Suốt nhiều năm qua, chị Chúc liên tiếp bị chồng đánh đập mỗi khi uống rượu, nhiều đêm chị phải trốn ra ngủ với lợn nhưng cũng không thoát.
Nhắc đến tác hại của rượu bia, có lẽ hầu hết chúng ta chỉ có ý niệm về tác hại với sức khoẻ, với an toàn giao thông mà ít ai nghĩ đến tác động kinh tế, tác động xã hội.
Câu chuyện của chị Đặng Thị Chúc (*), 50 tuổi, ở Thanh Liêm, Hà Nam chia sẻ tại buổi toạ đàm dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia chiều 20/5 là một minh chứng sống động về thực trạng bạo hành gia đình do rượu bia.
14 năm bị chồng đánh đập
Chị Chúc kết hôn năm 23 tuổi với người chồng hơn 2 tuổi, sau đó sinh liên tiếp 3 cô con gái, đến năm 2010, chị sinh được cậu con trai.
Ban đầu chồng chị tu trí làm ăn nhưng càng về sau, anh càng uống rượu nhiều, đặc biệt từ năm 2004 đến nay. Riêng 5 năm trở lại đây, ngày nào chồng chị cũng “súc miệng” 1 lít rượu trắng.
Mỗi khi uống say, chồng chị lại lôi chị ra đánh, thậm chí có tháng, ngày nào chị cũng bị đánh. Nhà bố mẹ đẻ không quá xa nhưng ông bà đều đã cao tuổi nên chị không dám chạy qua cầu cứu sợ ông bà lo, nên cứ ngày qua ngày cắn răng chịu đựng đòn roi.
Chị Chúc chia sẻ câu chuyện đau thương của chính gia đình mình do liên quan đến rượu bia.
Dù chị trốn vào bếp khoá cửa nhưng vẫn bị chồng phá cửa tìm, nhiều đêm chị trốn ra ngủ cùng với lợn, chồng cũng truy tìm lôi ra đánh. Vết cũ chưa lành, vết mới lại dồn dập, khắp người chị lúc nào cũng thâm tím, xước xát.
Đã ít nhất 4 lần chị phải vào BV điều trị do bị chồng đánh. Đỉnh điểm vào năm 2014, chị bị chồng ném thẳng thanh củi to vào mặt, gây vỡ thủy tinh thể, rách giác mạc, đứt tuyến lệ mắt trái.
Vay mượn khắp nơi được 120 triệu, chị quay lại BV Mắt TƯ phẫu thuật, nằm viện 3 tháng nhưng vẫn không thể cứu được, 1 bên mắt mất thị lực vĩnh viễn, bên còn lại chỉ còn 8/10.
Chị kể, từ ngày bị hỏng 1 mắt, chị đi xe đạp hay bị ngã, nhiều lần bị đâm xuống hồ, may có người cứu nên thoát chết.
Từ ngày nghiện rượu, thỉnh thoảng đi làm lò vôi được đồng nào là chồng chị dồn hết tiền mua rượu, chưa bao giờ đỡ đần được vợ con.
Một mình chị Chúc bươn chải kiếm sống bằng nghề phu hồ nuôi 4 con. Năm 2018, cô con gái lớn phải mổ tim mất thêm gần 100 triệu, hiện cũng không làm được việc nặng.
Mới đây, không chịu nổi những trận đòn roi liên tiếp, 5 mẹ con chị Chúc đã dọn về ở cùng ông bà ngoại, hiện đã ngoài 90 tuổi.
“Mỗi lần bị đánh, tôi chỉ biết ngồi khóc thầm, không dám kêu la với ai, cũng không có can đảm phản kháng vì sợ vợ chồng ly tán, con cái thiếu cha, chiếu mẹ nên lần nào cũng cố gắng kiềm chế. Nhưng giờ thì tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”, chị Chúc rớm nước mắt chia sẻ.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, khoảng 32% phụ nữ đã kết hôn hoặc đang sống chung với bạn tình phải chịu tác hại từ rượu bia; 14% trẻ em bị người uống rượu đánh đập, bị mồ côi, bị bỏ mặc...
Hậu quả nhiều nhưng luật ngày càng... nhẹ
Dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia có lẽ là dự án luật mất nhiều thời gian chuẩn bị nhất với 8 năm vận động, chuẩn bị và xây dựng. Nếu tính cả thời gian lên ý tưởng là hơn 10 năm.
Thời điểm xây dựng luật, tổng lượng bia tiêu thụ mỗi năm của người Việt chỉ có 2,7 tỉ lít, nhưng con số này hiện nay đã lên 4,67 tỉ lít. Hiện tại, tốc độ tiêu thụ bia của Việt Nam đang đứng thứ 10 thế giới, thứ 3 trong châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) và vẫn đang tiếp tục tăng, trong khi cách đây 10 năm, Việt Nam vẫn xếp thứ 8 châu Á.
Chi tính riêng chi phí tiêu thụ bia của Việt Nam là trên 4 tỉ USD, chưa kể 350 triệu lít rượu tự nấu. Như vậy, bình quân mỗi người Việt chi khoảng 9,6 triệu đồng cho bia rượu, trong khi chi tiêu cho y tế chỉ ở mức 2,6 triệu đồng.
Tốc độ tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng chóng mặt.
Dù hậu quả sử dụng rượu bia ai cũng thấy và tình trạng uống rượu bia ở mức nguy hại đang ngày càng tăng (tăng gấp đôi sau 5 năm 2010-2015) khi có tới trên 44% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Song theo thời gian, luật Phòng chống tác hại rượu bia ngày càng yếu đi.
Cụ thể, trong suốt nhiều năm xây dựng, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan soạn thảo, luôn đưa quy định cấm bán rượu bia theo giờ vào dự thảo luật. Tuy nhiên khi trình QH vào cuối năm ngoái, quy định giờ bán đã bị gỡ bỏ. Kèm theo đó, nhiều quy định hạn chế quảng cáo bia rượu cũng dần bị gỡ bỏ.
Trong phiên bản hoàn thiện nhất trình QH ngày 20/5, các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia tiếp tục bị giảm nhẹ.
Cụ thể, không có quy định cấm đối với bia trên 15 độ; giờ quảng cáo bị thu hẹp lại trong khung 19-20h, trước đây 18-20h; vẫn cho phép hiện tên, hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu bia trên các vật phẩm tài trợ; không cấm kinh quanh rượu, bia trên Internet...
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ Phó Vụ Pháp Chế, Bộ Y tế, Bộ khi xây dựng dự án luật này luôn mong muốn giữ được các quy định mạnh nhất có thể. Tuy nhiên sau nhiều lần cho ý kiến tại các cơ quan của QH, và mới nhất là ý kiến của UB Thường vụ QH tại phiên họp thứ 33, có nhiều nội dung phải tiếp thu, chỉnh sửa theo kết luận của phiên họp.
“Bộ Y tế cũng đã có báo cáo Chính phủ các nội dung liên quan đến quảng cáo, khuyến mại rượu bia, xin được giữ nguyên như dự thảo trình QH cho ý kiến tại kỳ họp trước”, bà Trang cho hay.
Dự kiến dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ được thảo luận tại hội trường vào ngày 23/5 tới và sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 14/6.
Theo Vietnamnet