Đối với những bố mẹ là người bình thường khi li hôn thì đứa trẻ cũng đã phải chịu nhiều tổn thương, với những trẻ có bố mẹ nổi tiếng, áp lực càng lớn.
Mặc dù ly hôn là chuyện của người lớn, nhưng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến những đứa trẻ. Làm sao để ứng xử sau ly hôn giữa các cặp vợ chồng không gây tổn thương đến tâm lý con trẻ, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt – Chuyên gia văn hóa – tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn đưa ra một số nhận định và lời khuyên về vấn đề này.
PV: Thưa PGS, gần đây trong xã hội xuất hiện rất nhiều những vụ việc xâm hại trẻ em. Ý thức của các bậc cha mẹ về việc bảo vệ trẻ em ngày càng được nâng cao. Vậy xin hỏi PGS về tầm quan trọng của việc bảo vệ tinh thần trẻ em so với việc bảo vệ thân thể trẻ em?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Chúng ta thấy rằng, trẻ em là đối tượng không chỉ bị xâm hại về thể xác mà trong nhiều trường hợp, các em còn bị xâm hại về tinh thần. Sự “xâm hại” này đang rất phổ biến và để lại nhiều di chứng nặng nề. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, đó chính là vấn đề xâm hại này lại xuất phát từ chính bố mẹ các em nhưng chính bản thân họ lại không biết điều đó.
Hiện nay chưa có cơ quan nào giám định về tổn hại tinh thần cho các em, dù những tổn thương này nhiều khi nặng nề, kéo dài hơn so với tổn hại về thể chất. Hầu hết các bậc cha mẹ đều không hiểu rằng những gì mình đang làm chính là xâm hại, gây ra những hậu quả nặng nề trong việc phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách trẻ.
Trẻ có thể sẽ bị sang chấn tâm lý nặng nề…(ảnh minh họa)
Xâm hại tinh thần rất phổ biến nhưng lại khó nhận dạng hơn so với xâm hại thể chất. Hậu quả của vấn đề này cũng kéo dài âm ỉ và có thể gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân như trầm cảm và sang chấn tâm lý do phải sống trong môi trường u uất, buồn bã.
PV: Vậy việc tổn thương về tâm lý trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ trong độ tuổi mầm non sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này như thế nào ạ?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Trong cuộc sống, những sự kiện bất ngờ, khủng khiếp có thể đến với bất kỳ ai, ở vào bất cứ độ tuổi nào, tại bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, đối với trẻ em, mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng tâm lý thường nặng nề, nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến một khởi đầu “ảm đạm” cho cuộc đời của đứa trẻ đó.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: "Sau khi ly hôn, cha mẹ đôi khi cảm thấy nhẹ nhõm vì chấm dứt được những rắc rối gia đình, song đối với con trẻ thì đó là sự mất mát lớn...".
Trẻ em là đối tượng dễ bị khủng hoảng tâm lý là do trẻ dễ tổn thương, thiếu khả năng thích ứng với thử thách, trải nghiệm sống chưa nhiều, kỹ năng sống chuẩn bị chưa tốt.
Quan tâm và yêu thương chính là “liều thuốc” tinh thần tốt nhất với những đứa trẻ…
Đối với những em nhỏ trong lứa tuổi mầm non thì vấn đề này còn nghiêm trọng hơn nhiều. Các bạn sẽ không thể tưởng tượng được rằng hậu quả của nó nguy hiểm thế nào. Trẻ có thể biến thành người khác hoặc mãi mãi trở nên rụt rè, suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống.
PV: Vậy theo PGS, đối với những trẻ em là con của người nổi tiếng, những sự ảnh hưởng này có lớn hơn không?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Tất nhiên là có. Sự ảnh hưởng này sẽ lớn hơn nhiều. Có bố mẹ là người nổi tiếng, đồng nghĩa với việc cuộc sống của đứa trẻ này sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Việc chúng làm gì, cư xử thế nào cũng sẽ luôn bị dư luận để ý. Mà như các bạn biết thì trẻ em làm sao có thể che giấu được cảm xúc của mình.
