Ngăn cấm trẻ xem tivi là không hợp lý bởi giống như Internet, trẻ có thể học được nhiều điều nếu như biết chọn lọc để xem.
Bài viết của nhà văn Nguyên Nguyên, đăng trên diễn đàn giáo dục con cái của trang web sohu.
Cuối tuần, tôi cho con trai xuống khu vui chơi, một lúc sau có vài bạn nhỏ vây xung quanh bé. Cầm vài viên bi trên tay, con trai tôi diễn thuyết: "Ta là mặt trời với sức mạnh vô song. Mặt trời có thể chiếu sáng giúp mọi người sống sót". "Còn ta thì sao", cậu bé tiếp tục đóng vai khác. "Bạn là sao Hỏa, vì bạn cầm viên bi màu đỏ. Có rất nhiều ngọn núi lửa nằm ở trên bạn, trực chờ ngày phun trào"...
Tôi không tin những gì mình vừa nghe lại phát ra từ miệng đứa bé 4 tuổi. Cậu bé đang nói lại những kiến thức trong bộ phim tài liệu "Vụ nổ vũ trụ", hay "Chiến tranh giữa các vì sao" hay được chiếu trên tivi.
Người mẹ đứng bên cạnh hỏi tôi cho con học ở đâu mà biết nhiều như thế. Tôi nhìn thấy sự ghen tị trong mắt cô ấy. "Cháu chỉ xem tivi ở nhà", tôi thật thà. Ánh sáng trong mắt người phụ nữ phụt tắt: " Tivi không tốt cho trẻ em. Gia đình tôi chưa bao giờ tin tivi có lợi cho trẻ", cô ấy gay gắt.
Nếu trở lại hai năm trước, tôi sẽ nắm tay cô ấy mà khóc: "Cuối cùng cũng tìm được tri kỷ, tôi cũng vậy". Nhớ lại khi dọn về nhà mới, tôi cương quyết không mua tivi. Trước 2 tuổi, con trai chưa từng xem một chương trình truyền hình nào.
Nhiều bố mẹ ngăn cấm con xem tivi vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như khả năng ngôn ngữ của trẻ. Ảnh: eastday.com.
Cho đến một lần, khi đến nhà người bạn, sau bữa cơm, họ bật tivi lên. Trên cả chặng đường về nhà, con trai không ngừng yêu cầu: "Mẹ, con cũng muốn xem tivi". Tôi bất ngờ nhưng lại nhớ tới câu nói của người bạn: "Chị có đảm bảo rằng không cho con xem tivi ở nhà, trẻ không xem tivi hay sử dụng máy tính trộm không? Mọi sự ngăn cấm chỉ tạo nên sự tù túng trong tâm hồn trẻ".
Tôi bắt đầu suy nghĩ rồi đặt câu hỏi tại sao tôi không muốn cho con xem tivi, nói cách khác, cho bé xem tivi, tôi lo lắng điều gì? Trước đây tôi cho rằng, xem tivi thị lực trẻ sẽ kém đi, nó sẽ gây nghiện thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Nỗi lo mất kiểm soát đã buộc tôi phải hành động nhanh chóng để dập tắt hành động "xem tivi" từ trong trứng nước. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, khi bạn càng cấm, trẻ lại càng muốn xem hơn. Tại sao lại như thế?
Hiệu ứng trái cấm
Bạn có nhận thấy rằng khi một thứ gì đó bị cấm hoặc nguy hiểm, không thể tiếp cận hoặc khó khăn, nó sẽ hấp dẫn hơn? Đó chính là hiệu ứng trái cấm trong tâm lý học. Điều này đặc biệt rõ ràng trong mối quan hệ giữa trẻ em và tivi.
Đã có bao nhiêu cha mẹ rơi vào hoàn cảnh "cuộc chiến với chiếc điều khiển" cùng với con mình. Trước đây tôi thường xem trộm tivi khi bố mẹ vắng nhà. Việc sử dụng quạt và khăn lạnh đắp lên tivi trước khi bố mẹ về nhà là những kỷ niệm kinh điển trong tuổi thơ của tôi.
Trẻ em cũng cần một chế độ vui chơi cân bằng y như chế độ dinh dưỡng. Trong danh mục các hoạt động vui chơi này nên có cả việc được xem truyền hình, bởi nếu không thì chúng sẽ luôn cảm thấy thèm khát khoảng thời gian được ngồi trước màn hình để xem những chương trình chúng ưa thích.
Cha mẹ dùng "xem tivi" như một phần thưởng
Tôi thường nghe cha mẹ muốn con làm điều gì đó, họ ra điều kiện: "Ăn ngon, bố mẹ sẽ cho xem phim hoạt hình’; "Hãy làm bài tốt và con có thể xem tivi sau khi học xong"... Có thể những lúc như thế này, bé thực sự ăn ngoan và tập trung học hành. Nhưng nếu mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy, đứa trẻ dần hình thành nhận thức "Xem ti vi= phần thưởng", và việc này có thể trao đổi được. Bởi vậy khi làm bất cứ việc gì, trẻ sẽ lại mang sự "trao đổi" này ra để thương lượng với bố mẹ.
Nói thẳng ra, không phải tivi khiến trẻ em nghiện mà chính thái độ của bố mẹ đối với tivi khiến trẻ nghiện. Nếu nguyên nhân gốc rễ này không được giải quyết, ngay cả khi không có tivi, trẻ sẽ tìm các phương án thay thế khác, chẳng hạn như điện thoại di động, máy tính và thậm chí là những thứ khác.
