Nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của ngành Giáo dục, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu thảo luận tại hội trường - sáng 1/6.
Phát biểu tại phiên thảo tại hội trường Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (sáng 1/6), đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho hay, hiện học phí đại học đang tăng cao. Theo Nghị định 81 của Chính phủ, các trường đại học sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề cập, trên thực tế, nhiều trường đã tăng học phí, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao. Còn chất lượng cao có điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí. Nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20, 30 triệu lên 60 triệu.
Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ).
Thảo luận về vấn đề giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) – chia sẻ, hiện nay đối với trẻ mẫu giáo 3 đến 6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại Nghị định số 10 năm 2020 của Chính phủ.
Các em cũng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, đối với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở các xã này vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn, để phụ huynh yên tâm công tác, tham gia sản xuất, ổn định đời sống.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thảo luận tại hội trường sáng 1/6.
Ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) - nhấn mạnh, Bộ đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Đại biểu cũng chia sẻ với những vướng mắc về nhân sự và tài chính mà Bộ và ngành giáo dục nói chung gặp phải và khó một mình giải quyết; bởi đổi mới giáo dục mà người và tiền đều không chủ động được thì khó có thể làm tốt.
Trước đó, phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 23/5, nữ đại biểu đoàn TP Đà Nẵng hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 63 ngày 10/6/2022, yêu cầu chấm dứt tình trạng “đóng gói” chung sách giáo khoa và sách tham khảo để buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. “Qua theo dõi, tôi thấy Chỉ thị này về cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc” – đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói. |
Theo Minh Phong/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-ho-tro-an-trua-cho-tre-mam-non-vung-kho-post641225.html