Chính vì thế, tôi cho rằng, khi dư luận tạo ra sức ép quá lớn đối với những đứa trẻ này thì chúng sẽ trở nên bị quá tải áp lực và hậu quả thì có lẽ là không cần phải nói, các bạn cũng biết. Những đứa trẻ con của người nổi tiếng sẽ tiếp xúc với dư luận nhiều hơn.
Với những đứa trẻ nhạy cảm, chúng sẽ luôn có tâm lý lo sợ người khác nhắc tới chuyện của mình hoặc đôi khi là có tâm lý né tránh câu hỏi “Cháu sẽ ở với ai?”. Đây là một câu hỏi mà theo tôi thì với đứa trẻ nào, đó cũng là một sự tàn nhẫn và “vô duyên”.
PV: Thưa PGS, việc li hôn của cha mẹ, đặc biệt là những trẻ có cha, mẹ là những người nổi tiếng, liệu con cái họ có chịu áp lực hơn?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Mặc dù ly hôn là chuyện của người lớn, nhưng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến những đứa trẻ. Chắc chắn là các em sẽ bị tổn thương về mặt tâm lý và tâm hồn.
Đối với trẻ nhỏ chưa biết đọc biết viết thì có thể chúng sẽ nghe thấy, còn đối với các bạn đã có thể đọc và viết, đặc biệt là biết mở youtube hay mạng xã hội thì chắc chắn là sẽ bị sang chấn tâm lý. Đó là điều tổn thương rất khủng khiếp với trẻ nhỏ.
PV: Sự lan tràn thông tin trên mạng xã hội là khó tránh khỏi. Vậy đối với những trường hợp bị ảnh hưởng như thế này, PGS có lời khuyên gì đến cha mẹ của các em nhỏ để giúp các bé phát triển bình thường?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Cha mẹ đôi khi cảm thấy nhẹ nhõm vì chấm dứt được những rắc rối gia đình, song đối với con trẻ thì đó là sự mất mát. Phản ứng tình cảm của trẻ thường phụ thuộc vào tuổi tác, song đa số trải qua sự buồn bã, tức giận và lo lắng.
Tôi nghĩ rằng trong những trường hợp thế này, các bậc cha mẹ nên giúp trẻ vượt qua sang chấn tâm lý bằng sự khôn khéo và tình yêu thương, hạn chế tối đa mọi căng thẳng. Hãy giữ thái độ cởi mở, bình tĩnh và trung thực trước những băn khoăn của trẻ.
Hãy luôn ở bên con để có thể lắng n ghe những suy nghĩ thầm kín của chúng và trấn an tâm hồn con bằng cách nói: "Mẹ biết tin này làm con buồn, và mẹ có thể hiểu vì sao", hoặc "Ba mẹ đều yêu con và rất xin lỗi vì đang làm con buồn thế này".
PV: PGS có thể đưa ra một số lời khuyên chung cho các gia đình ly hôn, cách thức để giảm thiểu tổn thương cho các bé như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Gây tổn thương cho con cái là điều tất yếu khi cha mẹ ly hôn dù chúng ở có ở độ tuổi nào đi nữa. Việc ly hôn của cha mẹ khiến chúng nghi ngờ giá trị của lòng tin cậy, sự chung thủy và tình yêu thương. Vì thế, cha mẹ phải chuẩn bị tâm lý cho con trước những áp lực cuộc sống sau khi cha mẹ ly hôn, thậm chí là tái hôn với người mới.
Để tránh làm tổn thương những đứa trẻ vô tội, bố mẹ cần có những giải pháp thiết thực nhằm ổn định tâm lý cho con. Hãy dành thời gian nói chuyện và luôn chuẩn bị tâm lý đón nhận những câu hỏi của con mình.
Đừng cố nói dối chúng, thay vào đó, hãy dành cho con một khoảng thời gian nhất định để con xử lý những gì đang xảy ra và chúng cần sự quan tâm của bạn.
Xin cảm ơn PGS về những chia sẻ này!
Theo VOV