Với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn vừa được ban hành, dự tính có hàng ngàn MW điện tái tạo được bổ sung vào nguồn trong thời gian tới.
Hàng ngàn MW công suất nền chờ bán trực tiếp
Ngày 3.7, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2024 (Nghị định 80) quy định về DPPA giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Có hai hình thức mua bán điện gồm: Thứ nhất là mua bán điện trực tiếp kết nối qua đường dây riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Giá bán điện do hai bên thỏa thuận. Hình thức thứ hai là mua bán điện trực tiếp (qua lưới điện quốc gia), giao ngay, hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền). Giá do Bộ Công thương ban hành.
Cơ chế về mua bán điện trực tiếp cần sớm được triển khai để giảm áp lực nguồn và tháo nghẽn cho các dự án năng lượng tái tạo CHÍ NHÂN
Nếu dự thảo quy định khách hàng sử dụng điện lớn là 500.000 kWh/tháng, Nghị định 80 hạ mức tiêu thụ bình quân 200.000 kWh/tháng trở lên, tính trung bình 12 tháng gần nhất. Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao… có sản lượng mua điện từ 200.000 kWh/tháng trở lên đấu nối cấp điện áp 22 kV trở lên. Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình lưu ý, cơ chế DPPA là đơn vị sản xuất điện được bán trực tiếp cho người dùng, nhưng phải là những "khách hàng lớn" có mức tiêu dùng điện là 200.000 kWh/tháng chứ không phải người dùng nhỏ lẻ. Khi chọn mức 200.000 kWh/tháng để áp dụng cho cơ chế này, Bộ Công thương đã tính toán từ khách hàng dùng điện từ 200.000 - 1 triệu kWh/tháng. Trong đó, lượng khách hàng tiêu thụ từ 200.000 kWh/tháng có khoảng 7.700 khách hàng, chiếm hơn 36% trên tổng số khách hàng dùng điện với mục đích phù hợp với năng lực cung cấp điện năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời hiện nay.
Khảo sát của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) trước đó cũng cho thấy nhu cầu tham gia hình thức mua bán điện trực tiếp rất lớn. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Heineken, Google, Nike... đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương bày tỏ sự ủng hộ. Với bên mua điện (mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên), có gần 50% số khách hàng được khảo sát trả lời mong muốn được tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu ước tính 996 MW. Với bên bán, trong số 95/106 dự án có công suất đặt từ 30 MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) có 24 dự án (với công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia cơ chế DPPA; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng.
Như vậy, cơ chế DPPA nếu được áp dụng hàng chục dự án với hàng ngàn MW điện tái tạo sẽ được giải phóng sau thời gian bị "nghẽn", bổ sung đáng kể vào nguồn điện luôn trong tình trạng thiếu hụt hiện nay.
Cần triển khai cơ chế "ngay và luôn"
Cơ chế DPPA nếu được triển khai nhanh chóng sẽ tăng lượng "người mua" trong thị trường điện cạnh tranh, thay vì chỉ có Tập đoàn điện lực VN (EVN) và các tổng công ty phân phối điện thuộc EVN như hiện nay. Qua đó, giúp đưa thị trường điện lực tiến gần tới cấp độ "bán buôn" và "bán lẻ" cạnh tranh hơn. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Với doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, việc mua trực tiếp điện tái tạo từ nhà đầu tư trong các khu công nghiệp sẽ giúp họ sớm có chứng chỉ giảm phát thải carbon để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cần cho triển khai thực hiện Nghị định 80 "ngay và luôn" để khách hàng và đơn vị phát điện sớm gặp nhau.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), bày tỏ sự ủng hộ với cơ chế DPPA vì đây là quyết sách quan trọng, tháo gỡ được nhiều nút thắt trong quản lý, vận hành điện tái tạo. Đặc biệt là "tháo nghẽn" cho nhiều dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn, song bị ngưng trong vô vọng lâu nay.
"Dự báo, sẽ có nhiều nhà buôn điện, đầu tư đường dây, đứng ra mua gom điện mặt trời trong các khu công nghiệp để bán lẻ cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng. Điều này rất cần thiết, giúp doanh nghiệp được cấp tín chỉ carbon gắn trên sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Quan trọng là giá thỏa thuận giữa bên bán và bên mua, giải quyết được vấn đề áp lực lưới cho EVN. Hiện cả nước có hơn 100.000 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 9.500 MW.
Trong khi đó, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận năng lượng tái tạo. Muốn vậy, việc tham gia cơ chế DPPA để mua điện trực tiếp từ trong các khu, cụm này sẽ tăng trong thời gian tới. Qua đó, con đường giảm khí phát thải, mô hình xanh hóa trong các khu công nghiệp sẽ được hưởng ứng tích cực và thuận lợi hơn", ông Lâm phân tích.
Cũng theo ông Lâm, cơ chế DPPA nên được áp dụng càng sớm càng tốt để hỗ trợ nguồn cũng như tạo điều kiện cho khách hàng dùng điện lớn có nhu cầu mua điện trực tiếp triển khai ngay. Bên cạnh đó, dù truyền tải điện qua đường dây riêng hay qua lưới điện quốc gia, cũng phải bảo đảm an toàn lưới điện. Nên có cơ chế, chính sách liên quan điều độ phù hợp, bởi nguồn cung năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Về lâu dài, cần thiết có trung tâm phát điện năng lượng tái tạo quốc gia, có thể đặt tại miền Trung - khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nguồn điện tái tạo.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với cơ chế DPPA. Tuy đây là cơ chế mua bán điện trực tiếp đầu tiên được ban hành, song tạo nền tảng quan trọng để VN xây dựng thị trường điện đúng nghĩa. Nếu việc mua bán được áp dụng ngay theo hướng đơn giản hóa tối đa thủ tục, nguồn điện sẽ được bổ sung. Quan trọng hơn, giúp giải tỏa nguồn điện mặt trời bị nghẽn lâu nay. "Điều cần lưu ý là chi phí truyền tải của VN hiện khá thấp so với các nước có hệ thống truyền tải tương đương. Lý do VN chưa áp dụng giá điện hai thành phần. Nên trước mắt, khách hàng sử dụng điện lớn, mua điện qua cơ chế DPPA có thể có giá tốt hơn mua qua EVN. Tuy nhiên, hiện Chính phủ đã yêu cầu EVN nghiên cứu giá điện hai thành phần, yêu cầu này cần thiết trên con đường tiến đến thị trường mua bán điện cạnh tranh. Nếu áp dụng một cơ chế giá điện hai thành phần, tính phí công suất rõ ràng, lúc đó, giá mua điện trực tiếp theo cơ chế DPPA có thể cao hơn", ông Đình lưu ý.
Dự báo, sẽ có nhiều nhà buôn điện, đầu tư đường dây, đứng ra mua gom điện mặt trời trong các khu công nghiệp để bán lẻ cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng. Điều này rất cần thiết, giúp doanh nghiệp được cấp tín chỉ carbon gắn trên sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) |
Các chuyên gia trong Hội đồng khoa học - Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng nêu quan điểm: Do VN chưa áp dụng giá điện hai thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho khách hàng có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo trở nên cực kỳ tốn kém (nếu chỉ bán điện theo lượng điện năng cung cấp thực sự theo yêu cầu luôn đột xuất trong khung giá thị trường bị giới hạn). Không có phí công suất sẽ tạo ra kinh doanh không bình đẳng, vì EVN không có tiền để duy trì công suất trực sẵn sàng phát điện. |
Theo Nguyên Nga/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/dien-tai-tao-het-nghen-185240704232040142.htm