Có trong tay chỉ 400 triệu nhưng người phụ nữ này đã mạnh dạn vay ngân hàng 700 triệu để mua mảnh đất nhỏ xây 5 phòng trọ cho thuê để rồi đang gồng mình trả nợ ngân hàng khi phòng trọ quá ế khách.
Năm 2017, khi thấy nhiều người xung quanh kinh doanh phòng trọ thắng lớn, chị Trần Thị Thanh, 33 tuổi ở phố Xốm, Ba La, Hà Đông, Hà Nội đã mạnh dạn nhập cuộc. Chị Thanh đang làm tư vấn dược phẩm. Lương và thưởng hàng tháng, chị Thanh có khoảng 20 triệu đồng/tháng.
"Suốt mấy năm đi làm tích lũy, tôi tiết kiệm được 400 triệu đồng. Sẵn có lương tháng cố định khá nên ban đầu tôi rất tự tin để mua đất, kinh doanh phòng trọ. Tôi đã dành 1 thời gian khá dài nhằm quan sát, phân tích, tìm hiểu thị trường này. Rất ít người tôi tiếp xúc kêu ca kinh doanh phòng trọ ế ẩm cả", chị Thanh nhớ lại.
Tháng 1 năm 2017, chị Thanh tìm mua mảnh đất 40m2 trong ngõ xóm ở Phú Lương, Hà Nội với giá 900 triệu. Sau đó, chị dành tiếp 200 triệu để xây nhà 2 tầng cấp 4 với 6 phòng trọ cho thuê. Để có số tiền 1,1 tỷ này, chị đã phải vay mượn thêm của người thân và ngân hàng.
"Tôi có 400 triệu đồng. Tôi vay thêm của bố mẹ, người thân được thêm 200 triệu nữa. Còn lại 500 triệu tôi vay ngân hàng với lãi suất 12%/tháng trong 4 năm. Tính ra một tháng tôi phải trả ngân hàng cả gốc và lãi mà 15,4 triệu. Tôi nghĩ cũng có thể đi làm trả được số tiền đó nên đánh liều vay mà không suy nghĩ thấu đáo", chị Thanh tâm sự về sai lầm của mình.
Mất 3 tháng xây thì cuối cùng căn nhà trọ của chị Thanh cũng hoàn thành. Xác định khu nhà chị có nhiều sinh viên và người lao động thuê trọ nên ban đầu chị Thanh khá tự tin.
"9 tháng còn lại của năm đầu tiên sau khi xây phòng trọ, tôi kinh doanh khá thuận lợi với giá phòng cho thuê từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng/căn tùy vào diện tích phòng, phòng có gác thì giá cao hơn. Nhà tôi hầu hết là sinh viên và công nhân thuê trọ. Cả 6 phòng nhà tôi cho thuê đều full, không có phòng trống", chị Thanh nói.
Mất 3 tháng xây thì cuối cùng căn nhà trọ của chị Thanh cũng hoàn thành. Ảnh minh họa.
Tính ra mỗi tháng tiền từ phòng trọ cho thuê ban đầu chị Thanh nhẩm tính được: "Có 2 phòng cho thuê giá 1,2 triệu. 2 phòng cho thuê giá 1,8 triệu và 2 phòng cho thuê giá 1,6 triệu chưa bao gồm chi phí điện nước. Nhẩm tính mỗi tháng tôi thu về được 9,2 triệu/tháng. 9 tháng đầu kinh doanh phòng trọ tôi thu về gần 83 triệu. Trong khi tôi phải trả ngân hàng 9 tháng với số tiền là 138,6 triệu đồng. Trừ đi số tiền thu về tôi chỉ phải trả ngân hàng 55 triệu đồng/9 tháng".
Vì xác định kinh doanh phòng trọ phải đi lâu dài nên dù có bị thâm hụt hơn 55 triệu đồng trong năm đầu tiên kinh doanh phòng trọ, chị Thanh vẫn khá tự tin gồng gánh để cân đối bù lỗ. Tuy nhiên đến năm 2019, chị Thanh chỉ cho thuê được 5 phòng trọ, trống 1 phòng không có khách thuê.
"Năm 2019, nhà tôi lúc nào cũng chỉ cho thuê được 5 phòng. Còn 1 phòng 1,8 triệu thì không có khách thuê liên tục. Nguyên nhân là vì có nhiều khách là sinh viên trá hình tới thuê.
