11
/
165597
Thi tốt nghiệp THPT: Người nặng gánh lo âu, người thở phào nhẹ nhõm
thi-tot-nghiep-thpt-nguoi-nang-ganh-lo-au-nguoi-tho-phao-nhe-nhom
news

Thi tốt nghiệp THPT: Người nặng gánh lo âu, người thở phào nhẹ nhõm

Thứ 3, 18/06/2024 | 07:36:00
2,149 lượt xem

Căng thẳng, chán nản hay vô lo, tận hưởng, học sinh cuối cấp đang có muôn kiểu cảm xúc trước thềm thi tốt nghiệp THPT, cho thấy sự thay đổi về vị thế của kỳ thi này trong lòng người trẻ.

Hụt hẫng vì "đánh cược'' hết vào đánh giá năng lực

Từ khi nhận điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 2, Trọng Nhân (tên nhân vật được thay đổi), học sinh (HS) Trường THPT Long Thành (Đồng Nai), hoàn toàn hụt hẫng, trằn trọc mất ngủ và không thiết tha ôn tập. "Trước đó em đăng ký học toán, lý trực tuyến, nhưng giờ hay bỏ ngang nhiều ca. Đầu em giờ chỉ nghĩ đến việc điểm ĐGNL có thể nâng lên sau khi phúc khảo hay không và chờ cơ hội mong manh này", Nhân kể.

Nam sinh cho hay, từ hè năm 2023, em đã xác định ĐGNL là phương thức dùng để xét tuyển vào ĐH yêu thích nên tập trung tất cả nguồn lực thay vì ôn cả thi tốt nghiệp THPT như nhiều bạn, "vì khả năng đậu của em sẽ cao hơn nhiều". Từ thời điểm đó, Nhân vừa tự học vừa đi học thêm, với mục tiêu đạt hơn 920 điểm để xét vào nhóm ngành máy tính, phần mềm ở các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Học sinh lớp 12 đang trong những ngày ôn tập cuối cùng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tuần sau 

"Kết quả đợt 1 của em là 860 điểm, vào mức khá, nên em coi đây là "vốn" để tập trung hết sức vào đợt 2. Thi đợt 2 xong, em dò đáp án tham khảo từ các nguồn thì thấy mình sai ít nên khá tự tin nên cũng không ôn thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc như các bạn khác. Nhưng khi nhận kết quả, em rất buồn và chán nản vì chỉ hơn tầm 20 điểm so với đợt 1, không đủ xét tuyển những nguyện vọng đầu. Bây giờ muốn trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì em phải đạt từ 27 trở lên, hơi xa vời. Em cũng luôn nghĩ về khúc mắc trong kết quả thi ĐGNL nên không còn tí động lực nào để tiếp tục", nam sinh chia sẻ.

Thoải mái, chủ yếu tránh điểm liệt

Đó là điều Lê Việt Anh, HS Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), đang trải qua, bởi em đã trúng tuyển sớm vào một số trường ĐH trong và ngoài nước, kèm học bổng có giá trị lên đến toàn phần. "Em vẫn chú trọng ôn thi tốt nghiệp THPT vì đây là kết quả của 12 năm học hành, nhưng chủ yếu để không làm sai những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng", Việt Anh nói.

Nam sinh cũng cho hay, dù không gặp áp lực gì với kỳ thi sắp tới, song em cũng lo lắng với độ khó của đề, "vì cảm giác đi thi không làm được bài khá đáng sợ". Theo Việt Anh, không chỉ em, nhiều bạn chung lớp cũng trúng tuyển sớm hoặc có kết quả từ trường nước ngoài. "Thi tốt nghiệp THPT với tụi em không còn áp lực về điểm số như thi lớp 10, chủ yếu chỉ tránh điểm liệt vì đây là điều kiện bắt buộc để học ĐH", em cho hay.

