Quy chế mới về cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành. Làm thế nào để cuộc thi thực sự là "sân chơi" và sản phẩm nghiên cứu thực sự là của học sinh thay vì những nghi ngại, đồn đoán trước đây?
Đại diện Bộ GD-ĐT đã trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những thay đổi, bổ sung trong quy chế, đồng thời nói về những quy định mới nhằm "siết" khâu giám sát quá trình nghiên cứu của học sinh (HS) tại các nhà trường.
Quy định rõ số lượng dự án dự thi
Quy định mới nêu rõ số lượng dự án mà các đơn vị được đăng ký dự thi thay vì đưa vào văn bản hướng dẫn hằng năm như quy định cũ. Cụ thể, số lượng dự án dự thi đều tăng: sở GD-ĐT được đăng ký tối đa 3 dự án (hướng dẫn các năm trước là 2 dự án). Riêng Sở GD-ĐT Hà Nội, TP.HCM, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 6 dự án (hướng dẫn các năm trước là 4 dự án).
Quy chế mới về cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành nhằm “siết” khâu giám sát quá trình nghiên cứu của học sinh ẢNH MINH HỌA: NGỌC DƯƠNG
Đối với các đơn vị dự thi là trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện, học viện, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 2 dự án. Đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi được đăng ký tối đa 6 dự án. Riêng đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi là Sở GD-ĐT Hà Nội hoặc TP.HCM, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 12 dự án.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lý giải: "Trước đây, số lượng dự án dự thi cấp quốc gia lớn, phải tổ chức ở 2 miền Nam - Bắc. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra thì Bộ GD-ĐT quyết định giảm số lượng dự án dự thi cấp quốc gia. Do vậy, nếu so với mấy năm gần đây thì số dự án dự thi tại quy chế mới là tăng nhưng so với trước dịch Covid-19 thì đã giảm rất nhiều.
Về số lượng dự án, thực tế các cơ sở giáo dục còn mong muốn tăng hơn so với quy định tại quy chế nhưng Bộ GD-ĐT trước khi quyết định đã cân nhắc rất nhiều yếu tố khác nhau và thấy rằng số lượng đó là phù hợp với tính chất của cuộc thi cấp quốc gia. Với khoảng hơn 200 dự án dự thi là vừa sức cho các đơn vị đăng cai tổ chức và vẫn đảm bảo chỉ tổ chức một lần cho toàn quốc thay vì phải tổ chức ở cả hai miền Nam - Bắc như trước kia. Cạnh đó, đây là cuộc thi quốc gia nên đòi hỏi các cơ sở giáo dục ở địa phương, các trường ĐH… phải chọn lựa thật kỹ các dự án dự thi, đảm bảo chất lượng cao nhất mà số lượng cũng không quá nhiều".
Bắt buộc phải có người hướng dẫn của trường
Quy chế mới cũng bổ sung quy định người hướng dẫn nghiên cứu. Theo đó, quy định cứng như sau: "Mỗi dự án dự thi có ít nhất 1 người hướng dẫn nghiên cứu là giáo viên, nhân viên có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học. Mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn 1 dự án dự thi (quy định cũ tối đa là 2) trong một lần tổ chức cuộc thi".
Việc quy định rõ người hướng dẫn nghiên cứu phải là "giáo viên, nhân viên đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học" được nhiều ý kiến đánh giá là thay đổi quan trọng nhằm chấn chỉnh tình trạng các trường phổ thông hoặc cá nhân HS chỉ mời người hướng dẫn là nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên các trường ĐH… dẫn tới sản phẩm nghiên cứu dự thi của thí sinh lâu nay bị nghi ngờ là của người hướng dẫn nhiều hơn là công sức, năng lực thực sự của các em.
Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho rằng việc yêu cầu người hướng dẫn nghiên cứu phải có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi nhằm nêu cao vai trò của giáo viên, nhà trường trong việc phát huy năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học của HS, từ khâu phát hiện và bồi dưỡng khả năng nghiên cứu khoa học của học trò. Trong quá trình dạy học, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm, giáo viên và nhân viên nhà trường là người hiểu rõ nhất năng lực của HS mình.
Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết: "Ngoài yêu cầu bắt buộc phải có người hướng dẫn là giáo viên, nhân viên đang làm việc tại nhà trường (có quyết định của hiệu trưởng) thì quy chế mới không quy định nhưng cũng không cấm việc mời người hướng dẫn là chuyên gia ngoài nhà trường mà thí sinh đang học".
