Theo các nhà khoa học của Đại học Harvard, bí quyết để cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống chỉ nằm vẻn vẹn trong hai từ: "Giúp đỡ".
Bằng cách này hay cách khác, tất cả chúng ta luôn không ngừng đeo đuổi hạnh phúc, sự hài lòng và sự bình yên trong cuộc sống. Đó là một nhiệm vụ khó nắm bắt, bởi những hoạt động, hay những vật chất mà chúng ta nghĩ sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc, chẳng hạn như rượu bia, hay những ngày cuối tuần đắm mình với Netflix, hoặc những trò chơi điện tử... thường khiến chúng ta mệt lử nhiều hơn.
Chúng ta luôn không ngừng đeo đuổi hạnh phúc, sự hài lòng và sự bình yên trong cuộc sống nhưng nhiều khi chọn sai con đường. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Vậy đâu là cách chắc chắn để có được một tâm hồn hạnh phúc hơn? Theo một nghiên cứu mới, câu trả lời rất đơn giản: Tình nguyện giúp đỡ người khác. Nghiên cứu, được dẫn đầu thực hiện bởi nhà nghiên cứu Eric S. Kim - tiến sĩ của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên tình nguyện giúp đỡ những người khác chính là những người thường xuyên tận hưởng cảm giác hạnh phúc trọn vẹn nhất.
Và kể cả trong trường hợp kết quả đó chưa đủ để thuyết phục bạn, nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng việc thường xuyên giúp đỡ người khác có sự liên hệ chặt chẽ với việc nguy cơ tử vong thấp hơn, tỷ lệ biến chứng sức khỏe giảm, khả năng hoạt động thể chất, thể dục cao hơn.
Theo nghiên cứu này, một cá nhân nên tình nguyện giúp đỡ người khác khoảng 100 giờ mỗi năm, tương đương 2 giờ mỗi tuần, để gặt hái được những phần thưởng này.
"Một cách tự nhiên, con người có xu hướng hướng tới cộng đồng. Đó là lý do tại sao tâm trí và cơ thể chúng ta cảm thấy như được thưởng khi chúng ta chia sẻ, giúp đỡ người khác. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các hoạt động tình nguyện không chỉ giúp củng cố cộng đồng, mà còn làm phong phú thêm cuộc sống của chính chúng ta bằng cách củng cố mối liên hệ của chúng ta với mọi người xung quanh, giúp chúng ta cảm nhận được ý thức mục tiêu và hạnh phúc, đồng thời bảo vệ chúng ta khỏi cảm giác cô đơn, trầm cảm và vô vọng", tiến sĩ Kim, thành viên của khoa Khoa học xã hội và hành vi, cùng Trung tâm Lee Kum Sheung - trung tâm Sức khỏe và Hạnh phúc và Trường Y tế công cộng trực thuộc Đại học Harvard, thực hiện.
Từ trước đó, rất nhiều các nghiên cứu từng được thực hiện về lợi ích của việc giúp đỡ người khác, nhưng hầu hết các dự án đều mang lại kết quả không nhất quán. Cho đến nay, chưa từng có một nghiên cứu đủ kết luận để đảm bảo sự phát triển của các chương trình chăm sóc sức khỏe tình nguyện. Vì thế, với kết quả này, các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể sẽ muốn xem xét đề xuất công việc tình nguyện cho bệnh nhân, nhằm tìm kiếm những khả năng tích cực trong cuộc sống của họ.
Nghiên cứu trên hoàn toàn không phải là một nghiên cứu nhỏ. Dữ liệu, các cuộc phỏng vấn và các câu hỏi khảo sát từ gần 13.000 người trưởng thành ở Mỹ đã được phân tích. Tất cả các ứng viên tham gia đều được theo dõi trong 4 năm, vào khoảng từ 2010-2016. Sau đó, ảnh hưởng của các hoạt động tình nguyện đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của mỗi người sẽ được đánh giá thông qua 34 kết quả thể chất và tinh thần khác nhau. Cách tiếp cận này cho phép các tác giả của các nghiên cứu có thể trực tiếp so sánh kết quả giữa các tình nguyện viên và nhận diện các kết quả (hạnh phúc, buồn bã, thư giãn, ung thư, tim mạch... ) mà việc tình nguyện có thể tạo ra.
Điều quan trọng đáng lưu ý là trong khi nghiên cứu đã tiết lộ mối liên hệ giữa việc tình nguyện giúp đỡ người khác và sự giảm nguy cơ tử vong chung, không có mối liên hệ nào được tìm thấy giữa việc tình nguyện giúp đỡ và sự cải thiện cụ thể, hoặc giảm nguy cơ phát triển các bệnh như ung thư, béo phì, đột quỵ, phổi, vấn đề nhận thức, đau mạn tính...
Y học hiện đại, công nghệ tiếp tục phát triển và tiến bộ với tốc độ nhanh chóng, mọi người trên thế giới đang sống lâu nhiều hơn so với trước đây. Với suy nghĩ này, nhóm nghiên cứu nói rằng việc khuyến khích, quảng cáo và tạo nhiều cơ hội tình nguyện hơn cho người cao tuổi là một cách tuyệt vời để vừa giúp đỡ người khác, vừa đồng thời cải thiện xã hội và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần, thể chất, trong bối cảnh dân số già của thế giới ngày càng tăng.
Đương nhiên, giống như hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hiện nay, Covid-19 có thể là một thách thức với nghiên cứu này, một phần vì nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm đại dịch xuất hiện trên thế giới.
Tác giả của nghiên cứu này cảnh báo rằng các tình nguyện viên có thể gặp rủi ro khi tiếp xúc gần gũi với người khác. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn có thể giúp đỡ mọi người trong khi bản thân vẫn an toàn, thì đó chính là một nỗ lực tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Tiến sĩ Kim nhấn mạnh: "Đây có thể là một thời điểm đặc biệt trong lịch sử, khi xã hội cần đến sự chung tay của bạn nhất. Nếu bạn có thể là tình nguyện viên trong khi tuân thủ đúng theo các nguyên tắc về sức khỏe, bạn không chỉ giúp ích trong việc chữa lành cho thế giới, mà còn là giúp đỡ cho chính mình. Khi cuộc khủng hoảng nCoV lắng xuống, chúng ta có cơ hội tạo ra các chính sách cho phép công dân cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Một số thành phố đã đi tiên phong triển khai ý tưởng này trước đại dịch, tôi hy vọng chúng ta có thiện chí và quyết tâm để thực hiện nó trong một xã hội hậu Covid-19".
Theo Thùy Linh/VnExpress (Nguồn Theladders)
https://vnexpress.net/hai-tu-cat-giu-bi-mat-cua-cuoc-song-hanh-phuc-4121227.html