Tương tự, Trần Trang Nhi, HS Trường THPT Phan Đăng Lưu (Hải Phòng), cũng trúng tuyển sớm vào Học viện Hàng không VN (TP.HCM) và Học viện Nông nghiệp VN (Hà Nội) bằng phương thức xét học bạ. Trước đó 3 tháng, em cũng nhận thư mời nhập học từ Trường George Brown College (Canada). "Em đã hoàn tất các thủ tục du học nên giờ em dành thời gian ôn tập thêm để có kết quả tốt nghiệp ổn nhất", nữ sinh nói.

"Sống mái" với thi tốt nghiệp

Tuy vậy, nhiều HS đến nay vẫn "toàn tâm toàn ý" cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra, trong đó có Bùi Long Đức, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Đức cho biết, vì đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, em phải vừa thi ĐGNL, vừa thi tốt nghiệp THPT với số điểm cao nhất có thể để đáp ứng phương thức xét tuyển tổng hợp của trường.

"Em đang lên kế hoạch ôn luyện mỗi ngày tập trung 2 môn, một môn chính và một môn phụ trong tổ hợp xét tuyển. Thời gian còn lại rất ngắn ngủi nên em không chú trọng vào các câu hỏi nâng cao mà rà kỹ kiến thức căn bản để nắm chắc điểm 8", nam sinh chia sẻ.

HS một trường THPT ở Q.3, TP.HCM, cũng cho hay đến nay em vẫn chưa trúng tuyển được vào các ngành mong muốn nên đang "đánh cược" vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. "Mỗi ngày em dành ít nhất 5 tiếng để giải đề và sau đó là tự đánh giá lại kết quả", nam sinh này chia sẻ.

Dự định theo đuổi ngành truyền thông ở nước ngoài nhưng bị lỡ cơ hội du học vì "trượt" thị thực, N.Q.N, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cô dành thời gian cả năm qua để ôn thi cả ĐGNL lẫn tốt nghiệp THPT để tăng cơ hội đậu vào ngành truyền thông đa phương tiện tại trường cô đang theo học. "Vì hơi kém môn tự nhiên nên kết quả thi ĐGNL của tôi không khả quan, vì thế tôi quyết "sống mái" với kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới", N. nói.

Phần lớn học sinh lớp 12 đều đã tham gia kỳ tuyển sinh riêng như đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM trước khi thi tốt nghiệp THPT. Trong đó nhiều học sinh đã trúng tuyển có điều kiện vào một trường ĐH.

Nguyễn Lâm Quang Minh, HS Trường THPT Chu Văn An (An Giang), thì chia sẻ đã trúng tuyển sớm vào một số trường ĐH tại TP.HCM bằng phương thức xét học bạ hay xét điểm thi ĐGNL. "Nhưng em vẫn tích cực ôn luyện để có cơ hội vào ngành báo chí hoặc quan hệ quốc tế của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM", Minh cho hay.

Cụ thể, nam sinh đang học trên trường mỗi ngày 2 buổi, sáng từ 7 - 10 giờ 30, chiều từ 13 giờ 50 - 17 giờ. Sau đó, Minh còn học thêm trung tâm khoảng 6 buổi tối, và dành thời gian rảnh tự học.

"Dù có phương án "dự phòng" nhưng em vẫn gặp rất nhiều áp lực, chủ yếu đến từ các nhân tố bên ngoài. Tuy không căng thẳng bằng hồi đó thi lớp 10 nhưng ngày nào cũng 2 giờ sáng em mới ngủ, vài ba tiếng lại phải dậy cắp cặp đi học. Em thường bị thiếu ngủ và cả đau dạ dày nữa, nhưng em nghĩ mình cần phải tăng tốc hơn nữa để đạt được mục đích. Các bạn khác dù trúng tuyển sớm như em nhưng cũng đều học rất dữ dằn thay vì thả lỏng", Minh nói thêm. 

