Đón con trở về, gia đình ông Bảng mới dần biết được lý do con bặt vô âm tín ở nước ngoài suốt nhiều năm.
‘Khi đón được con về nhà, giúp con ổn định sức khỏe và trí nhớ, những bí ẩn vợ chồng tôi thắc mắc mới dần dần được hé lộ’, ông Lâm Văn Bảng (SN 1943, Nam Quất, Phú Xuyên, Hà Nội) - bố chị Lâm Thị Thanh Huyền cho hay.
Theo lời ông Bảng, ngày đầu tiên con gái về nhà, rất đông họ hàng, làng xóm nghe tin đến thăm hỏi. Tuy nhiên, ông đưa con gái vào phòng riêng, không để ai tiếp xúc. Vì ông sợ sự quan tâm của mọi người sẽ khiến chị Huyền bị sốc. Sau đó, vợ chồng ông dành thời gian ngồi tỉ tê, trò chuyện, khơi gợi lại ký ức cũ cho con.
Mất trí nhớ sau tai nạn giao thông
Bằng tình yêu thương, chăm sóc của gia đình, chị Huyền dần bình phục, từng lớp, từng lớp quá khứ bị khóa kín nay được mở ra. Mọi câu chuyện được xâu chuỗi lại.
‘Con gái tôi kể, sang Úc học tập, con quen biết một người phụ nữ Pháp, sống độc thân. Thấy Huyền chăm chỉ, chịu khó, người này nhận Huyền làm con nuôi, đỡ đầu trong thời gian xa nhà.
Học được vài tháng, Huyền đột ngột ốm nặng, sốt cao li bì. Cả ngày chỉ nằm trên giường. Bà mẹ nuôi không thấy Huyền qua nhà như mọi hôm, sốt ruột đành qua kiểm tra. Chứng kiến con gái nuôi nằm một mình, thể trạng suy nhược, bà vội vàng đưa Huyền vào bệnh viện cấp cứu.
Ông Bảng chia sẻ, việc tìm được con gái sau nhiều năm mất tích là một kỳ tích với ông và gia đình.
Các bác sĩ chẩn đoán, Huyền bị viêm não đã biến chứng, cần đưa sang Mỹ điều trị, nếu không tính mạng sẽ nguy kịch’, ông Bảng chia sẻ.
Người mẹ nuôi tốt bụng đã làm thủ tục, đưa Huyền sang Mỹ. Sau cuộc phẫu thuật và điều trị tích cực, sức khỏe Huyền khá hơn. Việc bị bệnh, Huyền hoàn toàn giấu bố mẹ đẻ vì sợ hai người lo lắng.
Mặc dù vẫn cần điều trị thêm nhưng do nghỉ học quá lâu, Huyền xin ra viện, trở lại Úc tiếp tục học. Trên đường ra sân bay, chiếc xe ô tô chở Huyền và mẹ nuôi bị va chạm mạnh với xe tải. Hậu quả, Huyền ngất xỉu. Trước khi chìm vào vô thức, chị nghe người cứu hộ nói mẹ nuôi chị đã tử vong.
Khi tỉnh dậy, chị Huyền không còn nhớ tên mình là gì? Gốc gác ở đâu? Người nước nào? Tại sao mình lại ở bệnh viện?
Rời bệnh viện không một đồng dính túi, giấy tờ mất hết, chị Huyền đi lang thang, sống bằng nghề rửa chai, lọ trên đất Mỹ. Ai cho gì ăn nấy, tuyệt nhiên không nhận tiền.
Về phía bạn bè chị Huyền, lâu lâu không thấy bạn quay lại, tưởng chị về nước nên đã gửi đồ đạc, trong đó có quyển sách ông Bảng tặng về Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó đồ đạc bị thất lạc.
Một sự sắp đặt của số phận đã giúp Huyền gặp được vị ân nhân người Trung Quốc. Đó là bà chủ chuyên buôn hàng điện tử.
Chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của cô gái xa lạ, bà nảy sinh lòng từ bi, dang tay đón nhận, đưa chị Huyền xuống tàu làm việc lặt vặt. Cảm nhận sự tử tế của bà chủ giàu có, chị Huyền yên tâm ở lại tàu.
Khi bà hỏi chuyện, chị không hiểu tiếng Trung Quốc, chỉ biết lắc đầu, đến khi chị nhớ ra câu: ‘Việt Nam, Hồ Chí Minh’, người phụ nữ mới ra hiệu, cho biết chị là người Việt Nam.
Vị ân nhân đã đưa chị trở về Trung Quốc cùng mình, sau đó bà cử người đưa chị đến biên giới Lạng Sơn (Việt Nam).
Đặt chân trên mảnh đất của Tổ quốc, gặp những người có cùng ngôn ngữ, chị Huyền thấy thân quen hơn. Trong đầu chị sực nhớ đến Hà Nội như cơn gió thoáng qua.
Trong tích tắc, chị quyết định đi bộ từ Lạng Sơn về Hà Nội. Ban ngày đi bộ, đói khát chị vào chùa xin ăn, ngủ nhờ. Ròng rã gần tháng trời, chị Huyền mới về đến thủ đô và bắt đầu hành trình tìm lại cội nguồn của mình.
Chuyện tình cổ tích giữa đời thường
Trong quãng thời gian lưu lạc, sống một mình ở Hà Nội, chị Huyền vô tình gặp được chàng trai tốt bụng sinh năm 1968. Người đàn ông này thương cho số phận long đong của chị đã ngỏ lời yêu nhưng chị Huyền giao hẹn: ‘Bao giờ em tìm được gia đình, chúng mình mới cưới’.
Sau ngày đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết Nguyên đán, cảm nhận được tấm lòng chân thành của chàng trai, vợ chồng ông Bảng đã đồng ý để con gái tổ chức đám cưới với anh.
Đám cưới của chị Huyền tổ chức sau Tết Nguyên Đán 2005
‘Tôi nghĩ con gái mình gặp biến cố, ra cuộc đời, có những người tốt bụng như vậy yêu thương, chăm sóc là sự may mắn. Họ không chỉ là ân nhân của Huyền mà còn là ân nhân của đại gia đình tôi.
Nhờ đó, con gái tôi không sa đà vào tệ nạn xã hội, không đánh mất bản thân mình, vẫn có thể sống lương thiện’, người cha già, mái tóc bạc như cước trầm ngâm thổ lộ.
Theo lời vị cựu binh, hiện con gái ông đang sống hạnh phúc cùng chồng con trong căn hộ chung cư ở bán đảo Linh Đàm (Hà Nội).
Sau khi khôi phục trí nhớ, ông cho con gái tiếp tục theo học đại học, nay chị Huyền vẫn đang theo đuổi công việc giảng dạy và làm gia sư dạy học.
Quá khứ cũ khép lại, chân trời mới mở ra với bao hi vọng. Ông Bảng bộc bạch: 'Qua câu chuyện của con gái mình, tôi muốn mọi người hiểu rằng, cuộc đời này tình người vẫn luôn hiện hữu. Đó là thứ không gì có thể sánh nổi. Đến bây giờ, tôi vẫn hi vọng được gặp lại những ân nhân đã từng cưu mang, giúp đỡ Huyền để nói lời cảm ơn và báo đáp'.
Căn nhà cũ nơi chị Huyền sống trước khi đi du học được ông Bảng nâng cấp, sửa chữa thành bảo tàng.
Theo Diệu Bình/VietNamNet