Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh giá học sinh thiên về năng lực, phẩm chất thay vì chỉ đánh giá kiến thức và kỹ năng như trước đây. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều điểm mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được phân cấp, phân quyền giao chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức các khâu của kỳ thi; bộ có trách nhiệm ban hành quy chế, hướng dẫn và ra đề thi chung trên toàn quốc và phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm kỳ thi được tổ chức công bằng, khách quan, an toàn, có kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học và cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp.
Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết cho tổ chức kỳ thi, đồng thời giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động dạy và học, ngay từ đầu năm học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, chuẩn bị từ sớm, từ xa các công việc, nhiệm vụ về công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi.
Đáng chú ý, quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng được ban hành sớm, từ ngày 24/12/2024, bên cạnh tính kế thừa được bổ sung thêm nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó, việc tổ chức kỳ thi được thực hiện thành ba buổi thi, gồm:
Buổi thi môn Ngữ văn, buổi thi môn Toán và buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. Như vậy, so với những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ giảm một buổi thi và giảm hai môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.
Cùng với đó, việc sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp của kỳ thi năm 2025 được tính theo tỷ lệ 50%-50% thay vì 30%-70% như trước đây nhằm đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết). Mặt khác, thay vì chỉ lấy điểm học bạ lớp 12, từ năm 2025, trong xét tốt nghiệp sẽ lấy điểm học bạ cả năm lớp 10, lớp 11 giúp thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy học, thi kiểm tra, đánh giá thường xuyên ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những điểm mới đáng chú ý là chứng chỉ ngoại ngữ tiếp tục được sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không được quy đổi thành điểm 10 nhằm bảo đảm tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp.
Đồng thời, kỳ thi năm 2025 sẽ bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh và bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên… giúp công tác tổ chức thi, xét tốt nghiệp thích ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo sự bình đẳng khi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
Cùng với những điểm mới trong quy chế thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xây dựng và công bố đề thi tham khảo sớm hơn gần 5 tháng giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi, có sự chủ động trong quá trình dạy, học và ôn tập một cách tốt nhất.
Đề thi tham khảo được xây dựng bởi các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, các chủ biên đã tham gia xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên cũng như các tác giả biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những người đã tham gia các đợt tập huấn về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi...
Đáng chú ý, quá trình triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi sẽ vận chuyển từ địa điểm hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh, thành phố sẽ được thực hiện qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng; đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.
Theo GS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tích hợp và liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu để giảm các hồ sơ thí sinh phải nộp đặc biệt là các hồ sơ minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên chính sách trong kỳ thi.
Quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ thực hiện tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo. Ngành giáo dục tập trung nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát và phòng chống sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử tại địa phương nhằm thực hiện kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, đạt kết quả tốt nhất.
Theo Mạnh Xuân/ Nhân dân
https://nhandan.vn/diem-moi-trong-thi-tot-nghiep-thpt-thich-ung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-post853453.html