4
/
108299
Tăng sức hấp dẫn để kêu gọi tối đa nguồn lực tư nhân
tang-suc-hap-dan-de-keu-goi-toi-da-nguon-luc-tu-nhan
news

5.000KM ĐƯỜNG CAO TỐC ĐẾN NĂM 2030: Tăng sức hấp dẫn để kêu gọi tối đa nguồn lực tư nhân

Thứ 5, 22/04/2021 | 11:00:35
1,101 lượt xem

Để có thể huy động được gần 1,9 triệu tỉ đồng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong đó phần lớn dành cho đề án 5.000km đường cao tốc đến năm 2030 đặt ra bài toán phải có cơ chế kêu gọi tối đa nguồn lực tư nhân đầu tư, trong lúc nguồn lực nhà nước sẽ được ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách hoặc góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: VOV

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: VOV

Mất cân đối vốn trong đầu tư giao thông

Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ GTVT rà soát, tính toán là 1,4 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên thực tế bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động mới đạt khoảng 980.000 tỉ đồng, gồm hơn 474.000 tỉ đồng bố trí từ ngân sách và hơn 505.000 tỉ đồng huy động ngoài ngân sách.

Như vậy trung bình vốn đầu tư mỗi năm đạt 98.000 tỉ đồng, mới đạt 2,18% GDP trong cùng thời kỳ và thấp hơn so với Chiến lược phát triển GTVT theo Quyết định số 355 năm 2013 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 3,5 - 4,5%.

Cũng theo đánh giá của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, quá trình thực hiện các quy hoạch giao thông cho thấy cơ cấu nguồn vốn còn nhiều bất cập, còn mất cân đối, thiếu đồng bộ trong việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng của các chuyên ngành.

Nguồn vốn đầu tư hiện nay chủ yếu vẫn tập trung cho đường bộ (đặc biệt là nguồn vốn ngân sách, chiếm tới 81,5% tổng cơ cấu nguồn vốn). Ngược lại, hệ thống cảng biển, cảng, bến thủy nội địa hầu hết được đầu tư bằng nguồn ngoài ngân sách do hành lang pháp lý thuận lợi.

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng cho hay, quá trình thực hiện các quy hoạch hạ tầng giao thông thời gian qua bộc lộ thực tế nguồn vốn ngân sách phân bổ cho ngành GTVT hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 19% nhu cầu. Trong khi đó khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho đầu tư hạ tầng còn khó khăn.

Tách dần sự phụ thuộc vào vốn nhà nước

Để đáp ứng nhu cầu vận tải gia tăng mạnh trong giai đoạn 2021-2030, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Giao thông trong giai đoạn này có thể lên tới 1,85 triệu tỉ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông đường bộ (42%).

Mới đây nhất, Bộ GTVT đề xuất quy hoạch 42 tuyến cao tốc trên toàn quốc để dự kiến đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2030 với tổng vốn khoảng 825.000 tỉ đồng. Do nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông rất lớn, đặc biệt với giao thông đường bộ, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, cần kêu gọi tối đa nguồn lực tư nhân đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn. Chỉ ưu tiên nguồn lực nhà nước đầu tư các dự án cấp bách, góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP, nâng cấp mặt đường các dự án quốc lộ; nhượng quyền các dự án đầu tư xây dựng mới từ nguồn vốn đầu tư công để tạo nguồn lực phát triển hạ tầng.

Riêng với mục tiêu Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc đến năm 2030, trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, việc đầu tư cao tốc không phải dự án nào cũng có mật độ giao thông giống nhau và hấp dẫn đầu tư như nhau. Có những tuyến nằm trên hệ thống cao tốc nhưng lưu lượng xe thấp nên hiệu quả thấp và cần phải tính toán.

Theo đó, trường hợp không cân đối ngân sách cần tính đến phương án huy động vốn xã hội hóa. Muốn vậy phải tăng tính hấp dẫn, hiệu quả và lúc đó mới thu hút được nhà đầu tư. Đặc biệt là 3 bộ: Tài chính, GTVT và KHĐT cần đưa ra các chính sách và quy hoạch cho các nhà thầu để họ yên tâm tham gia phát triển cao tốc.

