Phạm Thị Huyền Trang, 17 tuổi, vui khôn xiết khi nhận kết quả âm tính lần một, quyết tập trung chữa bệnh Covid-19, bỏ qua những lời không hay trên mạng xã hội.
Phạm Thị Huyền Trang đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trang là "bệnh nhân 238", được Bộ Y tế công bố hôm 4/4. Cô làm nhân viên quán rượu ở Bangkok, Thái Lan, về nước bằng đường bộ qua cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình và được cách ly y tế tập trung từ ngày 21/3. Sau khi xét nghiệm dương tính nCoV, Trang được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Khu vực cửa khẩu Cầu Treo, huyện Hương Sơn, để điều trị.
Trước đó, khi đang thực hiện cách ly y tế tập trung, Trang bất ngờ ho vài tiếng, nhiều người ở cùng phòng bỗng liếc nhìn, tỏ vẻ e ngại. Cô bình tĩnh báo với đội ngũ y tế và được đưa cách ly riêng chỗ khác, lấy mẫu xét nghiệm nCoV.
"Cơ thể đề kháng tốt, em rất ít khi ho. Em đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhiễm nCoV, vì hai người bạn làm chung quán bar là bệnh nhân 146 và 210 đã mắc bệnh", Trang kể.
Trang được bố trí điều trị tại một phòng riêng. Ngày đầu tiên, cô cảm thấy thời gian trôi chậm hơn so với bình thường. Buổi sáng, chưa kịp ăn uống gì đã có cảm giác buồn nôn, tiếp đó là bị tiêu chảy, liên tục đi lại xung quanh phòng vệ sinh. Cả ngày cô mệt, thỉnh thoảng ngủ chập chờn vài chục phút rồi lại tỉnh.
"Em cảm thấy bụng khó chịu, như có vật gì đó đang mắc ở cổ, khi ăn cơm hơi vướng và khó nuốt", Trang kể. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, lên phác đồ điều trị song song hai chứng bệnh. Hàng ngày Trang phải uống một lần 4 viên thuốc điều trị nCoV, 2 viên thuốc chữa đau bụng kèm theo một gói men, sau bữa sáng và tối.
"Sang ngày thứ hai, cảm giác buồn nôn giảm, ăn được nhiều cơm hơn, không còn đi ngoài nhiều như trước. Hiện nhịp sinh học của cơ thể đã trở lại bình thường, song em vẫn phải uống thuốc đau bụng đều đặn để chữa dứt điểm bệnh tiêu chảy", Trang nói.
Bệnh viện Đa khoa Khu vực cửa khẩu Cầu Treo, nơi Trang đang điều trị. Ảnh: Đức Hùng
Hàng ngày Trang thức dậy lúc 7h, ăn sáng rồi đi lại trong phòng, tập các động tác thể dục cơ bản. Cô được bác sĩ động viên rằng bệnh đang ở giai đoạn đầu, chưa trở nặng, chỉ cần ăn uống đầy đủ, tinh thần lạc quan thì sẽ sớm đẩy được virus ra khỏi cơ thể.
Vào đầu giờ sáng, trưa và tối, điều dưỡng đưa cơm tới đặt ở bàn. Sau khi ra khỏi phòng cách ly, họ gọi điện cho cô, nhắc nhở nên ăn sớm và uống thuốc điều độ. Thực đơn luôn thay đổi theo ngày, buổi sáng là các món ăn nhẹ như xôi, bánh; trưa và tối có cơm kèm thêm các món ăn mặn như thịt, cá, rau; bên cạnh đó còn có hoa quả tráng miệng.
"Những lúc buồn em lên mạng xem phim, trò chuyện với bạn bè. Trước đó hơi buồn và chạnh lòng khi đọc trên mạng xã hội những lời bình luận không hay về các bệnh nhân nhiễm nCoV", Trang nói và cho hay, là người trong cuộc nên tự nhủ dẹp bỏ những lời gièm pha sang một bên, quan trọng nhất là phải tập trung tinh thần chiến thắng bệnh tật để giảm bớt áp lực cho bác sĩ và xã hội.
Tối 10/4, khi nghe bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm lại âm tính nCoV lần một, Trang nói "em vui không thể tả được". Cô gái 17 tuổi chia sẻ, trong đời đây là lần đầu tiên nằm điều trị tại bệnh viện dài ngày nhất, cảm thấy triệu chứng của nCoV chỉ nặng hơn những bệnh cảm cúm thông thường khác một chút, nó không phức tạp và khó hồi phục như nhiều căn bệnh khác. Hiện Trang không còn tức ngực, khó thở.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực cửa khẩu Cầu Treo cho biết, Trang đang hồi phục tốt sau khi nhiễm nCoV, bệnh rối loạn tiêu hóa đã ổn.
"Đơn vị đang điều trị cho 3 ca nhiễm nCoV, họ là bạn bè. "Bệnh nhân 146 xét nghiệm lại đã âm tính hai lần, bệnh nhân 210 âm tính một lần, họ hết sốt, hầu như không còn triệu chứng gì của bệnh", bác sĩ Thành nói.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/benh-nhan-238-em-gat-bo-loi-giem-pha-4082549.html