Bên cạnh những cặp vợ chồng hạnh phúc, ấm êm cả đời, không ít các cặp đôi vừa kết hôn vài năm đã chia tay. Những cặp đôi thế nào thì có nguy cơ tan vỡ?
Ảnh minh họa: Mompresso.
Theo tờ Aboluowang, có ba kiểu hôn nhân không thể bền.
Hôn nhân một chiều
Trong quan hệ vợ chồng, mỗi cá nhân đều mong được yêu thương trọn vẹn, hết lòng. Điều này là bản tính tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu một người chỉ trông đợi nửa kia dốc lòng với mình mà bản thân lại không sẵn sàng làm điều đó, đây là một mối quan hệ một chiều, thiếu tích cực. Quan hệ vợ chồng không thể chỉ do một người duy trì. Mục đích của hôn nhân chính là cùng nhau đương đầu với những thử thách, khó khăn trong cuộc sống, chứ hoàn toàn không thể chỉ là "tìm nơi trú ẩn an toàn cho cuộc đời".
Trong bộ phim "Ba mươi chưa phải là hết" của Trung Quốc - một bộ phim truyền hình gây tiếng vang trong nửa đầu 2020, nhân vật nữ chính Chung Hiểu Cần đã nói: "Ai cũng muốn trú mưa, tránh gió, vậy thì ai là bến đỗ?".
Khi hai người bước vào hôn nhân, tức là cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, đảm nhận những vai trò khác nhau để gìn giữ mối quan hệ bền vững. Thế nên, những cuộc hôn nhân chỉ một phía chịu trách nhiệm, nửa kia vẫn tiêu diêu đeo đuổi mục tiêu riêng mình, thì rất nhanh chóng, mối quan hệ ấy sẽ tan vỡ.
Theo tiến sĩ Caryl Rusbult - nhà tâm lý học tại Đại học Kentucky, Mỹ: "Lý do vì sao một mối quan hệ rất khó bền khi một trong hai phía không còn nỗ lực, là do sự tiêu cực của một người khiến người kia cũng bắt đầu phản ứng tiêu cực. Khi điều đó xảy ra, thật khó để cứu vãn mối quan hệ".
Hôn nhân không chung thủy
Hôn nhân là sự kết hợp của hai tâm hồn đồng điệu. Thế nên, điều cấm kỵ nhất của hôn nhân chính là một trong hai phía có hành vi không chung thủy, phá vỡ sự đồng điệu đó.
Trong hôn nhân, tác động của sự thiếu chung thủy là vô cùng lớn, ví dụ gây cú sốc tinh thần to lớn cho nửa kia, làm mất sự tin tưởng và nảy sinh những cảm xúc tiêu cực: căm hận, ghen tuông, nghi ngờ..., kéo theo đó là những hành xử thiếu tử tế với đối phương. Ngay cả khi ngoại tình chấm dứt, thì những vết thương nó để lại vẫn tồn tại theo thời gian, trở thành vết sẹo khó lành trong lòng nửa kia.
Kết quả một điều tra, thăm dò xã hội được thực hiện bởi chuyên trang Best Life, Mỹ gần đây trên 441 người đã có gia đình và ngoại tình cho thấy, hơn một nửa (54,5%) đã chia tay ngay sau khi sự thật lộ ra. 30% khác cố gắng ở bên nhau nhưng cuối cùng đã chia tay, và chỉ 15,6% có thể duy trì quan hệ sau sự đổ vỡ lòng tin này.
Hôn nhân có yếu tố bạo lực
Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân chính, dẫn đến sự đổ vỡ của mối quan hệ vợ chồng. Bạo lực gia đình không chỉ là việc bạo hành thể xác, mà còn bạo lực về tinh thần, về kinh tế, hay bạo hành tình dục...
Tờ NYTimes gần đây đăng tải đoạn video ghi lại hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc bị chồng đánh đập nhẫn tâm. Người phụ nữ sau đó nhảy từ tầng hai xuống đường, dẫn đến bị gẫy xương sống, chân liệt tạm thời. Người vợ cho biết cô chỉ có cách nhảy xuống đường để thoát thân, nếu không muốn bị chồng đánh chết. Cô cho biết không muốn ở thêm một phút giây nào với người chồng, và kiên quyết ly dị.
Thống kê của Trung Quốc giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh nhất hồi đầu 2020 cho thấy, các vụ bạo lực gia đình tăng theo cấp số nhân. Số liệu thống kê trên toàn quốc về tỷ lệ ly hôn cũng cho thấy con số tăng vọt. Điều này chỉ ra một thực tế: bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định chia tay của các cặp vợ chồng.
Theo Thùy Linh/VnExpress (nguồn Aboluowang)
https://vnexpress.net/vi-sao-co-nhung-cuoc-hon-nhan-chet-yeu-4172768.html