11
/
166336
Giáo viên trông ngóng lương mới
giao-vien-trong-ngong-luong-moi
news

Giáo viên trông ngóng lương mới

Thứ 5, 04/07/2024 | 07:31:00
1,683 lượt xem

Từ 1.7.2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng. Điều này khiến hàng triệu giáo viên khắp cả nước trông ngóng lương mới.

Đáng chú ý, theo thông tin tại họp báo định kỳ chiều 20.6 dẫn lại nghị quyết về cải cách tiền lương, ban đầu dự kiến sẽ có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề… Tuy nhiên từ 1.7, chưa đủ các điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp này nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên phụ cấp hiện hành như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề… 

Giáo viên đang trông chờ vào cách tính lương mới sẽ giúp cải thiện được đời sống và đánh giá đúng đóng góp của mỗi người

Tới nay, tuần đầu tiên của tháng 7.2024, các giáo viên (GV) đều khấp khởi trông ngóng xem lương mới được nhận bao nhiêu.

Lương chưa tăng, vật giá đã tăng

Thầy N.L, GV một trường THPT tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết thời gian qua thầy luôn theo dõi các kênh thông tin về việc tăng lương công chức, viên chức, trong đó có lương GV. "Chúng tôi tự nhẩm tính nếu được tăng lương cơ sở, giữ nguyên phụ cấp hiện hành thì từ tháng 7 này mình sẽ được bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, thực lãnh thì chưa".

Một cán bộ quản lý tại một trường THPT ở Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết ông đã nhận lương tháng 7 và thấy vẫn tương tự như tháng 6. Ông nói: "Có thể sau này khi tính lương mới, thì GV được truy lĩnh số tiền tăng thêm". Ông cũng cho biết có nắm được các thông tin quyết định áp dụng lương từ 1.7.2024, tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng một tháng, tức là tăng 30%, tạm thời giữ các loại phụ cấp hiện hành.

"Điều đó có nghĩa là GV vẫn có phụ cấp. Lương tăng, phụ cấp tăng sẽ giúp GV phấn khởi, yên tâm với công tác. Chúng tôi rất hy vọng trong thời gian tới, cùng với việc tăng lương thì GV vẫn được giữ nguyên các khoản phụ cấp, như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên nhà giáo, vì ngoài lương cơ bản thì phụ cấp cũng hỗ trợ phần nào cho GV có động lực trong công tác. Đặc biệt đối với giáo dục, thiết nghĩ cũng nên xem xét có chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đặc thù. Các nhà giáo đều rất hy vọng khi thực hiện Nghị quyết 27 (nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương) thì chính sách lương và thu nhập đặc thù sẽ tạo động lực cho nhà giáo gắn bó với nghề", vị cán bộ này nhấn mạnh.

Một GV tiểu học có thâm niên 11 năm, làm việc tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), cũng cho biết sáng 3.7 mới nhận lương tháng 7 và chưa thấy tăng (so với lương tháng 6 và các tháng trước đó). "Tôi cũng trông ngóng lương mới, được tính lại khi tăng lương cơ sở và giữ nguyên các phụ cấp của GV. Bây giờ lương chưa tăng nhưng vật giá mọi thứ đã rất tăng, đi chợ thấy giá rau củ thịt cá, các loại thực phẩm tăng "chóng mặt"", GV này cho biết.

Thầy Lê Tấn Thời, GV Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn tại H.Chợ Mới (An Giang), cho hay là người lao động ai cũng cảm thấy vui vì được tăng lương. Thầy chia sẻ: "Mặc dù so với điều kiện vật giá bên ngoài vẫn còn một khoảng cách so với thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp khác nhưng GV vẫn có cái mà xoay xở. Ở vùng nông thôn, sau giờ đứng lớp GV phải làm thêm kinh tế phụ để có thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình và giữ ngọn lửa nghề…".