Lời khuyên cho thí sinh

Thầy Nguyễn Văn Ba, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), khuyên: "Các em nên rèn kỹ năng làm bài thông qua các đề minh hoạ, đề thi thử. Điều này cũng giúp các em quen thuộc với cấu trúc đề và quản lý thời gian hiệu quả hơn". Điều đáng lưu ý khác, theo nam giáo viên, HS cần ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và quan trọng nhất là giữ tinh thần thoải mái để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Hãy dành thời gian thư giãn, giải trí và duy trì các mối quan hệ xã hội để giảm căng thẳng. Cuối cùng, HS nên tin tưởng vào chính mình, chuẩn bị kỹ lưỡng dụng cụ học tập và tuyệt đối bỏ điện thoại, các thiết bị thu phát thông tin bên ngoài phòng thi, theo thầy Ba.

Trong trường hợp không đạt được kết quả như ý, nam giáo viên cũng khuyên HS cố sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác để đậu vào trường mình mong muốn trong năm nay. "Các em cần cân nhắc kỹ quyết định thi lại tốt nghiệp THPT, vì dù có đề riêng cho chương trình cũ nhưng các trường chưa có thông tin về việc có dùng kết quả này để xét tuyển ĐH hay không. Chưa kể, từ năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng sẽ điều chỉnh cấu trúc đề thi ĐGNL", thầy Ba lưu ý thêm.

Liên quan đến vấn đề này, thầy Lê Minh Xuân Nhị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Tri Thức NP (TP.HCM), nhắn nhủ: "Khóa HS năm nay nếu trượt thì đúng là rất khó khăn để thi lại, nhưng nếu chưa may mắn, các bạn cứ mạnh dạn quyết định. Dù sao, thêm một năm để có thể theo đuổi được ước mơ vẫn là điều nên cố gắng".

Lưu ý thêm về giai đoạn "nước rút", nhất là một tuần trước ngày thi, thầy Nhị khuyên HS tập trung hệ thống lại lý thuyết bằng cách xem mục lục của sách giáo khoa, cố gắng tự nhớ lại những ý chính trong từng bài. Sau đó, HS cần xem kỹ từng câu chữ trong mỗi bài vì mỗi môn đều có 60 - 70% lý thuyết nên phải nắm thật chắc. "Ngoài ra, khi làm bài, các bạn nên phân chia thời gian hợp lý. Nếu mục tiêu ở mức 8 - 9 điểm, HS có thể bỏ qua những câu vận dụng cao, tập trung dò lại những câu có thể làm được, tránh mất quá nhiều thời gian cho những câu lấy điểm 10", thầy Nhị cho hay.

Theo Ngọc Long/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/thi-tot-nghiep-thpt-nguoi-nang-ganh-lo-au-nguoi-tho-phao-nhe-nhom-185240617180057099.htm

  • Từ khóa

98,96% thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, chiều 26/6 có 98,96% thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
19:02 - 26/06/2024
106 lượt xem

Bộ GD&ĐT yêu cầu báo cáo về trường hợp của Thượng tọa Thích Chân Quang

Bộ GD&ĐT có công văn hỏa tốc gửi Trường ĐH Luật Hà Nội yêu cầu báo về quá trình tuyển sinh đào tạo đối với nghiên cứu sinh - Thượng tọa Thích Chân...
15:35 - 26/06/2024
214 lượt xem

Bảo quản nghiêm ngặt đề thi, bài thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bảo quản đề, bài thi là nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm đặc biệt trong những ngày tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
14:19 - 26/06/2024
231 lượt xem

Chiều nay làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý gì?

14 giờ chiều nay 26.6, 'lứa' thí sinh năm cuối cùng dự thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ có mặt tại các điểm thi để làm thủ...
11:13 - 26/06/2024
613 lượt xem

Ăn ngủ tại trường, sĩ tử căng mình trong giai đoạn nước rút

Nhiều nhà trường và địa phương tổ chức cho học sinh (HS) ăn ngủ tại trường hoặc thực hiện mô hình giáo viên trường vùng thuận lợi lên vùng khó khăn để hỗ...
08:41 - 26/06/2024
357 lượt xem