Chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý cho học sinh không chỉ là nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học mà còn có sự vào cuộc của nhiều bên. Ảnh: Đ.Tuệ
Làm không hết việc
Nhiều năm không được bổ sung vị trí nhân viên y tế học đường chuyên trách, thầy Phạm Quốc Bảo – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) cho hay: Điều này khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Trường có 4 điểm trường với 28 giáo viên, 483 học sinh, trong đó có 273 em ăn bán trú. Khoảng cách giữa điểm trường trung tâm với 3 điểm còn lại từ 15 – 22km. Thời tiết bắt đầu rét, học sinh thường bị ốm nhiều hơn. Mỗi khi có em sốt, đau đầu hoặc bị ong đốt thôi, giáo viên phải nhờ người khác trông lớp để đưa trò sang trạm y tế nhờ can thiệp. Nếu ngay tại trường có sẵn đội ngũ y tế để sơ cứu ban đầu với các trường hợp nhẹ, thầy trò đỡ phải di chuyển xa, nhất là những lúc mưa gió đường lầy lội, khó đi.
“Số lượng giáo viên theo định biên của trường vẫn thiếu 6 người. Nhà trường đã kiến nghị với cấp trên về bổ sung vị trí nhân viên y tế trường học nhưng vẫn chưa được bố trí. Giáo viên của trường vừa làm công tác chuyên môn, vừa lo bán trú và chăm sóc sức khỏe cho học sinh nên rất vất vả. Tôi chỉ mong lãnh đạo các cấp quan tâm để hoàn thiện hệ thống y tế trường học cùng với cơ chế đãi ngộ hợp lý để thầy cô thêm động lực gắn bó với nghề”, thầy Bảo gửi gắm.
Trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) có 1.315 học sinh nhưng hiện chỉ có 1 cán bộ y tế học đường đang biên chế. Theo cô Lý Thị Thanh Luyện – Hiệu trưởng nhà trường, ngoài nhiệm vụ theo dõi và xử lý sơ cứu ban đầu cho học sinh khi có tình huống, nhân viên y tế trường học còn tham gia công tác bán trú, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Với cấp tiểu học, nhà trường có chương trình tư vấn học đường cho học sinh.
Các trường vùng cao cần nhân viên y tế chuyên trách để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Ảnh: Đ.Tuệ
Chỗ dựa cho thầy và trò
Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Hoàng Ngọc Lan cho rằng: Các em đang trong độ tuổi dậy thì và phát triển tâm sinh lý sẽ phát sinh nhiều tình huống. Đặc biệt, khi học trực tuyến, trò muốn chia sẻ những tâm sự thầm kín với thầy cô rất khó. Các em chỉ tiếp xúc với người thân mà ít được giao tiếp với bạn bè bên ngoài nên sẽ có hiện tượng bạn ảo trên mạng. Do đó, các em cần được tư vấn, định hướng tâm lý theo hướng hỗ trợ đồng hành và sẻ chia.
Ở đơn vị có gần 2.000 học sinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) Đỗ Thị Bảy giãi bày: Do tác động của dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học kéo dài và học trực tuyến nên ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý. Ngoài ra, khi học ở nhà, một số phụ huynh lại vô tình áp đặt quá nhiều kỳ vọng vào con khiến các em căng thẳng, thậm chí chọn cách im lặng để giải quyết mọi bí bách trong con người mình.
Do đó, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý cho học sinh được trường xác định vô cùng quan trọng. Trường có 1 cán bộ y tế trường học chuyên trách, 2 nhân viên thuộc phòng tham vấn tâm lý học đường đã linh động chuyển đổi hình thức tiếp cận để kịp thời nắm bắt và tư vấn cho giáo viên, học sinh thời gian qua.
Cần sự quan tâm đúng mức
Ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế và Phòng GD&ĐT ban hành kế hoạch triển khai công tác y tế trường học năm học 2021 – 2022.
Mục tiêu nhằm tiếp tục củng cố nhân lực, cơ sở vật chất công tác y tế trường học; nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài; phấn đấu 100% trường học có phòng y tế và nhân viên y tế trình độ từ trung cấp trở lên theo Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.
Thường xuyên phối hợp với ngành y tế huyện tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác y tế trường học ở các cơ sở giáo dục. Thành lập Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên y tế trường học thực hiện tốt nhiệm vụ. Bố trí diện tích phòng y tế, bổ sung trang thiết bị y tế và thuốc thiết yếu theo quy định…
Tại huyện Hải Hậu (Nam Định), Phòng GD&ĐT huyện cũng có văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công tác y tế trường học năm 2021. Theo đó, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chăm sóc sức khoẻ học đường, bảo đảm điều kiện vệ sinh trường học, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ trẻ em, học sinh.
Chủ động phối hợp với ngành y tế địa phương thực hiện đổi mới, củng cố, kiện toàn và tăng cường năng lực của y tế trường học gắn kết với y tế cơ sở nhằm hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong trường học. Tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em, giáo dục dân số, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tinh thần cho học sinh.
“Có những điều, các em chỉ tâm sự với cô giáo chứ không nói với bố mẹ. Khi đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm cần được phát huy ngay từ khâu nắm bắt đến xử lý thông tin liên quan để phá vỡ sự im lặng trong mỗi học sinh”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) Đỗ Thị Bảy chia sẻ.
Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành nhấn mạnh tiêu chí 50% học sinh phổ thông phải được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi. Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức, xứng tầm từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng quy định đã có mà “mỗi nơi một kiểu”. |
Theo Đình Tuệ/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/suc-khoe-tam-than-tre-em-hau-covid-pha-vo-su-im-lang-uht6QOK7R.html