Vừa lọt lòng, Qua đã hai lần bị mẹ bỏ vào rừng cho chết theo lệnh của già làng nhưng đều được thợ săn nhặt về.
Ông Tuing vặn ga "thúc" chiếc xe máy phóng nhanh hơn nữa trên con đường bụi mù đất đỏ bazan. Vài chục phút trước, ông đang hì hụi bơm nước tưới cà phê thì Quý – con trai ông chạy đến vừa thở hổn hển vừa nói: "Ở Con Chiêng có một đứa bé sắp chết vì bị già làng bắt mẹ nó phải giết con. Bố nuôi không? Mình đón nó về". Nghe xong, ông Tuing vội quẳng vòi nước, lên xe về gọi vợ lên đường, chẳng kịp tính sẽ nuôi đứa trẻ bằng cách nào.
"Từ nhà đến Con Chiêng ngót 80 km. Tôi chỉ nghĩ mình phải đến thật nhanh để cứu đứa trẻ này. Vợ tôi cũng vội chẳng kém, chỉ kịp mặc một chiếc áo mỏng, quên luôn việc cần mang theo một cái địu", ông Tuing, 54 tuổi, người làng Pi ơm, thị trấn Đak Đoa, Gia Lai kể lại câu chuyện 8 năm trước.
Vợ chồng ông Tuing và bé Qua trước hiên nhà một ngày đầu năm 2020. Ảnh: Phan Diệp.
Khi vợ chồng ông Tuing và cậu con trai đến làng Clăh, xã Con Chiêng, họ vào một nhà người quen, đợi người mẹ mang đứa con đang bị già làng đòi giết đến. Ôm con trao cho vợ chồng Tuing, người mẹ kể, khi chị vừa mang thai thì chồng qua đời vì động kinh, già làng quả quyết do chị ngoại tình nên thần linh giáng họa. Một đêm, già làng nằm mơ, mảnh đất của làng bị sụt lún, người trong làng chết hết. Cho là điềm dữ, ông yêu cầu chị phải chính tay giết chết đứa bé.
Không thể chống lại tục làng, đứa bé vừa chào đời, giữa đêm người đàn bà ôm con vào rừng bỏ. Những người thợ săn nghe tiếng con nít khóc, họ không đành lòng, bế con trả về cho chị.
Nhưng già làng vẫn muốn đứa bé phải chết. Lần thứ hai người mẹ khốn khổ lại bế con vào rừng để lại trong một lùm cây. Một lần nữa, nhóm thợ săn lại phát hiện ra đứa bé. Già làng nói nếu không giết con thì phải đền cho làng một con bò lớn để làm lễ cúng. Nhà nghèo, lấy đâu ra bò mà giết con thì không đành lòng nên chị nhờ những người thợ săn đem đứa trẻ đến các nhà dân cho làm con nuôi. Nhưng nhà nào cũng sợ xui xẻo. Câu chuyện về người mẹ buộc phải giết con truyền từ làng này sang làng khác, rồi đến tai ông Tuing.
Nhận đứa bé từ tay mẹ, bà Hyenh, 53 tuổi, vợ ông Tuing nói: "Trời cho con lớn lên, sau này vợ chồng tôi sẽ dẫn nó về làng thăm mẹ". Người đàn bà bưng mặt khóc: "Đừng về, già làng giết nó".
Bà Hyenh ấp đứa con gái gần một tuổi trần truồng với vô số vết trầy xước, ghẻ lở, vào lòng trở về. Vậy là ông Tuing có thêm đứa con gái khi tóc đã bạc. Người Ba Na không có họ, ông đặt tên con đúng một chữ Qua, ý rằng con từ xã Con Chiêng, huyện Mang Yang "qua" làng Pi ơm, thị trấn Đak Đoa của ông.
Tuần đầu tiên, Qua không chịu uống sữa, chẳng ăn cơm mà bụng cứ phình to, đi khám bác sĩ bảo, đứa trẻ bị nhiễm rất nhiều giun sán. Thấy con còi cọc, nuôi hoài chẳng lớn, ông bố nuôi gọi người đến bán non đàn heo. Cầm tiền ra cửa hàng, ông bảo: "Lấy cho tôi loại sữa nào tốt, con nít uống vào nhanh cao". Heo bán dần cũng hết, ông Tuing mua sữa chịu đến mùa bán cà phê trả.