Tháng đến chậm trả tiền nhà, lại hay tụ tập nhậu nhẹt đến khuya khiến người dân quanh đấy phàn nàn. Vì thế tôi lại phải mời đi, đuổi đi nên quanh năm không lấp đầy được phòng trọ.
Dù mỗi tháng mất đứt 1 nguồn thu gần 2 triệu đồng, mỗi năm mất tăng thêm hơn 21 triệu đồng nhưng tôi cũng tặc lưỡi gồng gánh bù lỗ ngân hàng hơn 76 triệu/năm vì vẫn còn sức để gánh được".
Sang năm 2020, ngay từ đầu năm tới nay, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên tình trạng ế ẩm phòng trọ nhà chị Thanh kéo dài vì các sinh viên, học sinh, công nhân cũng hạn chế đi lại: "Phòng trọ nhà tôi chỉ đang cho thuê được 3 phòng, còn trống 3 phòng.
Hiện chỉ có công nhân cố nán lại thuê trọ đi làm, còn sinh viên thì đã trả phòng về nhà lánh Covid-19. Đặc biệt, phòng trống cho thuê còn 50% như vậy, lại thêm khách thuê nào cũng đề nghị giảm giá vì nhiều lý do, trong đó có dịch bệnh. Vì thế hiện nay, thu không đủ bù chi phí".
Chị Thanh cũng kêu ca: "Khách chỉ thuê các phòng giá rẻ để tiết kiệm chi phí giai đoạn này. Phòng 1,2 triệu giờ giảm xuống còn 1 triệu. Phòng 1,6 triệu giờ giảm xuống còn 1,3 triệu. Tính ra 3 phòng cho thuê tôi chỉ thu về 3,3 triệu đồng.
Mỗi tháng, để trả ngân hàng, tôi phải bù thêm hơn 12 triệu đồng để trả tiền lãi và gốc. Tình trạng này đã kéo dài suốt từ đầu năm đến giờ khiến tôi rất mệt mỏi vì dãy trọ ế khách quá, thâm hụt ngân sách liên tục".
Cũng may công việc của chị Thanh chưa bị ảnh hưởng nhiều dù công ty cũng cắt giảm lương nhân viên để chia sẻ với khó khăn chung do dịch bệnh: "Lương mình bị cắt giảm xuống còn 17 triệu đồng. Tính ra, sau khi trả lãi ngân hàng, mình còn đúng 5 triệu để chi tiêu gia đình. Vì thế chi tiêu không đủ, lúc nào cũng nhăn nhó, mệt mỏi".
Người cho thuê đang cố gắng cầm cự sau khi dịch bệnh qua đi, tình hình kinh doanh thuê trọ sẽ cải thiện. Ảnh minh họa.
Người phụ nữ này cũng dự tính cố gắng cầm cự vượt qua khủng hoảng giai đoạn này. Và nếu tình trạng ế ẩm kéo dài, chị sẽ phải tính tới phương án bán tháo nhà trọ để trả ngân hàng và thu hồi vốn:
"Giờ phòng trọ cho thuê ế ẩm quá. Do sinh viên nghỉ học từ trước Tết đến nay vẫn chưa quay trở lại thường xuyên vì dịch. Nhiều công nhân, người lao động mất việc bỏ về quê nên khiến phòng trọ thất thu. Ngay cả những người ở lại cũng xin khất hoặc giảm tiền thuê nhà vì quá khó khăn.
Phòng trọ nhà tôi lại trọ cho thuê bằng vốn tự có ½ và phải vay ngân hàng ½. Do đó thất thu như này tôi lo lắm. Dù nhà vẫn còn đó nhưng áp lực trả ngân hàng quá lớn. Chưa kể giá trị tài sản 3 năm qua ở khu vực tôi không tăng lên theo thời gian là bao.
Cứ tự nhủ cố gắng cầm cự sau khi dịch bệnh qua đi, tình hình kinh doanh thuê trọ sẽ cải thiện. Nhưng với những người đi vay ngân hàng đầu tư như tôi đang phải chịu áp lực rất lớn vì lỗ chồng lỗ, nguy cơ mất cả chì lẫn chài rất cao. Vì thế tôi đang cân nhắc bán nhà trọ để không bị lỗ quá nhiều và không bị ngân hàng siết nợ".
Theo Minh Anh/ Pháp Luật Và Bạn Đọc
http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/lo-chong-lo-vi-dau-tu-mua-dat-xay-phong-tro-cho-thue-nguoi-phu-nu-35-tuoi-o-ha-noi-dang-phai-cam-cu-nguy-co-mat-ca-chi-lan-chai-219171