẻ và mở lòng hơn với những mối quan hệ mới.
Thep Phương Vy/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tai-sao-nhieu-nguoi-tre-khong-ngu-duoc-185241219195112504.htm