Áp dụng những phương pháp dưới đây, bố mẹ sẽ không phải la mắng hoặc đòn roi mỗi khi trẻ mất tập trung.
Đối với những trẻ chưa đi học, sự mất tập trung thường thể hiện khi bố mẹ kể chuyện, chưa nghe hết đã la hét để được nghe câu chuyện tiếp theo, hoặc khi vừa chạm vào đồ chơi là lập tức đổi sang đồ chơi khác. Còn với trẻ đã đi học, trẻ luôn ngó nghiêng xung quanh, lúc đi uống nước, lúc đi vệ sinh, rất ít khi chịu ngồi yên một chỗ để làm bài.
Nhiều phụ huynh cảm thấy đau đầu thậm chí bất lực vì không thể cải thiện được tình hình. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trẻ lại dễ mất tập trung như vậy?
Sự mất tập trung của trẻ khiến nhiều cha mẹ cảm thấy đau đầu, thậm chí bất lực trong cách nuôi dạy con. Ảnh: shutterstock.
Tiến sĩ Christopher Chabris của Đại học Harvard từng thực hiện một thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng. Trong video phát cho sinh viên xem, có hai cặp cầu thủ mặc áo trắng và áo đen. Họ chuyền bóng rổ qua lại trong video và vị tiến sĩ yêu cầu sinh viên ghi lại số lần các cầu thủ đội trắng xoay người bắt bóng. Sau khi video được phát, tất cả các sinh viên đều trả lời chính xác. Tuy nhiên có một câu hỏi khác: "Bao nhiêu người nhìn thấy một con tinh tinh xuất hiện trong video?" Kết quả, 50% sinh viên nói rằng họ không nhìn thấy và khi video được phát lại, nhiều người mới chú ý đến con tinh tinh.
Qua thí nghiệm này, Tiến sĩ Christopher Chabris kết luận: Sự chú ý của con người có giới hạn. Khi con người tập trung làm một việc thì sẽ bỏ qua những việc khác. Cũng có thể hiểu là sự mất tập trung của trẻ thực ra là điều tự nhiên. Vị tiến sĩ này đưa ra một ví dụ cụ thể: Khi một đứa trẻ đang làm bài tập trong phòng và đột nhiên nghe thấy tivi trong phòng khách được bật, chắc chắn sự chú ý sẽ đổ dồn vào tivi, chẳng hạn như chương trình đang phát gì? Cha mẹ sẽ thấy rằng mặc dù đứa trẻ vẫn đang làm bài tập nhưng suy nghĩ của chúng đã "trôi" ra phòng khách và bị phân tâm.
Nhà tâm lý học William James từng nói: Cách giáo dục tốt nhất là thúc đẩy sự tập trung của trẻ.
Cho trẻ không gian để chơi/học tập một cách độc lập
Cho dù trẻ đang chơi hay đang học, chúng rất dễ bị gián đoạn bởi những âm thanh và sự vật khác xuất hiện. Bởi vậy cha mẹ nên cho con một khoảng không gian độc lập.
Khi trẻ đang chơi, cha mẹ không nên quấy rầy và để trẻ chơi một mình với điều kiện là căn phòng đảm bảo an toàn, không có vật liệu độc hại. Nhiều cha mẹ thấy con học hành vất vả nên muốn quan tâm như đưa nước uống, lúc khác lại đẩy vào đĩa trái cây. Đây chính là nguyên nhân làm gián đoạn sự tập trung của trẻ. Hãy nhớ để trẻ tập trung làm việc gì đó, cha mẹ đừng làm phiền tới chúng.
Khi trẻ chơi đùa hay học hành, bố mẹ hãy tạo cho trẻ một không gian riêng, tránh làm phiền tới trẻ. Ảnh: shutterstock.
Kể chuyện trước khi đi ngủ mỗi tối
Kỹ năng đọc hiểu và tư duy logic đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các kỹ năng học tập và khả năng giao tiếp. Khi trẻ lắng nghe bố mẹ kể chuyện, dần dần học được cách dự đoán được các sự kiện xảy ra tiếp theo, và trẻ cũng dần biết được cách để ghi nhớ và xâu chuỗi lại các sự kiện theo đúng trình tự được nghe. Điều này giúp ích rất lớn trong việc tập trung suy nghĩ.
Với những trẻ nhỏ, do thời gian tập trung không dài nên khi đọc chuyện, cha mẹ bắt buộc phải sử dụng cách diễn đạt và giọng điệu phóng đại để tăng hấp dẫn, tạo sự thu hút. Những biểu cảm, giao tiếp bằng mắt trong quá trình kể chuyện sẽ làm tăng sự tương tác, cải thiện rõ rệt sự tập trung của trẻ. Dần dần, trẻ sẽ hình thành thói quen tập trung hơn vào những câu chuyện được nghe để tìm sự thú vị trong đó.
Cha mẹ sử dụng hiệu ứng "cocktail"
Trong tâm lý học, có một khái niệm là "Hiệu ứng cocktail". Theo đó, dù âm thanh trong bữa tiệc cocktail rất lộn xộn nhưng nó không cản trở sự giao tiếp của mọi người, đồng nghĩa với việc mọi người có thể chủ động lọc, điều chỉnh và xử lý thông tin, cuối cùng lưu lại những thông tin hữu ích nhất.
Phụ huynh có thể đưa con đến những khu vực đông người ở trung tâm thành phố để ngồi học hoặc đọc sách nhằm trau dồi khả năng tập trung, tuy nhiên phương pháp này bắt buộc phải có sự giám sát của bố mẹ. Có thể thực hiện phương pháp này khi con đang học tiểu học, tốt nhất là vào năm lớp 2 hoặc lớp 3. Nguyên nhân là do thời điểm này não bộ của trẻ đã trưởng thành và ý chí cũng trở nên mạnh mẽ hơn, do đó trẻ có thể kiểm soát sự tập trung tốt hơn.
Theo Vy Trang/VnExpress (Nguồn kknews)
https://vnexpress.net/3-cach-day-tre-tap-trung-hoc-hanh-4165550.html