11
/
166408
Để giảm áp lực học thêm khi thực hiện Chương trình giáo dục mới
de-giam-ap-luc-hoc-them-khi-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-moi
news

Để giảm áp lực học thêm khi thực hiện Chương trình giáo dục mới

Thứ 6, 05/07/2024 | 10:17:00
1,753 lượt xem

Dạy thêm, học thêm tồn tại từ lâu nay. Khoảng cách giữa giảng dạy chính khóa với nội dung kiểm tra, thi (tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT) khá lớn và căn bệnh thành tích khiến việc dạy và học thêm tràn lan, biến tướng.

Dạy thêm, học thêm tràn lan, biến tướng là một trong những nguyên nhân làm xói mòn niềm tin của xã hội vào giáo dục.

Áp lực học thêm khó tránh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo chương trình giáo dục 2006 vừa khép lại. Chương trình giáo dục này rồi sẽ được ngành giáo dục tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều mà ai cũng nhận thấy là trong thời gian thực hiện chương trình cũ, dạy thêm, học thêm như căn bệnh nan y của giáo dục. Vì lẽ đó, dư luận đặt vấn đề, thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình mới (Chương trình GDPT 2018) liệu còn áp lực học thêm?

Tùy mục đích mà người dạy tổ chức dạy thêm và người học đi học thêm. Để vào đại học tốp cao, các trường chuyên, trường phổ thông chất lượng... học sinh phải đi học thêm.

Gần kỳ kiểm tra, thi, lịch học thêm phủ kín… Do đó, thi kiểu cũ hay thi kiểu mới, áp lực học thêm khó tránh. Đã thi tuyển là phải áp lực nhưng với quan điểm giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 nếu quá căng thẳng, gây áp lực nặng nề lên thí sinh, phụ huynh, thầy cô giáo… thì hoàn toàn không nên. Vậy làm sao giảm đến mức thấp nhất áp lực học thêm?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TP.HCM

Bắt đầu từ công tác quản lý dạy học

Thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 tại cơ sở cho thấy, tác động của lãnh đạo các trường giúp giáo viên chuyển từ dạy học lệ thuộc sách giáo khoa sang nắm chắc chương trình môn học để soạn giảng, tổ chức hoạt động trên lớp, kiểm tra... chưa mạnh mẽ.

Sách giáo khoa vẫn đồng hành với thầy cô trong khi soạn giáo án, dạy, dự giờ, thi giáo viên giỏi… Trong bối cảnh có nhiều bộ sách giáo khoa (cho một môn học), mỗi nhóm tác giả trên cơ sở chương trình môn học biên soạn bài học, bài tập theo chủ đích riêng khiến một số giáo viên (không nắm chắc chương trình môn học) lúng túng khi giảng dạy.

Để thầy cô chủ động khai thác nguồn học liệu trong sách giáo khoa, hiệu trưởng, hiệu phó cần có kế hoạch với biện pháp thích hợp giúp giáo viên thông hiểu chương trình môn học, biết vận dụng sát với điều kiện dạy học của lớp, trường và đảm bảo yêu cầu chương trình, thi cử.

Ban giám hiệu, tổ chuyên môn cần tăng cường tập huấn giáo viên trong các lần họp toàn thể, thông qua sinh hoạt tổ (nhóm) chuyên môn, bổ sung tài liệu tại thư viện, tích hợp các lần hội thi... Ngoài ra, cũng cần tăng cường kiểm tra, động viên khen thưởng giáo viên. Với cách làm này thì sau 2, 3 năm học, thầy cô sẽ nắm vững chương trình môn học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục cũ

Sự chủ động của giáo viên

Như một triết lý “Không thầy đố mày làm nên”, vì vậy chuyển từ dạy “cái” sang “cách”, thầy cô cần am hiểu chương trình môn học.

Chương trình môn học được ban hành kèm theo Thông tư số 32 năm 2018 của Bộ GD-ĐT. Đây là cơ sở pháp lý để nhà trường, mỗi giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục. Truyền thụ kiến thức thế nào (từng bài học, mỗi chuyên đề, chương), yêu cầu kiểm tra đến đâu, thi làm sao, các câu hỏi này được giải đáp từ chương trình môn học.

Thi tốt nghiệp THPT 2025 có giảm áp lực học thêm hay không, cơ bản phụ thuộc vào biết, hiểu, vận dụng chương trình môn học của từng thầy cô. Chẳng hạn, môn vật lý (THPT), tại mục c (vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học) trong nội dung IV (yêu cầu cần đạt), ghi rõ: “Vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã học trong một số trường hợp đơn giản, bước đầu sử dụng toán học như một ngôn ngữ và công cụ để giải quyết được vấn đề". Cách giảng dạy là thực nghiệm, học sinh hiểu bài, vận dụng trả lời, câu hỏi, bài tập.

Dạy học như thế, thầy sẽ vất vả ở khâu chuẩn bị, thậm chí là áp lực nhưng đổi lại trò vui học, làm được bài tập, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 mà vơi đi rất nhiều áp lực do học thêm. Từ thực tiễn để tư duy, sau đó quay trở lại giải quyết các vấn đề thực tiễn để hiểu sâu, nắm chắc lý thuyết đồng thời, nếu có thể thì phát hiện các vấn đề mới. Đó là “chất” các môn học theo Chương trình GDPT 2018.

Lương sư hưng quốc

Nghề giáo, nghề của mẫu mực, nêu gương, dùng “nhân cách giáo dục nhân cách”. Dạy thêm tràn lan có nguyên nhân đến từ thực dụng của một bộ phận nhà giáo. Vì thế, đã đến lúc thầy cô hãy thay đổi vì học sinh, vì sự hưng thịnh của đất nước.

Quá trình đó, tác động trở lại sẽ là nền tảng vững chắc để đời sống giáo viên sung túc cả vật chất và tinh thần.

Nghĩ và hành động để kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 giảm áp lực học thêm chính là việc làm thiết thực đổi mới giáo dục nước nhà.

Theo TS Nguyễn Hoàng Chương/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/de-giam-ap-luc-hoc-them-khi-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-moi-185240704120248995.htm

  • Từ khóa

Đan Mạch nới thời gian làm thêm cho du học sinh

Đan Mạch vừa chính thức nới lỏng thời gian làm việc bán thời gian cho du học sinh tại đây.
09:02 - 08/07/2024
36 lượt xem

Khi học sinh 'quên' tiếng Việt

Chị N.H, trú Q.7, TP.HCM phải chi mỗi tháng vài triệu đồng cho 2 con trai (8 tuổi và 11 tuổi) của mình - là người Việt - để học thêm… tiếng Việt.
07:33 - 08/07/2024
80 lượt xem

Gần 18.000 thí sinh dự Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an

Sáng 7/7, gần 18.000 thí sinh bước vào Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024.
13:09 - 07/07/2024
519 lượt xem

Hôm nay đăng ký xét tuyển thử vào ĐH, một nhầm lẫn 'chết người' cần tránh

Hôm nay (6.7), thí sinh sẽ được đăng nhập vào hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT để đăng ký xét tuyển thử vào ĐH nhằm làm quen, tập dượt các thao tác, tránh...
11:53 - 06/07/2024
1,148 lượt xem

Thí sinh thực hành đăng ký xét tuyển từ ngày 6/7 đến 10/7

Từ ngày 6/7 đến 10/7, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ mở để thí sinh thực hành đăng ký xét tuyển.
02:51 - 06/07/2024
1,351 lượt xem