Từng sống ở mái ấm Bán báo Xa Mẹ, cõng con trên vai đi bán dạo dưới nắng đổ lửa, chị Thanh gạt nước mắt, dặn mình phải cố thoát nghèo.
Ngồi trong tiệm bánh Pháp do mình làm chủ trên đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thanh và chồng là anh Nguyễn Minh Phú hào hứng xem lại các bức hình trong chuyến tham quan Bắc Kinh - Tô Châu - Hàng Châu - Thượng Hải (Trung Quốc) mà gia đình mình vừa trải nghiệm. Người phụ nữ tuổi 43 tâm sự, sau hàng chục năm lăn lộn mưu sinh từ hai bàn tay trắng, đến giờ vợ chồng chị đã có thể mãn nguyện về những gì đang có.
Vợ chồng chị Thanh tại tiệm bánh ngọt của gia đình, mở năm 2018 trên đường Thanh Niên, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.
28 năm trước, hai đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm, gặp nhau ở Tổ bán báo Xa mẹ - nơi cưu mang những đứa trẻ mồ côi, sống lang thang cơ nhỡ tại số 13 Ngô Văn Sở, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đứa mồ côi bố, đứa bố bỏ đi, chung hoàn cảnh nhà đông anh em, quá nghèo, phải lặn lội từ Hà Nam, Vĩnh Phúc lên.
"Tôi thường xuyên giặt quần áo cho các bạn nam trong tổ, trong đó có anh Phú. Anh vào sau tôi một năm nhưng nhiều hơn tôi 3 tuổi. Anh ấy hiền lành, tốt tính nên chúng tôi kết nghĩa anh em. Dần dần, cả hai có tình cảm với nhau". Năm 1993, sau hơn 2 năm sống tại đây, Thanh và Phú xin ra ngoài rồi làm đám cưới một năm sau đó.
Sinh con gái đầu lòng, họ được vợ chồng ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh, những người sáng lập Tổ bán báo xa mẹ, nuôi ăn ở một thời gian. Thanh xin mở quán nước trước cổng mái ấm, còn Phú thì đi bán báo dạo. "Thanh và Phú đều là những đứa trẻ ngoan và chịu khó", bà Vũ Thị Ngọc Oanh nhớ lại.
Con gái cứng cáp hơn, họ ra ngoài thuê nhà trọ, theo nghề cũ ngày ngày đi khắp phố phường, từ sáng đến tối muộn. "Nhìn những đứa trẻ khác được cha mẹ cưng chiều, còn con mình thì vắt vẻo trên lưng mẹ không kể nắng mưa, tôi tự nhủ mình phải thật chăm chỉ kiếm tiền để cuộc sống của con không còn phải khổ nữa", người mẹ chảy nước mắt khi nhớ lại chuyện xưa.
Biết nhiều mối, Phú vay mượn lấy báo tại các nhà in với giá thấp hơn giá bán khoảng 18%. Sau đó, anh đem bán lại cho "đồng nghiệp" lấy lời 2%. Lãi không nhiều nhưng đông nên có lợi nhuận.
Có vốn trong tay, mùa nhãn, anh về Bắc Giang thu mua rồi đánh xe lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bán cho thương lái. "Có năm nhãn được mùa, thương lái ép giá, tôi ăn nằm ở cửa khẩu suốt nửa tháng trời. Nhãn mốc lên, bán rẻ như cho, ức đến chảy nước mắt", anh Phú kể.
Thấy máy xoa bóp, tranh tường Trung Quốc giao dịch có lời, Phú mua sỉ về bán lại cho mọi người, mang bán kèm với báo.
Mặc dù gắn bó với nghề này đến tận năm 2008, nhưng từ năm 1997, Thanh đã nghĩ bán báo không phải là lâu dài. Năm hai con mới 2-3 tuổi, chị xin đi học nghề tại một trung tâm dạy nghề cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Quen với cảnh phơi mặt ngoài đường nên ngày đầu tiên đến lớp học nghề, bà mẹ trẻ bị "say điều hòa". Sốt 40 độ, thầy giáo bảo về nghỉ cho khỏe, Thanh nghe vậy ở nhà hẳn một tuần. Bị đuổi vì nghỉ quá số buổi quy định, chị lại năn nỉ xin học lại. Thương trò tính thật thà, thầy châm trước cho.
Chị Thanh nếm thử một sản phẩm tại cửa hàng nhà mình. Chị từng nhận ra không thể bán báo dạo mãi nên quyết tâm theo đuổi nghề làm bánh để chuyển hướng. Ảnh: Nhật Minh.
Năm 2008, vợ chồng chị Thanh mở một tiệm bánh Pháp ở phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm). Khi mở thêm tiệm bánh thứ hai ở Đội Cấn, họ lỗ 300 triệu đồng do không tìm hiểu kỹ địa điểm, khách ít.
Chị chạy vạy khắp nơi để lo trả nợ. "Một chị bán rau ngoài chợ đồng ý cho tôi vay 100 triệu, chồng tôi biết được không đồng ý. Anh bảo người ta bán rau cả đời ở chợ mới có chút vốn, mình vay của chị ấy, không có gì thế chấp sợ thiệt thòi cho người ta. Vậy là tôi chỉ dám mượn 50 triệu", chị Thanh kể.
Dần dần cửa hàng mới mở ổn định. Hiện tại, chị Thanh và anh Phú đã có 3 tiệm bánh ngọt Pháp ở những con phố sầm uất, đông khách nước ngoài. Hằng ngày, có khoảng hơn 20 nhà hàng, khách sạn đặt bánh tại tiệm của họ. Sau 25 năm cùng nhau lập nghiệp, họ đã có cuộc sống đầy đủ, một căn biệt thự tại Long Biên. Ba con của anh chị đã được hưởng những điều tốt đẹp như họ mong đợi.
Những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ ở Tổ bán báo Xa mẹ tại số 13 Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm 1991. Thanh và Phú khi đó mới vào ở đây. Ảnh: Vũ Tiến.
Nhân viên ở tiệm bánh của họ, 20 người thì hơn một nửa là trẻ mồ côi, dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình khó khăn. Hằng năm, vợ chồng chị theo các đoàn đi từ thiện 2 -3 chuyến.
"Xuất phát điểm của chúng tôi là những đứa trẻ kém may mắn, nhưng đi đâu cũng được mọi người giúp đỡ, yêu thương. Vì vậy, khi đã có kinh tế ổn định, vợ chồng tôi lại muốn giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh như mình", anh Phú tâm niệm.
Còn ông Vũ Tiến, chủ nhiệm chương trình gia đình trẻ mồ côi Xa mẹ (tên hiện tại của Tổ bán báo xa mẹ), chia sẻ: "Hơn 30 năm qua, mái ấm đã cưu mang hơn 600 đứa trẻ, tuy nhiên, không phải đứa nào cũng muốn nhớ lại quá khứ của mình. Rất nhiều cháu mãi mãi không bao giờ trở lại, nhưng vợ chồng Phú, Thanh thì năm nào cũng về. Chúng thăm hỏi chúng tôi và giúp đỡ những đứa trẻ đang sống ở Xa mẹ như trước kia hai đứa từng sống".
Theo Nhật Minh/VnExpress