Tôi ủng hộ trẻ xem tivi, vì có nhiều lợi ích
Trước 24 tháng, trẻ không thích hợp để nhìn vào màn hình tivi, nhưng sau lứa tuổi này, kiến thức mà các chương trình truyền hình mang lại có nhiều tác dụng không ngờ.
Ví dụ về lĩnh vực tiếp thu kiến thức. Con trai tôi đang xem những bí ẩn của vũ trụ, những thí nghiệm hóa học và một số phim tài liệu về khám phá khoa học, phim cổ tích ... kiến thức thật nhiều. Mặc dù tôi không mong đợi khi xem tivi con trai sẽ trở thành thiên tài trong những lĩnh vực này, nhưng nếu đón nhận một cách tinh tế, thì đó cũng là một phương pháp để gieo mầm tri thức.
Chỉ nói về các thí nghiệm hóa học, trong một lần thấy khoai tây chiên nổi trên mặt chảo, con trai đã thốt lên "Lực nổi kìa mẹ". Điều này rất khó dạy ở một đứa trẻ 4 tuổi nếu chúng không tận mắt nhìn thấy thí nghiệm qua chương trình truyền hình khoa học.
Ví dụ về tăng trưởng: Năm ngoái tôi có mua một chiếc loa thông minh AI, nhận diện được giọng nói, thiết lập được những câu lệnh riêng phù hợp với mục đích điều khiển của người dùng. "Loa thông minh, hãy nhắc tôi tắt tivi sau 15 phút nữa". Đó là việc phải làm của con trai tôi trước khi bật tivi. Và chiếc loa đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Tất nhiên mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Lúc đầu nghe yêu cầu của tôi, con trai đã phản kháng. Nhưng lần nào tôi cũng đáp lại bằng một giọng nói nhẹ nhàng nhưng quyết đoán "Nếu không muốn, con có thể không xem". Sau đó chỉ cần nghe tiếng từ chiếc loa, con trai tôi hình thành được thói quen tự giác, kể cả trong những việc khác nữa.
Bởi vậy, cho dù internet hay tivi, sẽ có nhiều thứ hay ho hay "rác rưởi" trong đó. Nhưng tivi với tư cách là một công cụ, tự nó không tốt hay xấu. Vì vậy thay vì cân nhắc có nên cho trẻ xem tivi hay không, tôi chú ý hơn đến việc cho trẻ xem tivi như thế nào là hợp lý.
Tạo tính tương tác với trẻ sau khi xem tivi sẽ khiến trẻ dduojc trau dồi kỹ năng diễn đạt, thậm chí hình thành tư duy logic. Ảnh: aiziw.com
Sau đây là 4 nguyên tắc nhỏ mà tôi thường áp dụng khi cho con xem tivi.
Kiểm soát tài nguyên Tivi
Khi một đứa trẻ còn nhỏ, không thể phân loại các chương trình truyền hình hay dở. Vì vậy, chương trình nào phù hợp với con em mình thì phải kiểm tra kỹ càng trước khi cho trẻ xem.
Hẹn giờ xem Tivi trước
Tôi cũng lo lắng xem tivi nhiều ảnh hưởng đến thị lực của con như gây mỏi mắt và cận thị. Vì vậy, tôi phải đặt quy tắc xem trong bao lâu. Nói chung, không quá 15 phút mỗi lần và không quá ba lần một ngày.
Tạo tính tương tác khi xem tivi
Sự tương tác của các chương trình truyền hình đều là một chiều, nếu xem quá nhiều, sức biểu cảm của trẻ có thể giảm sút. Do đó, tôi sẽ có xu hướng thảo luận những gì đã xem với con: "Người nhện hôm nay có nhiệm vụ gì"; "Oa, nghe có vẻ ly kỳ đó, thế anh ấy đã cứu người như thế nào?"
Chỉ với vài câu hỏi đơn giản, toàn bộ câu chuyện được kết hợp lại với nhau. Có khi tôi và con trai lần lượt đóng vai các nhân vật hoạt hình rồi diễn lại những phân cảnh vừa xem. Điều này rất tốt để trẻ trau dồi kỹ năng diễn đạt, thậm chí hình thành tư duy logic. Hơn nữa, mỗi khi cùng mẹ bàn bạc, con trai tôi rất vui vì cảm thấy mẹ như một người bạn tốt, thích những điều con thích, quan tâm đến những thứ con quan tâm.
Giúp trẻ phát triển các sở thích khác
Bố mẹ yên tâm rằng những trẻ thích đọc sách hay vận động, không phải lúc nào cũng thích xem tivi. Tôi từng làm một "hộp kho báu trò chơi". Mỗi lần con trai xem tivi xong, đều thò tay bốc ra một tờ giấy trong đó có ghi sẵn trò chơi có thể chơi cùng với bố mẹ như: Nhảy lò cò, cờ vua, bắn bóng... Khi tìm thấy niềm vui ở những trò vận động này, mỗi ngày con không dùng hết đến "quyền" xem tivi 3 lần mỗi ngày.
Trên thực tế, trẻ em rất cần sự đồng hành và tương tác về mặt tình cảm, và tivi chưa bao giờ là lựa chọn hàng đầu của trẻ. Tôi nghĩ việc ngăn cản hoàn toàn trẻ xem tivi là không thực tế. Bởi vậy, nếu bố mẹ kiểm soát xem truyền hình có mức độ thì kết quả đạt được tốt hơn rất nhiều so với việc ngăn cấm.
Theo Vy Trang/VnExpress (nguồn sohu)
https://vnexpress.net/vi-sao-toi-khuyen-khich-con-xem-tivi-4168954.html