Nhân dịp kỷ niệm 65 ngày mở đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn huyền thoại, T.Ư Đoàn đã tổng hợp tư liệu về sự ra đời và ý nghĩa của con đường lịch sử này.
Chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn
Sau Hiệp định Geneve 1954 được ký kết, đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền: miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Để giữ vững liên lạc giữa 2 miền Nam - Bắc, bảo đảm cho T.Ư Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, khi đó ta mới chỉ có một tuyến liên lạc qua miền tây Quảng Trị do Liên khu 5 phụ trách, chỉ đạo từ giới tuyến trở vào và Ủy ban Thống nhất T.Ư phụ trách từ giới tuyến trở ra. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.
Để giữ vững liên lạc, bảo đảm sự chỉ đạo kịp thời từ T.Ư Đảng cho phong trào cách mạng miền Nam, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 15 (tháng 1.1959) của Đảng đặt ra nhiệm vụ mở đường chi viện cho miền Nam "là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc".
Đoàn 559 được thành lập ngày 19.5.1959 được chọn là "đoàn công tác quân sự đặc biệt" triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của tuyến đường này.
Khe Hó - nằm giữa một thung lũng ở tây nam Vĩnh Linh được chọn là địa điểm xuất phát để mở đường "tiến vào Nam". Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của đoàn là: "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng"; phải chủ động tránh địch và bí mật.
Ngày 13.8.1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn của địch, ngày 20.8.1959, chuyến hàng đầu tiên được gùi bộ trên tuyến đường bàn giao cho Liên khu 5 tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường.
Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Liên khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
"Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến"
Trong suốt cuộc chiến tranh, đường Hồ Chí Minh luôn trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch bằng đủ các loại vũ khí hiện đại và tối tân nhất.
Mỹ - Ngụy đã mở nhiều chiến dịch lớn với hàng trăm chiếc máy bay rải chất độc hóa học dọc tuyến hành lang vận chuyển, gần 4 triệu tấn bom đạn và các loại mìn ném xuống Trường Sơn nhằm phá đường, tiêu diệt các đoàn xe, hủy diệt mọi sự sống đến mức "rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn".
Bộ đội "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" TƯ LIỆU
Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", chung ý chí "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và quyết tâm "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", lớp lớp các lực lượng từ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và nhân dân các dân tộc đã luôn bền bỉ, kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững thông suốt cho mạch máu giao thông này.
Trải qua 16 năm, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Đặc biệt, đã góp phần vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh
Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch.
Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc da cam của địch.
Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.
Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông TƯ LIỆU
Đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt cùng chống kẻ thù chung của nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và bạn bè quốc tế.
Theo Ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn, kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; mãi khắc ghi công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia, phục vụ chiến đấu làm nên con đường huyền thoại đường Trường Sơn - đường Hồ Chi Minh.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/duong-truong-son-duong-ho-chi-minh-co-tu-bao-gio-185240515205758373.htm