11
/
172796
Lưu ý về cách tính điểm mới câu hỏi trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT
luu-y-ve-cach-tinh-diem-moi-cau-hoi-trac-nghiem-thi-tot-nghiep-thpt
news

Lưu ý về cách tính điểm mới câu hỏi trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT

Thứ 2, 25/11/2024 | 07:18:00
2,166 lượt xem

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ áp dụng câu hỏi trắc nghiệm theo dạng thức mới và cách tính điểm không còn cào bằng như đã áp dụng từ năm 2008 đến nay.

Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT đã công bố, hình thức các môn thi không thay đổi. Môn ngữ văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận, các môn học khác trong đó môn toán bắt buộc và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ) thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

THÊM CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM DẠNG THỨC MỚI

Tuy nhiên, theo định dạng đề thi từ năm 2025, câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, dạng thức đã được áp dụng trong nhiều năm qua, chỉ còn sử dụng trong đề thi môn ngoại ngữ. Các môn trắc nghiệm còn lại có tối đa 3 dạng thức câu hỏi được sử dụng theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh (TS).

Học sinh lớp 12 năm nay là lứa đầu tiên chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT theo cấu trúc đề mới 

Cụ thể, ngoài câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn còn có 2 dạng thức mới là câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn.

Ở dạng thức câu hỏi đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, TS phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi TS phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.

Còn câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà TS phải tự điền vào phiếu trả lời.

Cả 2 dạng thức này đòi hỏi TS phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HỌC SINH CHÍNH XÁC HƠN

Thạc sĩ Trần Văn Toàn, nguyên Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nhận xét 3 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đó là hướng đến đánh giá năng lực theo từng cấp độ tư duy của học sinh (HS). Trong đó, dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn quen thuộc còn dạng thức đổi mới đúng/sai gồm 4 câu, mỗi câu có 4 ý và buộc phải trả lời những ý đó đúng hay sai. Dạng thức này đòi hỏi TS phải trả lời 16 ý và thể hiện sự thông hiểu một cách thấu đáo các kiến thức đã học trong chương trình. Còn dạng thức trả lời ngắn là câu hỏi vận dụng kiến thức tổng quát để giải và được cho dưới dạng tự luận nhưng TS chỉ cần nêu lên kết quả cuối cùng trong từng câu.

Học sinh lo lắng về cách tính điểm mới

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều HS bày tỏ thái độ hoang mang, lo lắng về cách tính điểm mới ở phần 2 trắc nghiệm đúng/sai sẽ được áp dụng bắt đầu vào kỳ thi năm tới.

Lê Nguyễn Trúc Vy, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết em áp lực và căng thẳng khi làm đến phần trắc nghiệm đúng/sai. Dù đã cẩn thận và chắc chắn với 3 lựa chọn đầu tiên, Vy vẫn phải "căng não" chọn đúng ý thứ 4, phần khó nhất của câu hỏi.

"Chỉ cần sai 1 ý, cả câu em chỉ được 0,5 điểm dù 3 ý trước đó làm đúng. Như vậy, 3 câu đúng chỉ bằng 1 câu sai. Phần này có 4 câu hỏi, nếu mỗi câu sai 1 ý, em mất ngay 2 điểm rất đáng tiếc", Vy bộc bạch.

Nguyễn Lê Đan Anh, HS lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cũng cảm thấy lo lắng với phần này. "Chỉ được 0,5 điểm dù làm đúng 3/4 ý khiến em nản lòng vì đã tốn nhiều thời gian suy nghĩ và trả lời. Với những ý cuối, hầu hết em và các bạn đều khoanh bừa vì đây là ý khó, em càng hoang mang khi yếu tố hên xui lại quyết định đến 0,5 điểm," nữ sinh chia sẻ.

Uyên Phương Lê

Thạc sĩ Trần Văn Toàn cho rằng sự kết hợp 3 định dạng câu hỏi trắc nghiệm đánh giá năng lực của HS chính xác hơn nhiều so với trước đây. Qua đó, khả năng phân loại TS cũng tốt hơn, đặc biệt khi sử dụng kết quả trong xét tuyển ĐH tốp đầu.

Theo thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), với việc có thêm dạng thức mới, TS phải vận dụng toàn diện kiến thức và kỹ năng chuyên môn mới có thể chọn được câu trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Từ đó, phân loại được tư duy và năng lực của nhiều nhóm đối tượng HS khác nhau, chuẩn hóa và đo được năng lực thực tế của từng HS cụ thể, hạn chế được việc dùng "mẹo" hay "đoán mò" để chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Đề thi còn có sự kết hợp của hình thức câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn, đòi hỏi TS phải có năng lực, kiến thức kỹ năng cao mới có thể viết được câu trả lời chính xác, hạn chế được tình trạng "lụi" trắc nghiệm như trước đây.

Theo thạc sĩ Phạm Lê Thanh, nhìn chung, sự kết hợp nhiều hình thức câu hỏi chuẩn hóa trong đề thi sẽ giúp cho quá trình kiểm tra đánh giá năng lực HS chuẩn xác hơn, phân loại đúng năng lực từng HS.

