Trao đổi về tình trạng li hôn ngày càng tăng và đáng báo động ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng có rất nhiều rất nhiều lí do, trong đó có việc giới trẻ chưa xác định được giá trị hôn nhân; chưa định vị nghiêm túc hôn nhân và đơn giản hóa dễ cưới, thậm chí "ngẫu hứng lấy nhau"...
Chiều 29/9, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề “Thực trạng hôn nhân ở Việt Nam và thế giới: Nguyên nhân tỉ lệ li hôn ở gia đình trẻ tăng cao?”.
Đây là chương trình nhằm tuyên truyền về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020.
Trao đổi tại chương trình có các chuyên gia: Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP Hà Nội; Thạc sĩ Lê Thị Lan Phương – Quản lí chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women); Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên – Trưởng khoa Triết học ĐH Sư phạm Hà Nội.
Dễ cưới, dễ bỏ
Tại chương trình, các khách mời đã chia sẻ nhiều thống kê, nghiên cứu cho thấy thực trang li hôn ngày càng tăng, nhất là ở khu vực thành thị, các gia đình trẻ; lí giải nguyên nhân đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Bà Lan Phương cho biết, trong khảo sát hộ gia đình của năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy: tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tỷ lệ này tăng lên từ 1,4% lên 2,1%). Trong các vụ li hôn, 70% phụ nữ đứng đơn. Lí do đổ vỡ tập trung ở ngoại tình, bạo lực gia đình, mâu thuẫn trong cuộc sống và liên quan đến kinh tế.
Bà Phương lí giải: "Năm 2019 UN Women có nghiên cứu toàn cầu về vấn đề gia đình trong thế giới thay đổi. Phụ nữ hiện đại có cơ hội giáo dục, cơ hội việc làm và cơ hội tiếp cận nhiều nguồn lực để tự chủ hơn về cuộc sống, kinh tế, nuôi dạy con cái… do đó ít có sự chấp nhận khi phần lớn công việc nhà vẫn đến tay, nhiều gấp 3 lần đàn ông.
Gia đình có sự yêu thương, đoàn kết và chứa đựng những mâu thuẫn. Đỉnh cao của sự mâu thuẫn là bạo lực gia đình. Ở Việt Nam, có 63% phụ nữ kết hôn đã trải qua vấn đề bạo lực gia đình".
Các chuyên gia chia sẻ tại chương trình
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền từ thực tế công việc giải quyết nhiều loại án hôn nhân gia đình, cho biết, những gia đình trẻ vượt qua 5 – 7 năm đầu tiên thì giai đoạn sau bền vững hơn. Song nhiều đôi trẻ tìm hiểu nhau chưa kĩ, chưa chuẩn bị hành trang cuộc sống hôn nhân, chưa có sự ràng buộc nhiều nên các vụ án liên quan đến hôn nhân gia đình ngày càng tăng.
Theo bà Huyền, riêng Hà Nội năm 2018 có hơn 16 nghìn vụ liên quan đến li hôn, năm 2019 tăng thêm 1.000 vụ li hôn.
TS. Duy Nhiên đồng ý thực trang li hôn gia tăng đáng báo động. Tỉ lệ kết hôn và tỉ lệ li hôn đều tăng trong mỗi năm. Theo ông Nhiên, nhiều bạn trẻ đã không định vị thực sự nghiêm túc hôn nhân mà đơn giản hóa việc kết hôn nên cũng đơn giản hóa, dễ dàng bỏ nhau. Đồng thời không xác định được giá trị hôn nhân quan trọng thế nào trong cuộc đời.
“Bây giờ nhiều người lại làm mờ điều này và ngẫu hứng trong việc lấy nhau. Ngẫu hứng trong cuộc đi chơi gặp nhau, cảm mến nhau gọi là tình yêu sét đánh rồi đến hôn nhân rất nhanh. Trước là cả quy trình chặt chẽ từ lúc tìm hiểu đến bỏ trầu, ăn hỏi, kết hôn… mỗi nấc thang như vậy là lần kiểm nghiệm xem cặp đó có đến với nhau không; còn bây giờ những điều đó có thể gói gọn trong thời gian rất ngắn nên không kịp định vị, kiểm nghiệm”, ông Nhiên bày tỏ.
Chuẩn bị hành trang kết hôn
Tại chương trình, các khách mời đã giải đáp những khúc mắc của khán giả; chia sẻ bí quyết giúp vợ chồng trẻ giữ gìn mái ấm, tránh hôn nhân đổ vỡ như cần có sự quan tâm, chia sẻ công việc, chi tiêu trong gia đình tránh tâm lí đổ lỗi; biết tiến biết lùi "cơm sôi bớt lửa"; cùng lắng nghe chia sẻ để giải tỏa mâu thuẫn; cần có sự tôn trọng lẫn nhau.
Chia sẻ về độ tuổi chín chắn kết hôn, các chuyên gia cho rằng độ tuổi kết hôn đã được pháp luật quy định nam 20, nữ 18. Song để tiến đến hôn nhân, các bạn trẻ cần chuẩn bị hành trang về kinh tế, công việc ổn định, kiến thức về hôn nhân gia đình để đảm bảo cuộc sống; có thời gian tìm hiểu nhau.
TS. Duy Nhiên cho rằng: "Bạn gái 20 tuổi kết hôn thì không yên tâm lắm vì sự trải nghiệm lứa tuổi 20 sẽ khác và còn nhiều hoài bão, ước mơ cống hiến. Con gái sau 23 tuổi lứa tuổi có sự trưởng thành về cơ thể, bắt đầu đi làm, có kinh nghiệm sống, kinh tế thì khi kết hôn nguy cơ li hôn ít hơn".
Theo Xuân Tùng/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nguoi-tre-ngau-hung-lay-nhau-de-dang-bo-nhau-1728578.tpo