Nửa đêm, nằm nghe mưa đổ xuống mái tôn, anh Bình chong mắt thức, thấy vợ bảo "mưa lạnh thế này, không biết thằng Tý ngủ đâu".
Nghe tiếng, anh Phạm Thanh Bình, 35 tuổi, vỗ vỗ vào vai vợ "Em đừng nghĩ nữa, cố ngủ chút lấy sức". Nói rồi, anh nhìn trân trân lên trần nhà, như nghe từng giọt nước rơi, cho đến gần sáng.
Từ ngày con trai Phạm Nguyên Hào, 7 tuổi mất tích, Bình và vợ - chị Nguyễn Thị Diễm, 26 tuổi, ở xã Diên Phú, Pleiku, Gia Lai - vẫn nhiều đêm trằn trọc như thế.
Đầu tháng 8 năm ngoái, anh Bình sang rẫy cà phê, cách nhà 50 km làm cỏ. Trước hôm đi, anh bảo vợ cho bé Hào, tên ở nhà là Tý nghỉ học một buổi, ở nhà chơi với ba. Trưa hôm đó, ăn cơm xong, cu Tý sang nhà bà nội gần nhà chơi như thường lệ. Anh Bình nằm giường, ngủ thiếp đi. Đến gần 3 giờ chiều, anh tìm con về nhưng không thấy. Buổi sáng, thằng bé mặc áo thun dài tay màu xanh, có in hình máy bay, mặc quần đùi màu cam.
Gọi mãi không được, anh Bình chạy xe máy ra đường lớn tìm. Chị Diễm biết tin, lao xuống suối, vào vườn điều, vườn cà phê gọi "Tý ơi" khản cả cổ. Một vài người nói khoảng hơn 2 giờ chiều, họ nhìn thấy một chiếc xe 7 chỗ quay đầu trước cổng nhà bà nội bé Hào.
Bé Phạm Nguyên Hào lúc hơn 5 tuổi. Trước khi mất tích, bé mặc áo thun màu xanh, có in hình máy bay, quần đùi màu cam. Ảnh: P.H.
Từ ngày đó, chị Diễm như hóa điên, anh Bình lúc nào cũng đờ dẫn. Họ dùng đủ mọi cách để đăng tin tìm con.
14 ngày sau, anh Bình nhận được điện thoại thông báo con trai đang bị bắt cóc ở Campuchia. "Kẻ bắt cóc" yêu cầu anh mang 30 triệu sang biên giới đón con về. Nhưng không lâu sau kẻ nọ cắt đứt liên lạc, vì biết anh báo công an.
Không tìm được cu Tý, họ cất quần áo, đồ chơi của con vì sợ "thấy lại đau thắt lòng". Mỗi sáng, chị Diễm tụng kinh cầu bình an cho con.
Hơn 2 tháng sau, nửa đêm, Bình đập tay mạnh vào thành giường, "nếu cứ nằm ở nhà, tự dằn vặt, đau khổ thế này chắc chết mất". Anh lên mạng, thấy nhiều gia đình lên biên giới tìm kiếm con thất lạc, nên quyết định thử vận may.
Bình in hơn 200 tờ rơi, dồn tiền bắt xe đi. "Đi qua tỉnh nào, tui ghi lại để đề phòng cái đầu mình không tỉnh táo, đi rồi lại đi nữa. Tiền cạn thì về thôi", anh kể.
Anh Bình cho biết, khó khăn nhất trong hành trình tìm con là cuộc đấu tranh tâm lý: Nên đi trong vô vọng, hay trở về trong khắc khoải. Ảnh: P.H.
Chuyến đi đầu tiên kéo dài một tháng, dọc biên giới 7 tỉnh phía Bắc. Mỗi ngày, Bình đi bộ hơn 20 km vừa phát tờ rơi, vừa kể chuyện cho xe ôm, cửu vạn, người đi đường về cu Tý. Gặp ai có điện thoại thông minh, anh kết bạn Facebook, để "có tin gì, người ta báo mình". Trời khô ráo, anh tìm gầm cầu ngủ, mưa mới dám đến nhà trọ rẻ tiền. Hết phía Bắc, anh bắt xe đi quanh 10 tỉnh biên giới Tây Nam, lặp lại việc cũ.
"Nhiều khi tui nghĩ, hay về thôi. Tui cứ đi như kẻ mất trí, không có cơ sở gì thế này giải quyết được gì. Nhưng rồi cứ đau đáu, thằng Tý bị động kinh nhẹ, ngày phải uống thuốc 2 lần, không uống đều mai này nó sẽ khổ, nên sáng mai tôi lại đi", anh kể. Đêm nào, lòng Bình cũng khuấy động vì cuộc đấu tranh tâm lý không hồi kết như vậy.
Mùa cà phê năm ngoái cả xã Diên Phú thu hoạch khá, nhưng vợ chồng anh Bình tay trắng. "Nếu bình thường chắc mắc cỡ với bà con hàng xóm và buồn dữ lắm, mà nay chả có cảm giác gì", anh cười buồn.
Bốn tháng sau chuyến đi đầu tiên, anh Bình lại lên đường. Lần này, để tiết kiệm, Bình chạy xe máy, mang theo võng để đêm ngả lưng. Anh tìm đến các trạm thu phí dò hỏi về một chiếc xe 7 chỗ. Bình nhờ nhân viên các trạm trích xuất camera để xem có xe nào khả nghi thì trình lên công an. Trong 20 ngày, anh chạy xe từ Gia Lai ra đến đầu đất Thanh Hóa.
Anh Bình ghi lại những nơi từng đi qua, vì sợ nhiều lúc tinh thần không tỉnh táo, sẽ quên mất nơi nào đến, nơi nào chưa. Ảnh: P.H.
"Vài lần bị chê khùng, nhưng tui cũng cứ cố đứng năn nỉ nguyên cả buổi. Người ta có con mất tích như mình đâu mà đòi họ hiểu liền, phải nhẹ giọng, từ từ giải thích họ mới giúp", Bình kể.
Buổi tối, anh thường tìm những chỗ vắng vẻ, có cây để mắc võng ngủ. Tay anh ôm khư khư ba lô in xấp tờ rơi in thông tin về con. Nhiều đêm, trời đột ngột đổ mưa, Bình vội gấp võng, lao đi tìm chỗ trú, chỉ sợ ướt ba lô. Tiền cạn, hy vọng cũng cạn theo, nhưng mặt trời lên, anh lại chạy xe, hướng ra Bắc.
Tháng 11 này, anh Bình ở nhà chăm vợ mới sinh, lo chăm cây cà phê, hy vọng với bé thứ hai này "mình già thì con sẽ tìm anh thay ba nó".
"Dù có một đứa, hai đứa hay nhiều hơn nữa, thì khoảng trống cu Tý để lại trong lòng vợ chồng tôi vẫn không thể nào khỏa lấp. Nếu phải đánh đổi mạng sống của mình, để tìm được con, vợ chồng tôi cũng cam lòng", anh Bình nói.
Linh cảm của người làm cha luôn dặn anh con còn sống. Còn mười ngày nữa, cây cà phê trong rẫy của vợ chồng Bình sẽ thu hoạch, ông bố nông dân bàn với vợ, có tiền rồi, sẽ sang nước ngoài nhờ người đăng tin tìm con.
Theo Phạm Nga/VnExpress