Chất vấn về người khác giới mà con gặp hay đọc trộm tin nhắn là sai lầm khiến phụ huynh xa cách con hơn.
Khi một đứa trẻ được hỏi "Tên cháu là gì?", bố mẹ thường trả lời hộ "nó là Jason". Đối với nhiều người, thói quen này không dừng lại khi đứa trẻ biết nói, thậm chí còn tiếp tục khi trẻ đã thành thanh thiếu niên.
Rốt cuộc, bạn đang tước đi cơ hội tự trả lời của trẻ. Để sửa chữa, bạn hãy chỉ đưa ra gợi ý nếu được trẻ yêu cầu, nhưng đừng bao giờ trả lời thay chúng.
Nhiều phụ huynh muốn trở thành bạn thân của con, không muốn con giấu bất kỳ bí mật gì. Tuy nhiên, bạn hãy thử nghĩ lại, một người bạn là gì? Đó là người mà bạn có thể dùng từ ngữ ngang hàng để nói chuyện, hiểu những vấn đề của nhau và có thể tâm sự mọi thứ. Trong khi đó, bố mẹ lại thể hiện vai trò khác là chăm sóc và yêu thương.
Bạn không cần cố gắng làm bạn thân với trẻ, hãy để chúng tự tìm bạn giữa những người đồng trang lứa và hiểu rằng bố mẹ luôn có mặt để hỗ trợ khi cần.
Bạn hiểu rõ bông cải xanh tốt cho sức khỏe hơn kẹo ngọt và ra lệnh cho trẻ phải ăn thứ đó. Điều này vô tình vùi dập cái tôi, mơ ước và mục tiêu của chúng. Khi lớn lên, trẻ có nhiều nguy cơ nổi loạn.
Để tránh điều này, bạn cần dạy trẻ những thói quen tốt nhưng không theo cách cưỡng chế mà nhẹ nhàng.
Trẻ 2-3 tuổi có thể tự mặc và cởi đồ, rửa cốc, đưa quần áo bẩn bỏ vào máy giặt. Hơn thế, trẻ trong độ tuổi này rất thích tự làm mọi thứ.
Tuy nhiên, chúng ta luôn mặc đồ hộ trẻ, đút cho trẻ ăn, không để chúng thử nghiệm điều gì vì nghĩ không làm được. Sau đó, chúng ta lại ngạc nhiên khi trẻ lớn lên và trở thành một người bừa bộn, không muốn đỡ đần mẹ cha.
Cố gắng áp đặt gu nghe nhạc, đọc sách và phong cách quần áo cho trẻ là sai lầm của nhiều phụ huynh. Dù với ý định tốt, điều đó đã làm mất đi cá tính của mỗi người, thậm chí gây ra sự phản kháng khi trẻ muốn làm mọi thứ hoàn toàn ngược lại.
Vì thế, nếu thích một bộ phim hay thể loại nhạc nào đó, bạn có thể xem hoặc nghe một mình nếu trẻ không thích. Cả hai có thể cùng thảo luận về thần tượng của nhau.
Đến một độ tuổi nhất định, trẻ có tiền riêng để tiêu vặt. Bạn không nên chất vấn hay tìm hiểu xem trẻ còn bao nhiêu tiền. Điều tệ nhất phụ huynh có thể làm là lục cặp hoặc ví của con. Việc đó sẽ giết chết niềm tin ngay lập tức.
Con còn bao nhiêu tiền có thực sự quan trọng hay không? Bạn chỉ nên hướng dẫn trẻ quản lý tiền bạc. Trẻ sẽ tự tiết kiệm để mua thứ chúng muốn.
Mẹ muốn con gái biết chơi đàn violin và sẵn sàng đưa con đến trường nhạc ba lần mỗi tuần. Bố muốn con trai chơi bóng đá giỏi như các cầu thủ trên TV. Nhưng mong muốn của chúng ta đôi khi không phải là điều trẻ thực sự đam mê.
Lời khuyên là bạn hãy thật kiên nhẫn và dõi theo con. Hãy lưu ý về những thế mạnh, hỏi trẻ về sở thích và ủng hộ chúng trau dồi kỹ năng về lĩnh vực đó.
Nhiều bà mẹ thích đăng ảnh con lên mạng xã hội và khoe về việc con ăn được những gì, tập đi ra sao. Thực tế, bạn giúp trẻ rất nhiều, nhưng đừng nhầm lẫn thành công của trẻ cũng là của bạn.
Khi trẻ lớn lên, việc này càng nghiêm trọng hơn. Bạn bắt đầu khoe khoang chuyện con tốt nghiệp đại học và tìm được công việc, như thể đó hoàn toàn là công lao của bố mẹ, không hề có sự cố gắng của trẻ.
Khi ai đó muốn tặng quà cho trẻ, bạn không nhất thiết phải nghĩ ngay đến một chiếc áo phông hay món đồ chơi có giá trị giáo dục. Hãy để trẻ tự chọn món quà cho mình, học cách đưa ra quyết định và đối mặt với hậu quả nếu có.
Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu có tình cảm với người khác giới và có thể hẹn hò. Điều này là bình thường và tự nhiên. Những câu chất vấn kiểu "Cậu con trai đấy là ai?" khiến trẻ cảm thấy bực bội và không muốn chia sẻ. Thay vì thế, bạn hãy cho trẻ không gian riêng tư, không hỏi liên tục nếu trẻ tỏ ra không muốn nói về chi tiết. Bạn cũng đừng đọc trộm tin nhắn của trẻ vì điều đó khiến chúng vô cùng thất vọng.
Theo Thùy Linh/VnExpress