Trong khi đó, TS Trần Phương Anh - Học viện Tài chính phân tích, hiện nay việc huy động đủ nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng là thực sự cần thiết. Muốn vậy, cần có giải pháp mang tính chiến lược nhằm đa dạng hóa các nguồn tài chính tham gia.

Việc đa dạng hóa các nguồn vốn cho phép Chính phủ có thể huy động được nhiều vốn cho cơ sở hạ tầng, giảm chi phí vốn và tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực hạ tầng.

Muốn vậy, cần phải thực hiện các giải pháp cơ bản như: Tách dần sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách, sử dụng nguồn vốn đầu tư công như nguồn vốn mồi để thu hút được các nguồn vốn khác đặc biệt là nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Trong điều kiện những ưu đãi từ nguồn tài trợ nước ngoài giảm dần, việc hình thành cơ chế khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân là rất cần thiết.

Đồng thời cần thiết phải thiết lập một cơ chế chia sẻ rủi ro lợi ích hợp lý giữa các bên trong các dự án hạ tầng PPP, áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro cho các bên, như bảo lãnh, bảo hiểm... để giúp các nhà đầu tư có thể tự tin hơn khi tham gia các dự án hạ tầng.

Việc luật hóa các nguyên tắc xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro và áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro đối với các dự án PPP là cần thiết để tạo sự tự tin cho khu vực tư nhân khi tham gia vào dự án PPP.

Cơ chế thu hút nhà đầu tư tư nhân chưa hấp dẫn

Theo phân tích của TS Trần Phương Anh - Học viện Tài chính, thực tế hiện nay Việt Nam vẫn thiếu những hạ tầng giao thông thiết yếu. Nguyên nhân của hạn chế này là do cơ chế phân bổ ngân sách đầu tư theo hướng đảm bảo phân bổ vốn "công bằng", đảm bảo thực hiện chính sách xã hội “hài hòa” giữa các ngành, vùng, địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, các chính sách trong thu hút, huy động nguồn lực tài chính, cơ chế tài chính, cơ chế hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư chưa được chú trọng xứng đáng, dẫn tới chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, do vậy huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân còn nhiều hạn chế.

Theo Văn Nguyên/Lao động

https://laodong.vn/kinh-te/tang-suc-hap-dan-de-keu-goi-toi-da-nguon-luc-tu-nhan-901029.ldo

  • Từ khóa

Quản lý thị trường vàng 'có vấn đề'

Ngày 25.4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 14, cho ý kiến thẩm tra báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2023, các tháng đầu năm 2024. Đây là...
09:15 - 26/04/2024
34 lượt xem

Chủ tịch SAGS Sài Gòn nói về việc ngừng phục vụ chuyến bay Bamboo Airways

SAGS dừng cung cấp dịch vụ mặt đất Hãng Bamboo Airways do hãng kéo dài các khoản nợ. Hãng này giảm mạnh quy mô chuyến bay, từ 30 chiếc còn 7-8 chiếc, nên...
16:20 - 25/04/2024
459 lượt xem

Giá xăng dầu đồng loạt giảm, có loại giảm hơn 700 đồng/lít

Giá xăng ngày 25/4 giảm theo xu hướng thế giới tuần qua, mức giảm dao động từ 310 đồng đến 320 đồng/lít. Giá dầu diesel cũng giảm 730 đồng/lít.
15:25 - 25/04/2024
456 lượt xem

89% hành khách dùng buýt điện là người đi làm

Xe buýt thông thường tỉ lệ người đi làm sử dụng chiếm khoảng 25-30%, riêng đối với buýt điện tỉ lệ người đi làm chiếm 89%, gấp 3 lần xe buýt thường.
15:36 - 25/04/2024
473 lượt xem

Tin nổi không: Sân bay Tân Sơn Nhất ước giảm hàng vạn khách dịp cao điểm lễ

Dù Chính phủ đã kéo dài thời gian nghỉ lễ 30.4 - 1.5 cho người dân tới 5 ngày, song giá vé máy bay quá cao cùng số lượng máy bay của các hãng giảm mạnh là...
15:07 - 25/04/2024
497 lượt xem