Trung Quốc được tin đang dùng tuyệt chiêu của đô vật Nhật Antonio Inoki trong trận đấu với nhà vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới Mohammed Ali để ứng phó với Mỹ, nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay.
Năm 1976, Mohammed Ali đã đấu một trận biểu diễn ở Tokyo với đô vật hàng đầu Nhật lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trận tỉ thí không diễn ra kịch tính như mong đợi khi Antonio Inoki dành phần lớn thời gian thi đấu nằm lăn ra sàn và cố đá vào chân của Ali.
Bách khoa toàn thư Wikipedia có ghi, "Ali chỉ có thể ra hai cú đấm trong khi những cú đá chân của Inoki gây ra hai chỗ bị huyết khối (máu đông thành cục trong mạch) và nhiễm trùng, khiến nhà vô địch quyền Anh hạng nặng suýt phải cắt cụt chân. Trận đấu diễn ra không theo kịch bản và cuối cùng được tuyên bố là một trận hòa".
Chuyên gia phân tích David P. Goldman nhận định trên trang Asia Times rằng, Trung Quốc đang áp dụng "chiêu" của Inoki để ứng phó với Mỹ khi mạnh tay đầu tư vào các loại vũ khí ngăn chặn/chống tiếp cận (A2/AD). Bằng cách này, Bắc Kinh muốn Washington không thể tiến lại đủ gần để tận dụng sức mạnh quân sự vượt trội, khiến giữa hai cường quốc khó có khả năng xảy ra chiến tranh quân sự.
Chênh lệch
Ông Goldman đánh giá, quân đội Trung Quốc (PLA) đang có trong tay lực lượng trên bộ được huấn luyện và trang bị kém nhất so với khả năng của một cường quốc. PLA chỉ chi 1.500USD để trang bị cho một lính bộ binh, trong khi con số này là 18.000USD đối với một lính Mỹ.
Chi phí trang bị trung bình cho binh sĩ Trung Quốc (phải) được cho là thấp hơn nhiều so với mức dành cho lính Mỹ. Ảnh minh họa: military.com
Xe tăng Trung Quốc chỉ được coi ở hạng xoàng và không thể theo kịp các phương tiện cùng loại nhưng đời mới hơn của Mỹ và Nga. Không quân PLA không có máy bay tấn công mặt đất chuyên dụng nào sánh được với mẫu A-10 Warthog của Mỹ hay tiêm kích Su-25 của Nga.
Trong trường hợp xảy ra đụng độ trên biển, Trung Quốc có thể điều động ngay lập tức khoảng 30.000 lính thủy đánh bộ và 60.000 lính bộ binh hỗ trợ. Song, tốc độ triển khai quân như vậy vẫn bị coi là chậm so với Mỹ.
Các nhà phân tích dự đoán, Trung Quốc đang duy trì 7.000 - 15.000 lính đặc nhiệm, trong khi ngân sách quốc phòng hiện thời của Mỹ cho phép quân số lực lượng này lên tới 66.000 người.
Xây dựng khả năng ngăn chặn
Tuy nhiên, Trung Quốc đã chi bộn cho việc phòng thủ ven biển. Các tên lửa đất đối hạm của nước này, từ mẫu DF-21 đầu tiên ra mắt năm 2008 đến mẫu DF-26 trình làng năm 2018 đều được truyền thông mô tả là "sát thủ tàu sân bay". Trong đó, DF-26 được cho có tầm bắn 2.500km, đủ xa để tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ ở Guam.
Cận cảnh đầu đạn siêu thanh lắp đặt trên tên lửa hạng nặng DF-17. Ảnh: Asahi Shimbun
Theo các chuyên gia, tên lửa của Trung Quốc lao xuống theo phương thẳng đứng từ tầng bình lưu, trong khi hệ thống phòng thủ của các chiến hạm Mỹ không được thiết kế để chống lại kiểu tấn công như vậy. Thêm vào đó, đầu đạn siêu thanh DF-ZF lắp đặt trên một tên lửa hạng nặng DF-17 sở hữu tốc độ có thể đánh bại bất kỳ rào chắn tên lửa hiện có nào.
Liệu Trung Quốc có thể bắn chìm tàu sân bay Mỹ bằng tên lửa hoặc tàu ngầm chạy bằng dầu diesel - điện êm ái, khó phát hiện hay không đang là một chủ đề gây tranh cãi.
Song, cách đây một năm, Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney (Australia) đánh giá, kho tên lửa tầm xa, chính xác ngày càng gia tăng số lượng của Bắc Kinh đang tạo nên mối đe dọa lớn đối với hầu hết các căn cứ, đường băng, bến cảng và cơ sở quân sự của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác ở Tây Thái Bình Dương.