Các trường đang chờ hướng dẫn để tính lương mới

Một cán bộ quản lý ở một trường THCS tại Q.5 (TP.HCM) cho biết mới nghe các thông tin về việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1.7.2024. Tuy nhiên để áp dụng tính lương cho các GV thì nhà trường đang đợi các văn bản hướng dẫn cụ thể từ phòng GD-ĐT, từ phòng tài chính kế hoạch quận…

Khoảng cách thu nhập của giáo viên sẽ ngày càng xa?

Một GV dạy ngữ văn (hạng II, bậc 1) một trường THCS tại tỉnh An Giang cho biết từ 1.7.2024 việc tăng lương cơ sở và giữ nguyên phụ cấp dù khiến cho các GV vui mừng nhưng cũng làm cho khoảng cách về lương giữa đội ngũ GV trong từng trường sẽ rất lớn.

GV này đưa ra ví dụ: trong những tháng vừa qua (khi lương cơ sở là 1,8 triệu đồng) thì một GV ở một trường THCS có hạng II, lương bậc 6, có thâm niên 33 năm công tác, không kiêm nhiệm chức vụ gì đang có tổng thu nhập mỗi tháng 16,8 triệu đồng. Còn một GV lương bậc 1, hạng III, 4 năm công tác có tổng thu nhập mỗi tháng 5,2 triệu đồng. Như vậy, chênh lệch lương của 2 GV là 11,6 triệu đồng/tháng.

Còn từ ngày 1.7.2024, khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng thì khoảng cách càng được nới rộng ra, mức chênh lệch thu nhập của 2 GV cùng trường, cùng công việc, cùng tổ chuyên môn sẽ nhiều hơn. GV nói trên làm phép tính như sau: GV có 33 năm công tác thì lương bậc 6, hạng II sẽ có hệ số 5,70 + 30% phụ cấp ưu đãi (hệ số 1,71) + 32% phụ cấp thâm niên (hệ số 1,82) = 9,23 (tổng hệ số lương). Hệ số 9,23 x lương cơ sở 2.340.000 = 21.598.200 đồng tiền lương.

Trong khi đó, GV lương bậc 1, hạng III chưa có phụ cấp thâm niên thì tổng hệ số lương = 2,34 + 30% phụ cấp ưu đãi (hệ số 0,70) = 3,04. Tiền lương sẽ là 3,04 x lương cơ sở 2.340.000 = 7.113.600 đồng. Chênh lệch lương của 2 GV nói trên là hơn 14,4 triệu đồng.

Theo GV này, còn có nghịch lý ở chỗ nhiều tổ trưởng chuyên môn, thậm chí phó hiệu trưởng nhà trường chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 mức thu nhập hằng tháng của một số GV trong cùng tổ, cùng trường (vì thâm niên ít năm hơn). Trong khi đó, kể từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì vai trò, trách nhiệm của tổ trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng chuyên môn nặng hơn rất nhiều GV bộ môn không kiêm nhiệm chức vụ.

Một GV dạy ngữ văn, là tổ trưởng chuyên môn một trường THCS tại TP.HCM, cũng thở dài: "Như tôi, dù trách nhiệm nhiều hơn, phải làm nhiều việc hơn nhưng lương thấp hơn nhiều cô hơn 20 năm công tác. Tôi có cảm giác tiền lương vẫn đang áp dụng phương châm "sống lâu thành lão làng". Việc thăng hạng GV tưởng đơn giản, nhưng không phải ai cũng thăng hạng được, đủ các quy định, giấy tờ".

Các giáo viên tham gia giảng dạy học sinh theo Chương trình GDPT 2028

Không thể phủ nhận đóng góp của GV lâu năm

Nhìn nhận ở góc độ khác, một GV toán ở trường THCS, đi dạy hơn 10 năm ở Q.Tân Phú, cho biết GV đều đang trông ngóng lương mới, khi tăng lương cơ sở, giữ nguyên các khoản phụ cấp. GV này cho biết việc có phụ cấp thâm niên GV là điều rất nhân văn, chính xác và cần thiết. Và việc các GV theo hạng khác nhau, như III, hay II, I thì lương cũng sẽ khác nhau.

