Bị mẹ cầm roi đánh đuổi, buộc phải đi theo cha nuôi, chị Nga (TP HCM) từng cay đắng hận, nhưng rồi chị nhận ra bà chỉ bất đắc dĩ.
Mấy ngày nay, căn phòng trọ nhỏ xíu không bao giờ có khách của chị Nga (ở quận Bình Thạnh, TP HCM) thỉnh thoảng lại có hàng xóm đến chia vui. Một tuần trước đó - ngày 2/6 - chị đã gặp lại mẹ và em gái mình, lần đầu tiên sau 44 năm xa cách, vì chị bị cho đi làm con nuôi từ nhỏ.
Giữa căn phòng đầy đồ ve chai, người phụ nữ sạm đen vì dãi dầu mưa nắng rớm nước mắt, hạnh phúc muộn mằn này là thứ chị từng không dám mơ đến trong nhiều năm lưu lạc xa gia đình.
Chị Nga (trái) ôm lấy mẹ ngày 2/6, lần đầu tiên sau 44 năm xa cách. Đằng sau chị là con trai (áo vàng) cùng em gái và cháu trai. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly.
Chị Nga là con gái đầu lòng của bà Nguyễn Thị Tâm. Cha qua đời khi Nga còn bé, mẹ đi bước nữa với một người lính Mỹ. Đầu năm 1975, chồng về Mỹ không quay lại. Một mình không nuôi nổi ba đứa con, bà Tâm vài lần tìm cách gửi Nga đi, khi đó cô bé mới 11 tuổi, nhưng không thành.
Sau cùng, biết một người giàu có, lại rất cưng con gái, bà Tâm thuyết phục Nga làm con nuôi ông, vì "ở đó có nhiều đồ chơi, con sẽ được ăn uống đầy đủ, có quần áo đẹp hơn ở nhà". Ở với cha nuôi vài ngày, nhớ mẹ, Nga khóc đòi về. Vừa tới nhà, cô bé đã bị mẹ lấy gậy đánh thật đau. Sợ quá, Nga đành lên xe cha nuôi về lại nhà ông.
Sống ở nhà mới, Nga lầm lũi như một cái bóng. Cô bé không hiểu tại sao mẹ lại bỏ mình? Phải chăng mẹ không thương mình? Phải chăng mẹ phân biệt đối xử cô với hai đứa em khác cha? Những câu hỏi không có lời đáp cứ dằn vặt cô bé.
Sau giải phóng, không thấy bà Tâm quay lại tìm con, cha nuôi đổi tên Nga theo họ của mình. Cuộc sống dần khó khăn, ông vẫn gắng gượng nuôi 6 đứa cả con đẻ lẫn con nuôi. Nga không được đi học, chỉ loanh quanh ở nhà cơm nước.
Vẫn nung nấu ý định tìm về nhà mẹ, nhưng nghĩ lại trận đòn thừa sống thiếu chết năm nào, cô bé lại sợ. Năm 15 tuổi, lấy hết can đảm, Nga quay trở lại ngôi nhà trọ của mẹ khi xưa thì cả gia đình đã dọn đi.
Thỉnh thoảng, cô bé vẫn giấu cha nuôi quay nhà cũ. Lúc nào, Nga cũng mường tượng mẹ là một phụ nữ có dáng người tròn tròn, không cao không thấp, với khuôn mặt hiền lành. Đi bộ trên đường, ngồi trên xe bus, gặp những người như thế, Nga vẫn níu tay họ hỏi có phải tên Tâm, có một đứa con tên Nga từng thất lạc không? Cô bé luôn sợ nếu tình cờ gặp trên đường, mẹ không còn nhận ra mình.
Thiếu thốn tình cảm, Nga kết hôn khá sớm khi 19 tuổi nhưng hôn nhân tan vỡ. Ít lâu sau, con bị điện giật tử vong khiến Nga như điên dại. Cô thấy mình vô phước, không cha mẹ, có chồng cũng như không.
35 tuổi, Nga tái hôn, nhưng vẫn bất hạnh, trở thành một bà mẹ đơn thân. Cô mang con trên các đường phố bán vé số dạo, tự hứa sẽ luôn bảo vệ con. Khi con vào lớp một, Nga chuyển sang lượm ve chai kiếm sống.
Chị Nga không hề biết rằng ở phía bên kia, ngay sau giải phóng, bà Tâm đã đi tìm con mà không gặp, do cha nuôi chị chuyển nhà. Sang Mỹ, bà vẫn canh cánh suy nghĩ về đứa con đầu lòng, giục hai em đi tìm. Vợ chồng cô em gái đang sống ở Bình Định thậm chí đã lên truyền hình nhờ hỏi thăm từ năm 2014.