Do những cơ sở này có thể bị vô hiệu hóa bằng các cuộc tập kích chính xác vào lúc mở màn một cuộc xung đột, nên mối đe dọa từ tên lửa của PLA đang thách thức khả năng điều động các lực lượng của Mỹ trong khắp khu vực.
Tên lửa DF-26 trong cuộc diễu binh của Trung Quốc hồi tháng 10/2019. Ảnh: THX
Ngoài các khả năng A2/AD rộng hơn, bao gồm cả lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, các hệ thống C4ISR (chỉ huy, điều khiển, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát) tiên tiến, tàu ngầm tấn công hiện đại, hệ thống tác chiến điện tử và dàn tên lửa đất đối không tinh vi, dày đặc cho phép PLA ngăn chặn các lực lượng viễn chinh của Mỹ và đồng minh trong tình huống rủi ro, không để ngoại binh hoạt động hiệu quả trên biển hoặc trên không trong phạm vi chiến đấu của các mục tiêu Trung Quốc.
“Tiếp sau việc Bắc Kinh xây dựng một mạng lưới tiền đồn quân sự ở Biển Đông, vốn có thể hỗ trợ các hệ thống radar tân tiến, khẩu đội tên lửa và máy bay chiến đấu, mối đe dọa A2/AD ngày càng gia tăng trên tuyến đường biển quan trọng này”, trích nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney.
Ẩn số sức mạnh
Hiện vẫn còn một số ẩn số lớn về năng lực quân sự của Trung Quốc. Một số nhà quan sát Mỹ cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Đại lục là nền tảng vũ khí hiệu quả chống lại các chiến hạm và máy bay của hải quân Mỹ.
Nhưng, các chuyên gia khác lại tỏ ra không quá ấn tượng. Vấn đề ở chỗ, các chiến đấu cơ Trung Quốc không cần phải đánh bại các tiêm kích F-18 hay F-35 trong những cuộc không chiến trực tiếp. Họ chỉ cần giữ các lực lượng của Mỹ ở khoảng cách xa đại lục.
Siêu tiêm kích F-35 của quân đội Mỹ được ca ngợi vì các tính năng trí tuệ nhân tạo vượt trội. Ảnh: Lockheed Martin
Trung Quốc đã có khả năng tiêu diệt các vệ tinh của Mỹ bằng tên lửa từ năm 2008 và có thể làm mù chúng bằng tia laser. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, chúng có thể phá hủy các hệ thống thông tin liên lạc và định vị của quân đội Mỹ.
Bắc Kinh cũng cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tân tiến do Nga chế tạo. Liệu biện pháp đối phó của Washington có thể đánh bại "rồng lửa" Nga hay không vẫn là một ẩn số.
Tất nhiên, một cuộc đối đầu giữa lực lượng Mỹ và Trung Quốc gần bờ biển đại lục không phải là kịch bản duy nhất có thể xảy ra. Mỹ có thể cố gắng chặn hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc từ Vịnh Ba Tư. Điều đó giải thích tại sao Trung Quốc rất háo hức tham gia vào hệ thống vận chuyển dầu và khí đốt bằng đường bộ từ Nga.
Bản thân Trung Quốc đã tự sản xuất, đáp ứng được 85% nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu nhiên liệu, nên các nỗ lực ngăn chặn dòng lưu chuyển của dầu mỏ sẽ gây ra hậu quả tàn khốc hơn cho các đồng minh của Mỹ.
Mỹ có thể phát triển các vũ khí mới để đánh bại kho tên lửa đáng gờm của Trung Quốc. Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiến tiến của Mỹ hồi đầu năm nay đã tài trợ cho tập đoàn sản xuất vũ khí Grumman 13 triệu USD để nghiên cứu vấn đề này trong dự án Manhattan. Hải quân Mỹ cũng tuyên bố đang phát triển hệ thống phòng thủ mới nhưng không tiết lộ chi tiết.
Về lý thuyết, tia laser có thể truyền năng lượng với tốc độ ánh sáng, chống lại bất kỳ vũ khí động năng nào. Song, việc cảm biến, lấy nét và phá hủy các đối tượng di chuyển cực nhanh sẽ đặt ra một loạt vấn đề chưa giải quyết được.
Washington được tin sẽ mất nhiều năm trước khi thâu tóm được các vũ khí laser có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên các bờ biển của Trung Quốc. Vì vậy, chiến lược phòng thủ công nghệ cao của Trung Quốc khiến cuộc đối đầu quân sự với Mỹ khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/ly-do-my-trung-khong-doi-dau-quan-su-669132.html