Năm Qua lên 3, con dâu của ông Tuing bỏ đi, để lại hai đưa cháu nội, một đứa lên 2, một đứa 8 tháng tuổi. Từ ngày hôm sau, hai vợ chồng già dậy từ 5 giờ sáng nấu cơm, giã muối ớt cho vào gùi, ôm theo cả ba đứa trẻ lên rẫy cà phê, đến mùa lúa thì lại xuống đồng.
Bé Qua. Ảnh: Phan Diệp.
Kinh tế gia đình vốn đã chật vật, giờ nuôi thêm ba đứa trẻ khiến cuộc sống của cặp vợ chồng già chất chồng khó khăn. Có lần Qua và hai đứa cháu nội cùng bệnh, con trai ông bỏ rẫy về nhà. Ba người lớn ôm ba đứa con nít dỗ cho nín khóc suốt đêm. Con khóc, vợ chồng ông Tuing cũng khóc theo.
Khi Qua lớn hơn, bà Hyenh gửi con, cháu để đi làm, tối mới về nấu cơm. Có lần xe máy bị thủng lốp giữa rừng, hai vợ chồng dắt bộ hơn 10 km mới có nơi sửa. Về đến nhà gần nửa đêm, ba đứa nhỏ đói lả nằm ngoài hiên đợi ông bà về.
Từ khi có Qua, bữa cơm nhà ông Tuing quanh năm chỉ ăn với muối ớt giã nhuyễn, lên rẫy thì sẽ hái thêm lá khoai mì nấu canh. Đến mùa nước lớn mới có con cá bắt ngoài đồng để ăn. Qua thường theo bố ra ruộng, bắt những con cua đồng về phơi khô, chấm muối ớt. Cực khổ là vậy, nhưng chưa bao giờ ông Tuing hối hận vì đã nhận Qua. "Người đồng bào chỉ nói một lời. Trời đã đặt con vào tay mình, nên mình chỉ biết nuôi nó thôi", ông nói và cho biết, để có tiền nuôi con ông đã bỏ hẳn rượu và thuốc lá.
Năm Qua 6 tuổi, ông Tuing xin cho con đi học. Nhà trường bảo em phải có giấy khai sinh. Ông Nguyễn Văn Tuấn Anh, cán bộ tư pháp thị trấn Đak Đoa kể: "Ngày đến nhờ tôi làm giấy khai sinh cho Qua, ông Tuing nói như muốn khóc, nhờ giúp để Qua được đi học". Vị cán bộ biết khó nhưng vẫn nhiệt tình hướng dẫn.
Đầu tiên, ông phải về làng Clăh, nhờ những người năm đó làm chứng việc ông nhận Qua. Đi về trong sáu ngày liền, ông mới xin được tờ giấy xác nhận. Nhưng để làm được giấy khai sinh, ông Tuing và vợ phải đi làm lại giấy đăng ký kết hôn, khám sức khỏe để chứng minh "đủ năng lực nhận con nuôi". "Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được bác sĩ lấy một ống máu để xét nghiệm, tôi sợ lắm", ông Tuing cười nhớ lại. Một năm sau mọi thủ tục mới hoàn tất và Qua được đi học.
Cuộc sống cực khổ nhưng chưa bao giờ ông Tuing hối hận vì đã nhận nuôi Qua. Ảnh: Phan Diệp.
Chưa bao giờ vợ chồng ông Tuing để Qua biết mình là con nuôi, nhưng khoảng một năm nay, thỉnh thoảng ngồi vào lòng mẹ, em lại nói: "Các bạn nói con không phải con của bố mẹ", bà Hyenh lặng người, chỉ tay vào bụng nói bằng tiếng Ba Na: "Mẹ đẻ con ra mà". Nói vậy nhưng bà nghĩ, cả làng Pi ơm đều biết, chắc chỉ vài năm nữa Qua cũng biết.
Hai năm nay Qua đã phụ giúp được cha mẹ nhiều việc nhà. Tết năm ngoái, cô giáo lì xì, Qua mang về đưa mẹ bảo: "Mẹ cất tiền để mua rau, cả nhà mình cùng ăn".
Chiều cuối năm, ba đứa trẻ đứng trước sân tắm nước giếng. Gió chiều se lạnh, chúng dội vài ca nước qua loa, chẳng có xà bông cũng chẳng có dầu gội đầu. Tắm xong, nước từ trên đầu Qua nhiễu xuống cổ, xuống bộ quần áo mới thay bám màu đất đỏ. Đất đỏ bao quanh Qua, em cứ thế lớn lên, hồn nhiên và rắn rỏi như cây cà phê trên rẫy của bố.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/doi-song/dua-tre-hai-lan-bi-gia-lang-bat-phai-chet-4042257.html