Giám khảo chấm thi sản phẩm nghiên cứu của học sinh tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh của TP.HCM NGỌC DƯƠNG
Tăng trách nhiệm giám sát quá trình nghiên cứu
PV Thanh Niên đặt vấn đề: Lâu nay, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho HS vẫn luôn khiến dư luận băn khoăn liệu các sản phẩm, dự án nghiên cứu, đoạt giải có thực sự là của HS hay của người lớn, người hướng dẫn nghiên cứu? Vậy quy chế mới ban hành có quy định nào để giám sát chặt chẽ hơn vấn đề này trong quá trình nghiên cứu của HS?
Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay để đảm bảo những dự án, sản phẩm nghiên cứu đăng ký dự thi thực sự là của HS, quy chế mới bổ sung quy định nhằm khẳng định trách nhiệm và vai trò rất quan trọng của mỗi cơ sở giáo dục nơi thí sinh có dự án dự thi. Cụ thể, quy chế yêu cầu cơ sở giáo dục thông báo công khai mục tiêu, nội dung, yêu cầu, tiêu chí đánh giá dự án dự thi và hình thức tổ chức cuộc thi để giáo viên, nhân viên phát hiện, hướng dẫn HS lựa chọn đề tài, xây dựng kế hoạch nghiên cứu.
Quy chế mới bổ sung, làm rõ yêu cầu cơ sở giáo dục thông báo công khai mục tiêu, nội dung, yêu cầu, tiêu chí đánh giá dự án dự thi và hình thức tổ chức cuộc thi để giáo viên, nhân viên phát hiện, hướng dẫn HS lựa chọn đề tài, xây dựng kế hoạch nghiên cứu.
Giáo viên, nhân viên đã hướng dẫn HS xây dựng kế hoạch nghiên cứu báo cáo với tổ chuyên môn để tổ chuyên môn báo cáo, đề nghị người đứng đầu cơ sở giáo dục xem xét, phê duyệt; người đứng đầu cơ sở giáo dục phê duyệt kế hoạch nghiên cứu và người hướng dẫn theo đề nghị của tổ chuyên môn; chỉ đạo tổ chuyên môn theo dõi, hỗ trợ quá trình nghiên cứu của HS theo kế hoạch nghiên cứu đã được phê duyệt; cơ sở giáo dục tổ chức đánh giá dự án của HS, lựa chọn dự án thuộc cơ sở giáo dục gửi đơn vị dự thi để được đánh giá, lựa chọn theo hướng dẫn của đơn vị dự thi.
"Như vậy, vai trò của tập thể nhà trường trong mỗi sản phẩm dự thi của thí sinh là đặc biệt quan trọng. Với các khâu nêu trên, tập thể giáo viên và HS nhà trường sẽ được biết và có cơ chế theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình nghiên cứu của thầy trò nhà trường. Quy định này để gắn trách nhiệm của nhà trường với từng bước nghiên cứu của HS và người hướng dẫn", ông Xuân Thành nói.
Tăng số lượng giải thưởng,vì sao ?Về giải thưởng, quy chế mới quy định tổng số giải của cuộc thi không vượt quá 60% (quy định cũ là 50%) tổng số dự án dự thi. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: "Việc tăng 10% tổng số giải thưởng đã được Bộ GD-ĐT tính toán là phù hợp. Như trên đã nói, Bộ GD-ĐT khống chế số dự án đăng ký dự thi cấp quốc gia đòi hỏi các địa phương phải lựa chọn kỹ hơn, đảm bảo những dự án có chất lượng tốt nhất tham gia cuộc thi ở cấp cao nhất. Do vậy, việc tăng tỷ lệ dự án đoạt giải cũng phù hợp với chất lượng dự án dự thi ở cấp này, Bộ chỉ khống chế số giải nhất ở mức không quá 10%". |
Bổ sung trường hợp có hành vi vi phạm hình sự Ngoài quyền lợi, quy chế mới còn bổ sung trách nhiệm của thí sinh dự thi. Cụ thể, thí sinh phải chịu trách nhiệm về dự án dự thi của mình theo quy định tại quy chế và các văn bản hướng dẫn tổ chức cuộc thi của Bộ GD-ĐT; phải đăng ký dự thi theo đơn vị dự thi; tham gia cuộc thi theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và ban chỉ đạo cuộc thi. Quy chế mới bổ sung quy định về xử lý vi phạm, trong đó đề cập hành vi vi phạm hình sự. Theo đó, đối với hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đối với các trường hợp vi phạm khác, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức quy định. |
Theo Tuệ Nguyễn/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/de-san-pham-thi-nghien-cuu-khoa-hoc-thuc-su-la-cua-hoc-sinh-185240421222937766.htm