‘Ước mơ của con là đi được và sưu tầm thật nhiều sách, ủng hộ cho các bạn ở các vùng xa xôi, hẻo lánh’, cậu bé Trần Vũ Long 8 tuổi tâm sự.
Sau cơn mưa, trời hưng hửng nắng. Tiếng còi tàu hú vang, xầm xập lao trên đường ray, cậu bé có đôi mắt sáng, dỏng tai lắng nghe đầy thích thú.
Căn nhà nhỏ của em nằm sát đường tàu, đoạn đi qua huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). 8 năm nay, từ khi cất tiếng khóc chào đời, tiếng còi tàu là thứ âm thanh thân thuộc với em. Em tên Trần Vũ Long (SN 2011, Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương).
Bé Long truyền đam mê đọc sách cho cậu em ruột
‘Tạnh mưa rồi, con muốn ra ngoài sân chơi không?’, tiếng người phụ nữ lớn tuổi hỏi. ‘Dạ, thôi, con đang đọc sách’, cậu bé ngẩng đầu nhìn bà rồi tiếp tục chăm chú vào quyển sách trước mặt.Thấy bóng người lạ mặt, cậu bé cất giọng gọi. Người phụ nữ tóc bạc chạy ra, giới thiệu là bà nội của Long.
Bà nội lấy miếng gỗ chèn ngang người Long cho khỏi ngã, mới quay ra tiếp chuyện tôi.
‘Từ lúc 1 tuổi, Long không thể vận động, tay chân lúc nào cũng mềm oặt. Cuộc sống gia đình tôi cũng có lúc túng thiếu nhưng chưa bao giờ thiếu tình yêu thương với cháu’, đôi mắt đỏ hoe, bà nội Long kể.
7 giờ tối, tiếng xe máy về đến cổng, Long ngoái đầu nhìn ra ngoài, giọng mừng rỡ: ‘Mẹ con về đấy’.
Bước vào nhà, chị Vũ Thị Hương (SN 1987) sà xuống, ôm con vào lòng. Cái ôm chặt với lời thủ thỉ: ‘Con nhớ mẹ không?’. Đáp lại, Long nghiêng đầu, cười khanh khách.
Chị tâm sự, đầu năm 2011, vợ chồng chị về chung một nhà. Hai tháng sau, cặp vợ chồng trẻ vui mừng khi có tin vui. Quãng thời gian mang thai, chị Hương hoàn toàn khỏe mạnh.
Cuối năm đó, cậu bé khôi ngô Trần Vũ Long ra đời, nặng 3,4 kg, cả gia đình, dòng họ vỡ òa vì hạnh phúc. Tuy nhiên, ở giai đoạn tập đi, chị thấy con không vịn giường đứng dậy được như các bạn cùng trang lứa. Cả ngày lê lết dưới sàn nhà.
Hai vợ chồng ôm con vào khoa Nhi, bệnh viện tỉnh Hải Dương kiểm tra, không phát hiện ra bệnh gì. Suốt từ đó cho đến khi 1 tuổi, tình trạng của Long cũng không khả quan. Bố mẹ kiên trì dựng Long dậy, cùng con tập từng bước đi. Nhưng thả tay ra là em ngã xuống đất.
Gia đình 3 người lại rong ruổi về Hà Nội. Qua 5 kỳ kiểm tra, thăm khám, bác sĩ bệnh viện Nhi trung ương tiến hành chọc tủy mới phát hiện ra em bị chứng bệnh Teo cơ tủy SMA - căn bệnh do gen gây ra, khiến thân thể người bệnh mềm như bún, không thể vận động, đi lại.
Chứng kiến con trai thông minh, lanh lợi nhưng suốt cuộc đời còn lại phải gắn liền với chiếc xe lăn ở lứa tuổi còn quá nhỏ, chị Hương chết lặng.
Hơn một năm sau, chị Hương đưa con quay lại bệnh viện, hi vọng con sẽ có cơ hội chữa bệnh. Nhưng vị bác sĩ lắc đầu, khuyên vợ chồng đưa con về, học cách ‘sống chung với lũ’.
‘Bác sĩ giải thích, căn bệnh này ở Việt Nam vẫn chưa có phương pháp điều trị. Càng lớn, tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi. Ở bên Mỹ gần đây đã có thuốc nhưng chi phí đắt đỏ. Vợ chồng tôi làm công nhân, nuôi 4 miệng ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền đưa cháu sang nước ngoài’, chị Hương nghẹn ngào nói.
Tủ sách của 'ông chủ' 8 tuổi
Ngay từ khi phát hiện ra bệnh, rảnh rỗi hai vợ chồng chị Hương đều bế con ra ngoài chơi, ngắm mọi người, đường phố. Lớn hơn, nhờ sự giúp đỡ của một mạnh thường quân, Long được tặng chiếc xe lăn. Từ đó, việc di chuyển với em dễ dàng hơn.
‘Học lớp 1, Long bắt đầu đến trường. Mỗi tối tôi cầm tay con viết, nắn nót từng chữ. Các bạn cố 1 nhưng Long phải cố 100 lần mới viết được.