CÁCH TÍNH ĐIỂM KHÔNG CÒN CÀO BẰNG CÁC CÂU HỎI

Với đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về trước, những môn thi theo hình thức trắc nghiệm chỉ có một dạng câu hỏi và tùy vào số câu hỏi của mỗi đề, thang điểm sẽ được chia đều. Dù câu hỏi dễ hay khó, thông hiểu hay vận dụng thấp hoặc cao đều cùng chung mức điểm.

Nhưng bắt đầu từ năm 2025, ngoại trừ môn ngoại ngữ sử dụng duy nhất hình thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn cho toàn bộ 40 câu hỏi với mức 0,25 điểm/câu, các câu hỏi của môn thi trắc nghiệm khác được chia thành 3 phần.

Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng, TS được 0,25 điểm.

Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm đúng/sai thì thang điểm không còn chia đều. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý TS lựa chọn đúng hoặc sai. TS lựa chọn đúng 1 ý trong một câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; đúng 2 ý trong một câu hỏi được 0,25 điểm; đúng 3 ý trong một câu hỏi được 0,5 điểm; đúng cả 4 ý trong một câu hỏi được 1 điểm.

Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn. TS tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Đối với môn toán, ở phần 3, mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm. Các môn khác, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.

Với sự thay đổi này, thạc sĩ Trần Văn Toàn cho biết cách tính điểm ở phần 2 hay và hợp lý, tạo sự công bằng. Ở đây sẽ đánh giá được TS đánh lụi và TS học hiểu, biết. Chẳng hạn, với môn toán, ở phần 2 trả lời đúng/sai, chỉ cần chọn một ý sai là sai hết toàn bộ câu hỏi.

Thạc sĩ Trần Văn Toàn nhấn mạnh: "Việc xóa bỏ cào bằng điểm cho các câu trả lời còn tạo cho HS tinh thần tự trọng. Biết thì nói mình biết, thể hiện qua câu trả lời và ngược lại, chứ không còn cứ đánh liều, tạo sự giả dối".

Học sinh lớp 12 được hướng dẫn ôn luyện đề thi tốt nghiệp THPT theo định dạng đề mới

KHÔNG CÒN KIỂU DẠY ĐOÁN ĐỀ, "GÀ" ĐỀ

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh cho hay câu hỏi trắc nghiệm dạng thức đúng/sai đã được các quốc gia tiên tiến áp dụng nhiều năm, đem lại nhiều giá trị trong đo lường và đánh giá năng lực người học ở từng cấp học. Dạng thức này đánh giá đúng và trúng toàn diện năng lực khi đòi hỏi HS phải nắm chắc và hiểu sâu kiến thức nền tảng mới có thể giải quyết được các câu hỏi. Không còn tình trạng HS chăm chăm giải bài tập, giải đề mà bỏ rơi kiến thức lý thuyết nền tảng môn học vì thực tế nội dung đề thi rất rộng.

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh nói thêm: "Giáo viên cũng không còn kiểu dạy đoán đề, "gà" đề, mà phải bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình để dạy. Phát triển chương trình và xây dựng câu hỏi cũng từ yêu cầu cần đạt của chương trình để kiểm tra HS. Không còn những bài toán, bài tập phi thực tế, không có giá trị đo lường năng lực HS như trước".

Một giáo viên của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) khẳng định sự thay đổi và điều chỉnh cách tính điểm ở dạng thức đề tốt nghiệp theo chương trình mới có tác động tích cực vì yêu cầu HS học và hiểu bài kỹ hơn, tránh học tủ, học vẹt ở các môn mình lựa chọn. Từ đó, đảm bảo nắm vững kiến thức cơ bản để dễ dàng tiếp thu kiến thức ở bậc học cao hơn, giúp phân hóa trình độ của HS. Đồng thời, từng môn học, giáo viên cũng đã xây dựng và biên soạn câu hỏi trong các bài kiểm tra theo cấu trúc, định dạng và cách tính điểm nêu trên để HS từng bước làm quen.

Theo Bích Thanh/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/luu-y-ve-cach-tinh-diem-moi-cau-hoi-trac-nghiem-thi-tot-nghiep-thpt-185241124193347889.htm

  • Từ khóa

Du học Úc có bắt buộc điểm môn lý, hóa trong học bạ?

Một số giáo viên Việt Nam cho biết học sinh của mình bị từ chối hồ sơ du học vì thiếu điểm môn lý, hóa. Thực hư ra sao?
16:06 - 28/11/2024
287 lượt xem

Sự hài lòng với chất lượng dịch vụ giáo dục Bắc Giang đạt mức cao

Năm 2024 là năm thứ 4 liên tiếp tỉ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục công tỉnh Bắc Giang duy trì ở mức cao.
14:58 - 28/11/2024
321 lượt xem

Không khí ô nhiễm khiến trẻ em Ấn Độ... 'thất học'

Với tình trạng ô nhiễm nặng nề, các trường học ở thủ đô Delhi, Ấn Độ, buộc phải chuyển sang hình thức học trực tuyến để bảo vệ sức khỏe học sinh.
10:45 - 28/11/2024
438 lượt xem

Xét tuyển ĐH 2025: Những điều chỉnh về tổ hợp môn

Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh, dự kiến áp dụng cho năm 2025. Trong đó, một trong các nội dung...
09:04 - 28/11/2024
476 lượt xem

Làm sao khẳng định vị thế chứng chỉ ngoại ngữ 'nội'?

Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) cần đổi mới để khẳng định giá trị...
07:39 - 28/11/2024
507 lượt xem