4
/
163298
Quản lý thị trường vàng 'có vấn đề'
quan-ly-thi-truong-vang-co-van-de
news

Quản lý thị trường vàng 'có vấn đề'

Thứ 6, 26/04/2024 | 09:15:24
2,113 lượt xem

Ngày 25.4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 14, cho ý kiến thẩm tra báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2023, các tháng đầu năm 2024. Đây là nội dung dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 khai mạc ngày 20.5 tới.

Quản lý chặt khối lượng giao dịch vàng miếng

Trong báo cáo được Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung trình bày tại phiên họp, Bộ KH-ĐT đánh giá đầu năm 2024, ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững nhưng còn tiềm ẩn rủi ro. "Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn", ông Trung nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. NGHĨA ĐỨC

Dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng phản ánh ý kiến cho rằng, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành "thị trường ngầm" về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Điều này có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, được phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng.

Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang, cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không phải là chuyện lớn, quan trọng là công tác quản lý thế nào. Theo ông Thịnh, hiện cứ nói giá vàng cao, ví dụ giá ngày hôm nay là 80, 82 triệu đồng/lượng, nhưng thực tế khối lượng giao dịch thực tế là bao nhiêu thì không biết, thông tin rất mù mờ nên khó đưa ra quyết sách phù hợp. Đại biểu Bắc Giang cũng cho rằng, việc vừa qua đấu thầu vàng miếng thất bại chứng tỏ vàng tăng giá nhưng khối lượng giao dịch thấp.

Từ đó, đại biểu Thịnh đề xuất, tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ về khối lượng giao dịch. "Nếu quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm kinh doanh vàng thì lúc đó sẽ không có thao túng. Với công nghệ hiện nay có thể giải quyết được, không có gì khó. Làm được việc này sẽ triệt tiêu các lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng", ông Thịnh kiến nghị, đồng thời cho rằng khi khối lượng giao dịch lớn, nhu cầu vàng miếng SJC tăng thì Nhà nước tổ chức đấu giá, lợi ích sẽ vào ngân sách.

Trong phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định, việc thị trường vàng nhảy múa không ai kiểm soát nổi cho thấy quản lý thị trường vàng có vấn đề. "Thủ tướng đã ra tối hậu thư phải sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng, nhưng tới nay chưa thấy sửa gì hay có biện pháp gì mới cả", ông Thanh nói.

Gần 25.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng

Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, cũng là khó khăn của nền kinh tế những tháng đầu năm 2024 được nhiều đại biểu đề cập. "Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu", Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung nêu và cho biết tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011 - 2019. Quý 1/2024, có gần 74.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 DN rút lui khỏi thị trường.

Cùng đó, tăng trưởng tín dụng đến ngày 4.4 chỉ tăng 0,95% so với năm 2023. Thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm, làm tăng giá vé máy bay nội địa, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhìn nhận, trong khi sản xuất kinh doanh của DN khó khăn thì người dân cũng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến cầu thiếu. Tổng doanh thu bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng tăng thấp hơn so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. "Cầu tiêu dùng không có thì DN sản xuất sẽ dư thừa", ông Thanh phân tích.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dù yếu tố "thời vụ", chu kỳ như lý giải của Ngân hàng Nhà nước là có, song tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,95% là còn thấp và ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế.

"Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất nhưng có thực sự người dân, DN tiếp cận vốn của ngân hàng với mức giảm như thế không?", ông Thanh nêu. Cạnh đó, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN, việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, thị trường du lịch… cũng đang tồn tại nhiều vấn đề phản ánh các khó khăn của nền kinh tế.

Theo Lê Hiệp/Thanh niên

https://thanhnien.vn/quan-ly-thi-truong-vang-co-van-de-185240425224151684.htm

  • Từ khóa

Việt Nam vượt Ấn Độ về xuất khẩu điện thoại thông minh

Không quá khó để thấy một chiếc điện thoại thông minh "made in Vietnam" được bán tại Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khi chúng ta đang chiếm 13% thị phần điện...
07:21 - 05/05/2024
307 lượt xem

Du lịch tàu hỏa lên ngôi

"Ra đi, tới đèo rồi", "Lại vào hầm", "Biển kìa, đẹp quá!", "Hoa gì mà phủ trắng cả sườn núi thế kia"... Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi con tàu lướt...
08:38 - 05/05/2024
241 lượt xem

Bộ Tài chính lý giải giá vé máy bay tăng cao có phải do thuế, phí?

Bộ Tài chính đã nêu rõ thẩm quyền trong việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, giá dịch vụ vận chuyển hành...
18:35 - 04/05/2024
579 lượt xem

Phải làm gì đó khi giá cả nhấp nhổm

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của giới...
15:19 - 04/05/2024
719 lượt xem

Chuẩn bị kỹ để thực hiện cải cách tiền lương, không tăng giá vào thời điểm tăng lương

Chỉ đạo cải cách tiền lương được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2024 vào sáng 4-5.
15:16 - 04/05/2024
698 lượt xem