Lắm hôm thấy con mệt quá, tôi bảo buông bút nghỉ nhưng thằng bé cố chấp lắm, đòi viết xong dòng chữ mẫu mới thôi. Giờ con viết thành thạo rồi, mỗi tội chữ không đẹp vì cầm bút khó khăn’, mẹ Long kể.
Các độc giả của thư viện sách Vũ Long đủ mọi lứa tuổi
Sớm nhận thức được bệnh tật của mình, suy nghĩ của Long có phần chững chạc, già dặn, đang vui đấy, hễ nghe ai thăm hỏi bệnh tình là cậu bé đánh trống lảng, vội nhìn ra chỗ khác.
‘Nhìn con trai thứ 2 chơi đùa chạy nhảy, tôi chạnh lòng, thương Long đến đứt ruột. Thi thoảng, cháu tủi thân, bảo mẹ: ‘Giá như con đi được như em Hòa có phải tốt không? Con sẽ giúp mẹ việc nhà, con sẽ được ăn no nê thỏa thích…’, người mẹ sinh năm 1987 nghẹn lời.
Chị Hương cho biết, Long không đi lại, vận động nhưng ăn uống hấp thụ khá nhanh, sợ con béo phì, ảnh hưởng đến các chức năng khác, mỗi bữa cơm chị thường dặn con ăn nhiều rau xanh, hạn chế cơm và thịt mỡ.
‘Càng lớn, Long càng mập, chẳng biết bố mẹ bế được đến bao giờ. Nhìn con to vậy thôi, đến bóc chiếc kẹo vẫn phải phụ thuộc vào người khác’, nén tiếng thở dài, chị Hương bỗng im lặng, đưa tay xoa đầu cậu con trai cả.
Thứ an ủi, khiến vợ chồng chị Hương thêm mạnh mẽ là Long khá hiểu chuyện, hoạt ngôn. Gặp ai cũng cười tít mắt, bắt chuyện thân thiện.
Qua mạng Facebook, chị quen biết anh Đỗ Hà Cừ (Thái Bình) - một người khuyết tật nhưng giàu nghị lực, mở thư viện sách miễn phí cho mọi người đến giao lưu, chia sẻ kiến thức.
Chị gọi điện, để anh Cừ và Long tiếp xúc với nhau. Cậu bé hào hứng khi có thêm người bạn lớn tuổi. Quý mến Long, anh Cừ gửi tặng cậu bé bộ truyện tranh.
Bàn tay yếu ớt, khó cầm nắm nhưng bé Long vẫn kiên trì tập viết mỗi khi rảnh rỗi
Hưởng ứng suy nghĩ của con trai, chị Hương bắt đầu kêu gọi mọi người ủng hộ. Khắp nơi biết câu chuyện của cậu bé đáng yêu, ùn ùn gửi sách về. Cứ thế, Long tập hợp được một tủ sách đầy đủ các thể loại. Cậu bé ví von, đó là thư viện mini và cậu chính là ông chủ nhỏ.Long nảy ra ý tưởng mở tủ sách mini, sưu tầm các loại sách từ thiếu nhi đến truyện trinh thám, tạp chí, sách chính trị… phục vụ mọi lứa tuổi trong xóm.
Từ ngày có tủ sách, Long đều mong ngóng đến cuối tuần. Đây là khoảng thời gian vui nhất, các bạn nhỏ trong xóm được nghỉ, kéo đến nhà cùng đọc sách, cùng chơi. Căn nhà nhỏ cuối xóm trở nên tấp nập, rộn tiếng trẻ con.
‘Con thích truyện tranh nhưng có thể nghiền ngẫm các loại sách khác nhau. Đọc mà phát hiện điều gì mới mẻ, con phấn khích, khoe ngay với bố mẹ. Tôi thấy tủ sách thực sự mang ý nghĩa, mở mang kiến thức cho con’, chị Hương vui vẻ kể tiếp.
‘Con ước mình biết đi’
Bắt chuyện với phóng viên, Long liến thoắng, chia sẻ về cuộc sống của mình. ‘Con chơi thân với Đức và Hạnh. Hạnh ở gần nhà con, hay vào đây mượn sách. Ở lớp, ngồi một chỗ, nhìn các bạn chạy nhảy, con thèm lắm’, Long vô tư nói.
8 tuổi nhưng cậu bé này đang ấp ủ kế hoạch làm từ thiện của mình.
Cậu bé hào hứng kể, mới đây được bố mẹ cho đi nghỉ mát ở biển. Lần đầu tiên ra biển, được nghịch cát, Long cảm thấy lạ lẫm nhưng vui. ‘Sóng biển xô vào bờ, nước bắn cả lên miệng con. Vị mặn như nước mắt. Cát mịn nữa’, Long nói.
Nghe cậu bé nói, lồng ngực tôi thắt lại, đâu đó cảm giác nghèn nghẹn, không thể thốt ra lời.
Cậu bé vẫy tôi lại gần hơn, giọng thì thào: ‘Cô biết con ước muốn gì không? Con nói cô nghe nhưng đừng kể với bà con, bà con hay khóc. Con có hai điều ước. Điều ước thứ nhất là đi được, điều ước thứ hai là sưu tầm được nhiều sách, ủng hộ cho các bạn ở vùng sâu, vùng xa’.
Tủ sách với nhiều thể loại, dành cho mọi lứa tuổi của Long.
Theo Diệu Bình/VietNamNet