Không ít quốc gia đầu tư “mạnh tay” trong việc phát triển công nghệ.
Nhân lực Trung Quốc xây dựng đường sắt tốc độ cao.
Đặc biệt, Trung Quốc và Anh kêu gọi sự chung tay của các tổ chức giáo dục, ngành công nghiệp trong quá trình làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc.
Thúc đẩy hợp tác
Những năm gần đây, Trung Quốc kêu gọi hàng nghìn tổ chức phi chính phủ tập trung vào công nghệ. Qua đó, nhằm thúc đẩy đổi mới và tăng cường ảnh hưởng của đất nước trong quản trị nghiên cứu và phát triển toàn cầu.
Các tổ chức dựa trên công nghệ ngày càng nổi lên như lực lượng chủ chốt thúc đẩy Trung Quốc tiến tới làm chủ công nghệ; trong đó, đào tạo nhân lực để xây dựng đường sắt cao tốc là vấn đề được coi trọng. Tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, có hai dự án nghiên cứu chính về công nghệ và phát triển thiết bị cho đường sắt cao tốc của nước này.
Trong quá trình xây dựng đường sắt cao tốc, trường chịu trách nhiệm nghiên cứu các công nghệ chính và thiết bị, bao gồm hệ thống đường sắt, công nghệ cơ bản chung của tàu, thân tàu, truyền động kéo và phanh, điều khiển mạng, cung cấp điện kéo và sơ đồ tổ chức vận tải. Đại học Giao thông Bắc Kinh cũng hợp tác với Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và trụ sở đường sắt để thực hiện đào tạo nhân sự trong việc xây dựng đường sắt cao tốc tại Thái Lan, Ấn Độ, Mông Cổ và các quốc gia khác.
Trong khi đó, Đại học Đồng Tế là trọng điểm của “Dự án 211” và “Dự án 985” quốc gia. “Dự án 211” - đề án phát triển giáo dục được Bộ Giáo dục Trung Quốc khởi xướng vào năm 1995. Đề án đề xuất danh sách các trường đại học và cao đẳng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong thế kỷ 21... “Dự án 985” được đề xuất năm 1998 bao gồm các trường đại học xuất sắc nhất lọc ra trong danh sách Dự án 211. Mục tiêu của Dự án 985 là xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới trong thế kỷ 21.
Đại học Chiết Giang cũng là một trong những tổ chức tham gia xây dựng đường sắt tốc độ cao. Đại học Chiết Giang và Cục Giao thông Bộ Đường sắt đã thành lập trung tâm nghiên cứu đường sắt cao tốc. Qua đó, tiến hành nghiên cứu hướng tới tương lai trong các lĩnh vực tốc độ, công nghệ lực kéo, sự thoải mái, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường của đường sắt cao tốc.
Năm 2008, lễ ra mắt Phòng thí nghiệm Kỹ thuật quốc gia về Công nghệ xây dựng Đường sắt cao tốc được tổ chức tại Đại học Trung Nam. Đây là một trong 10 phòng thí nghiệm kỹ thuật quốc gia được thành lập tại Trung Quốc. Dựa trên sự phát triển của ngành đường sắt, phòng thí nghiệm hoạt động trên lý thuyết cơ bản ứng dụng và nghiên cứu thực nghiệm, tập trung vào giải quyết các công nghệ then chốt cho xây dựng đường sắt cao tốc.
Vương Quốc Anh cũng là quốc gia chú trọng vào làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Phát triển lực lượng lao động
Các trường đại học của Anh, Mỹ cũng triển khai chương trình mới tập trung vào việc đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt tốc độ cao. Trong đó, Anh thành lập Cao đẳng Đường sắt cao tốc quốc gia (thuộc Trường Đại học Birmingham), nhằm cung cấp chương trình đào tạo chuyên biệt cho đường sắt tốc độ cao. Điều đó được coi là tiền đề cho việc xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao HS2 và các cơ sở hạ tầng khác trong tương lai trên khắp cả nước.
