Là giảng viên đại học Bắc Kinh song ông bố Trung Quốc thấy mình vô dụng vì mãi không làm được khai sinh và hộ khẩu cho con.
Người cha là tiến sĩ đại học cho rằng mình bất tài vì có hộ khẩu cho con cũng không làm được. Ảnh minh hoạ: Aleteia.
Con gái thân yêu!
Bố là một người bất tài. Rất nhiều điều không thể làm tốt, hãy tha thứ cho bố. Có lẽ bố đã sai lầm khi đưa con đến thế giới này. Tất nhiên, sai lầm lớn hơn chính là bố đã đến với thế giới này.
Bố đã rất vui khi nghe tin mẹ con có thai. Nhưng những điều sau đây khiến bố cảm thấy việc đưa con đến thế giới này không phải là chuyện đơn giản.
Bố con là một tiến sĩ đại học lớn ở Bắc Kinh. Mỗi tháng kiếm được khoảng 5000 - 6000 tệ, nhưng bố lại không thế cho con một môi trường sống lý tưởng. Bố vẫn có chút cổ hủ, nghĩ rằng con cái sinh ra phải có "chỉ tiêu", nếu không có "chỉ tiêu" tương lai đứa trẻ không thể đăng ký hộ khẩu, như vậy cả cuộc đời chỉ là một hộ đen.
Vào khoảng tháng 3 năm nay, bố đã đến Văn phòng Kế hoạch hóa Gia đình của trường Đại học Chính trị và Pháp Luật Trung Quốc để tư vấn làm giấy khai sinh.
Họ nói rằng, nếu hộ khẩu vợ ở Bắc Kinh có thể làm giấy khai sinh ở Bắc Kinh. Nếu vợ có hộ khẩu ở ngoại tỉnh, còn chồng có hộ khẩu riêng ở Bắc Kinh thì vẫn có thể làm giấy khai sinh ở Bắc Kinh. Còn nếu hộ khẩu người chồng là chung ở Bắc Kinh thì không thể làm giấy khai sinh ở đây. Thật không may, hộ khẩu mẹ con ở thành phố Tân Dư (Giang Tây), còn bố ở Bắc Kinh, nhưng đó là hộ khẩu chung.
Do đó, con chỉ có thể xin giấy khai sinh tại địa điểm cư trú của mẹ. Có thể con sẽ hỏi: Tại sao hộ khẩu của bố lại chung mà không phải riêng? Bố không đủ năng lực, tốt nghiệp tiến sĩ rồi mà ngay cả ngôi nhà cũng không đủ tiền mua. Ở Bắc Kinh có hàng nghìn ngôi nhà, nhưng trong số đó không có ngôi nhà nào thuộc về bố.
Bố cũng hỏi một số giảng viên trong trường về vấn đề này. Một giảng viên đã chỉ bố một cách, tìm đến văn phòng quản lý tài sản của trường xin một số phòng. Sau đó chuyển hộ khẩu là có thể làm giấy khai sinh ở Bắc Kinh. Khi đến Văn phòng Quản lý Tài sản của Đại học, họ bảo có thể làm được, nhưng bây giờ lại bảo không. Bố con không phải lãnh đạo của trường và không có mối quan hệ quen biết. Dựa vào một người mới đến như bố, sao có thể xin số phòng được chứ?
Điều này chứng tỏ bố con thật bất tài. Sau đó, bố đã tìm đến một người bạn ở Bắc Kinh và biết được một con đường khác để làm giấy khai sinh. Nhưng mất rất nhiều tiền và bố không có, nên đành từ bỏ. Rốt cuộc, vì bố không phải là một nhà lãnh đạo, không có mối quan hệ tốt, không có tiền để xử lý.
Có thể con sẽ hỏi tại sao phải đăng ký giấy khai sinh ở Bắc Kinh? Ở đâu chẳng giống nhau? Con không biết thôi, khai sinh ở đâu có liên quan rất lớn đến tương lai sau này. Nếu như ở Bắc Kinh, con có thể đăng ký hộ khẩu ở Bắc Kinh, có thể học và thi đại học ở Bắc Kinh. Còn nếu con ở Giang Tây, tương lai chỉ có thể đăng ký hộ khẩu và đi học ở đó. Nếu muốn học ở Bắc Kinh thì phải mất nhiều tiền, mà số tiền này bố con không có khả năng chi trả. Ngay cả khi có tiền để vào học ở Bắc Kinh, tương lai cũng phải về Giang Tây thi đại học. Ở Bắc Kinh có thể vào các trường lớn như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa. Còn ở ngoại tỉnh chỉ có thể học các trường thấp kém. Học ở đâu ảnh hưởng rất lớn đến một người. Con nói bố làm sao không muốn đăng ký giấy khai sinh ở Bắc Kinh cơ chứ!