Một mình nuôi con vất vả, chị Nga đã thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ năm nào. Ảnh: Kim Anh.
Một mình nuôi một đứa con đã "trày vi tróc vảy", chị Nga mới hiểu hết nỗi cơ cực của mẹ khi nuôi ba chị em mình xưa. "Tôi không còn giận mẹ nữa, mà chỉ thấy thương. Mẹ cho tôi đi chắc vì bất đắc dĩ, vì tôi là đứa lớn nhất, có thể tự lo liệu bản thân", người phụ nữ nay đã 55 tuổi nhớ lại. Cậu bé Duy ngoan ngoãn học giỏi, trở thành niềm an ủi duy nhất của chị.
Đoán mẹ hẳn rất hối hận khi đã đem cho mình, chị Nga càng mong tìm thấy bà, nhưng chỉ dám tìm âm thầm vì sợ cha nuôi buồn. Mãi đến khi cha nuôi qua đời năm 2016, chị mới tìm đến truyền hình để nhờ tìm mẹ. Lúc này, hy vọng của chị rất mong manh, vì khi đó bà Tâm đã 78 tuổi, nhiều người ở tuổi đó đã mất.
Chị Nga không nhớ họ của mẹ, không biết tên đầy đủ của hai em, chỉ biết là Hùng và Linda, không biết quê nội quê ngoại mình ở đâu, do vậy việc tìm kiếm trở nên khó khăn.
Sau 3 năm đăng ký tìm kiếm, giữa tháng 5 vừa qua, chị được chương trình báo tin sẽ gặp em gái. "Vậy là không được gặp mẹ, nhưng chỉ được gặp em, tôi cũng mừng lắm rồi", chị kể. Chị đếm từng ngày, ngủ không ngon, bụng cồn cào vì hồi hộp.
Hai tuần sau, ngày 2/6, tại nơi gặp gỡ, qua video, chị Nga nhận ra ngay đứa em gái 4 tuổi khi xưa, giờ đã là một phụ nữ thôn quê, quần áo nhàu nhĩ, khác xa vẻ tiểu thư của đứa con lai ngày nào. Rồi bất ngờ, chị thấy mẹ trên màn hình - bà nhỏ bé, da nhăn nheo đang đứng ở sân bay Mỹ, chuẩn bị sang Việt Nam - ánh mắt ấy, thần thái ấy đã quen thuộc với chị biết bao. Vậy là mẹ vẫn còn sống! Niềm vui trong chị vỡ òa.
Sau ít phút, chị Nga được ôm em gái, rồi ôm mẹ bằng xương bằng thịt. "Được gặp mẹ, con hạnh phúc quá!", chị thủ thỉ mà nước mắt rơi. Người mẹ xúc động không nói nên lời. Về sau, bà cho biết gặp lại con, bà không còn ân hận gì nữa. "Bao năm qua, mẹ cố gắng uống thuốc chữa bệnh chỉ để chờ đến ngày hôm nay", bà nói với chị.
Tìm được con, bà Tâm hứa sẽ về thăm và mong đón con sang chơi, nhưng chị Nga không hy vọng vì bệnh tình của bà không biết tiến triển thế nào. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly.
Sau 4 ngày gặp gỡ, bà Tâm phải trở về Mỹ, nơi bà theo con trai định cư từ năm 1990 theo diện con lai, vì đang phải điều trị ung thư đường ruột. Cuộc đoàn tụ ngắn ngủi khiến chị Nga không khỏi hụt hẫng. Tuy nhiên, chị đã được an ủi rất nhiều khi biết mẹ luôn nhớ thương mình.
"Con giữ gìn sức khỏe, mẹ sẽ cùng em và các cháu về thăm con", người mẹ 81 tuổi dặn dò con gái trên đường ra sân bay về Mỹ.
"Ở Sài Gòn khổ cực quá, hay chị về quê, rau cháo qua ngày với em", cô em út không biết chữ đang sống tại Phù Cát, Bình Định, thuyết phục. Em trai chị, một cảnh sát Mỹ, mới gặp một chấn thương khiến anh không thể về quê hương, cũng gọi điện an ủi "sẽ cố gắng chữa lành vết thương để về Việt Nam thăm chị". Những lời quan tâm, ân cần của người thân mà bao năm qua không được nghe khiến chị Nga nghẹn ngào.
Hai tuần đã qua, gia đình chị lại mỗi người một ngả, tiếp tục mưu sinh, nhưng chị Nga biết rằng trong cuộc đời này, mẹ con mình không còn đơn độc. Chị chỉ mong bà có thể vượt qua cơn bạo bệnh, thỉnh thoảng trò chuyện với mình, cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.
Theo Kim Anh/VnExpress