"Không thể phủ nhận những GV lâu năm được. Những GV lớn tuổi trước đây rất thiệt thòi, đi dạy cơ sở vật chất rất thiếu thốn, dạy lương tháng đầu tiên ra mua cái áo mưa là hết tháng lương. Hay tôi chỉ cần nêu một ví dụ, những GV lâu năm ra đề cho học sinh ít sai, còn nhiều GV mới ra trường ra đề sai liên tục. Họ xem lại đề nhiều lần cũng không phát hiện chỗ sai, trong khi những người có kinh nghiệm họ nhìn qua 15 giây là thấy sai ngay. Tôi cũng đặt câu hỏi, tại sao những GV hạng III có bằng đại học lại không cố gắng nâng hạng lên loại II, loại I mà mãi vẫn ở hạng III?", GV này phản biện.

"Lương nên thay đổi dần theo vị trí việc làm"

Thầy T.T.L, một GV tiếng Anh trường THCS tại An Giang, phản ánh với Báo Thanh Niên: "Tăng lương là một chính sách tốt trong an sinh xã hội nhưng có không ít một bộ phận công chức, viên chức ỷ lại vào việc có thâm niên, mức lương cao mà không chú ý đến hiệu quả công việc".

Thầy T.T.L cho biết có những GV lớn tuổi sắp về hưu nhưng vẫn thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình và có nhiều đóng góp cho đơn vị nhưng ngược lại có những người chưa đến tuổi hưu, lại không có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Một số người chỉ dạy đủ số tiết quy định mà không hề tham gia bất kỳ công tác nào khác của nhà trường và đến tháng vẫn hưởng lương như những GV tham gia các hoạt động khác của nhà trường bên cạnh việc lên lớp. "Không ít người, ngày nào cũng đến muộn hơn so với đồng nghiệp và tranh thủ về sớm trước khi hết giờ với đủ lý do chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già, lo bữa ăn cho gia đình... Hy vọng trong thời gian sắp tới, hệ thống lương nên thay đổi dần theo vị trí việc làm và theo năng suất lao động để tạo thêm động lực cho những người làm được việc", thầy T.T.L trao đổi.

Theo Thuý Hằng - Nguyễn Cao/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/giao-vien-trong-ngong-luong-moi-185240703184214401.htm

  • Từ khóa

Hôm nay đăng ký xét tuyển thử vào ĐH, một nhầm lẫn 'chết người' cần tránh

Hôm nay (6.7), thí sinh sẽ được đăng nhập vào hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT để đăng ký xét tuyển thử vào ĐH nhằm làm quen, tập dượt các thao tác, tránh...
11:53 - 06/07/2024
458 lượt xem

Thí sinh thực hành đăng ký xét tuyển từ ngày 6/7 đến 10/7

Từ ngày 6/7 đến 10/7, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ mở để thí sinh thực hành đăng ký xét tuyển.
02:51 - 06/07/2024
663 lượt xem

Gần 50% sinh viên điều dưỡng ở Anh muốn bỏ học

Kết quả cuộc khảo sát mới công bố cho thấy gần 50% sinh viên điều dưỡng ở Anh muốn bỏ học trước khi tốt nghiệp.
15:51 - 05/07/2024
955 lượt xem

Thực hành đăng ký xét tuyển: Tránh mất cơ hội vào đại học

Hơn 1 triệu thí sinh đã hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Sau kỳ thi, các chuyên gia lưu ý thí sinh trong xét tuyển đại học.
14:37 - 05/07/2024
990 lượt xem

Để giảm áp lực học thêm khi thực hiện Chương trình giáo dục mới

Dạy thêm, học thêm tồn tại từ lâu nay. Khoảng cách giữa giảng dạy chính khóa với nội dung kiểm tra, thi (tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT) khá lớn...
10:17 - 05/07/2024
1,081 lượt xem