Trường cung cấp chương trình đào tạo kỹ thuật cần thiết để dự án đường sắt tốc độ cao thành công và đảm bảo công nhân lành nghề của Anh có thể xây dựng nhiều hạng mục, bao gồm: Kỹ thuật đường sắt, kỹ năng môi trường và xây dựng.
Theo đó, trường đào tạo về cách tận dụng tối đa công nghệ tiên tiến và sử dụng thiết bị hiện đại để hỗ trợ việc xây dựng đường sắt tốc độ cao. Trường cũng xây dựng mối quan hệ với một mạng lưới các cơ sở liên kết, bao gồm tổ chức giáo dục, nhà cung cấp đào tạo tư nhân, tổ chức giáo dục đại học và mạng lưới cung ứng lớn.
Bà Clair Mowbray - Giám đốc Điều hành của Cao đẳng Đường sắt cao tốc quốc gia (Anh) cho biết: “Chúng tôi đảm bảo có lực lượng lao động đủ kỹ năng không chỉ để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao HS2 và cơ sở hạ tầng lớn khác, mà còn trở thành những người tiên phong trong ngành đường sắt cao tốc mới của Anh. Hiện, trọng tâm của chúng tôi là chuyển hoàn toàn sang người học và xây dựng năng lực nhà trường để giải quyết cuộc khủng hoảng năng suất và tình trạng thiếu hụt kỹ thuật của Anh”.
Trong khi đó, Trường Đại học Leeds (Anh) đầu tư 10 triệu bảng Anh để phát triển trung tâm chuyên dụng về công nghệ đường sắt cao tốc và tích hợp hệ thống. Với phương pháp tiếp cận “hệ thống hoàn chỉnh” cho kỹ thuật đường sắt cao tốc, trung tâm chịu trách nhiệm về quy hoạch, thiết kế, xây dựng và sản xuất đường sắt cao tốc.
Giáo sư Lisa Roberts - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Leeds cho hay: “10 triệu bảng là khoản đầu tư kịp thời, không chỉ hỗ trợ phát triển và xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc của Anh, mà còn khẳng định, Anh là một trong những nước tiên phong về công nghệ đường sắt cao tốc hiện đại”.
Bên cạnh đó, Anh cũng ghi nhận sự tham gia của Trường Đại học Birmingham trong việc điều phối hoạt động hỗ trợ xây dựng đường sắt tốc độ cao HS2. Trường cũng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển hệ thống kỹ thuật số, toa tàu cũng như cơ sở hạ tầng. Trường dẫn đầu dự án, sử dụng các mô hình mô phỏng để cải thiện hiểu biết về hiệu suất của các khớp nối sử dụng trên đường ray tốc độ cao.
Trường Đại học Birmingham còn dẫn đầu trung tâm hệ thống kỹ thuật số, tập trung chủ yếu vào phát triển hệ thống điều khiển, mô phỏng, tích hợp dữ liệu, an ninh mạng, giám sát tình trạng và cảm biến, cũng như phát triển các phương pháp cải tiến để triển khai.
Ngoài ra, Trung tâm Toa tàu do Trường Đại học Huddersfield (Anh) dẫn đầu hợp tác với các trường đại học Newcastle và Loughborough, tập trung vào phát triển những hệ thống giá trị cao, tối ưu hóa tài sản trọn đời và quản lý năng lượng. Trung tâm cơ sở hạ tầng do Đại học Southampton dẫn đầu hợp tác với các trường đại học Sheffield, Loughborough, Nottingham và Heriot-Watt.... đã tạo ra mạng lưới kết nối hoàn chỉnh.
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã bổ sung quy định sản phẩm công nghiệp có tính đặc thù như: Thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe, vật tư đặc chủng (ray, ghi, phụ kiện) là sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển; quy định về cơ chế, tiêu chí đặt hàng, giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm. Dự thảo cũng bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ, đào tạo; quy định chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm công nghiệp đường sắt được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao... |
Theo Kim Dung/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/nhan-luc-nganh-duong-sat-toc-do-cao-chung-tay-lam-chu-cong-nghe-post713688.html