Tiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trước đó, sáng 9/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo trước Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật này.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Luật Nhà giáo. Bản dự thảo Luật trình Quốc hội lần này có cấu trúc và nội dung cơ bản gồm 5 chính sách lớn, thể hiện trong 9 chương, 50 điều.
Dự thảo Luật Nhà giáo có 6 điểm mới cơ bản. Cụ thể:
Thứ nhất, lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập.
Thứ hai, nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp
Thứ ba, chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp
Thứ tư, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo
Thứ năm, chính sách tiền lương và đãi ngộ
Thứ sáu, quản lý nhà nước về nhà giáo
Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Hôm nay (20/11), cũng là ngày đầu tiên của đợt 2, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Trong gần 2 tuần làm việc, Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết cũng như quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền, đồng thời thảo luận về một số dự án luật lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến. |
Theo Minh Phong/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/du-thao-luat-nha-giao-co-6-diem-moi-co-ban-post709296.html