Thật đáng tiếc khi tất cả các nỗ lực đều vô ích. Cuối cùng, bố mẹ quyết định xin giấy khai sinh ở thành phố Tân Dư. Nhưng trước tiên vẫn còn nhiều chỗ phải đóng dấu, do đó, bố đã chạy vạy rất nhiều lần và đã tức giận rất nhiều lần.
Còn nhớ Văn phòng Kế hoạch hóa Gia đình Thành phố Tân Dư gửi phát nhanh một biểu mẫu, yêu cầu bố ký rồi xin dấu của Văn phòng Kế hoạch hóa gia đình ở Bắc Kinh. Sau khi ký xong, bố mang đến Văn phòng ở khu Xương Bình (Bắc Kinh) để đóng dấu. Tại đây, nhân viên văn phòng cho biết: "Ông phải điền lại biểu mẫu này vì ông không dùng bút ký để ký".
Lúc đó bố không có mang bút ký, nên đã dùng bút bi để ký. Bố giải thích với nhân viên: "Đây là giấy ở Tân Dư gửi đến, nếu bây giờ gửi lại sẽ mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa con tôi cũng sắp sinh rồi". Nhưng nhân viên nói cho dù bây giờ đóng dấu cũng không có giá trị.
Không còn cách nào, bố đành quay về trường học, từ trường cách văn phòng thành phố khoảng 3 dặm và bố cứ đi đi lại lại thế, trời rất nóng. Sau cùng bố dùng bút ký ký lại lần nữa rồi đưa đến văn phòng xin dấu. Nhân viên văn phòng có vẻ phục kiên nhẫn của bố nhưng vẫn không đồng ý đóng dấu.
Bởi vì Bắc Kinh và Tân Dư cách nhau rất xa, khoảng hơn 20 giờ đi tàu. Hơn nữa mẹ con đã mang thai 8 tháng, không tiện đi tàu một mình. Bố còn phải đi làm, không có thời gian đi lại nhiều thế. Cuối cùng, bà ngoại và mẹ quay về Tân Dư bằng máy bay. Tuy nhiên, phải mất vài ngày để có được giấy khai sinh. Lý do vì nhân viên ở đó đi du lịch không làm việc.
Vào ngày 20/5, Văn phòng Công an Thành phố Bắc Kinh tuyên bố đàn ông có hộ khẩu chung ở Bắc kinh nhưng không có nhà thì con cái vẫn có thể nhập khẩu cùng bố mẹ ở Bắc Kinh. Quả thật ông trời có mắt, bố cảm thấy có thêm tia hy vọng. Nếu không, bố thực sự không thể hiểu được, mình là người Bắc Kinh, tại sao con phải nhập khẩu ở Giang Tây? Có lẽ, điều này chỉ có thể đổ lỗi cho bố vì đã cưới vợ ở Giang Tây, bố con nên cưới một người vợ Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu như vậy, bố sẽ không có con và không thể kiếm đâu ra một người vợ tuyệt vời như mẹ con.
Ngày 24/ 5, chào mừng con đến với thế giới này. Bố đã mất 4 lần đi lại Bệnh viện Nhân dân, đến khi nhận được giấy khai sinh con gần tròn một tháng.
Giai đoạn nhập hộ khẩu khó khăn lại chồng chất khó khăn. Trước tiên bố phải biến giấy khai sinh của thành phố Tân Dư thành giấy khai sinh có trụ sở tại Bắc Kinh. Để thay đổi này, họ đã đưa cho bố một tá giấy chứng nhận cho bố đi xử lý. Sau bao lần, nhiều bữa không dám ăn trưa, phải đi bộ thì bố cũng được giải quyết một số giấy tờ.
Đến bước cuối cùng, một nữ cảnh sát nói: "Trường hợp của anh khá đặc biệt. Bố mẹ phải đích thân đến làm hộ khẩu". Bố nói rằng mẹ con vừa mới sinh không thuận tiện đi lại và cảnh sát xử lý vấn đề này đang đi công tác. Tuần tới bố mới được quay lại.
Con à! Sau này lớn lên, hãy tôn kính bố mẹ con nhé. Để làm hộ khẩu cho con, bố đã không biết đi bao nhiêu con đường, bao nhiêu mồ hôi đã chảy, bao nhiêu tâm khí đã bị phung phí. Bố của con rất bất tài. Ông không có khả năng, không có tiền.
Con đã gần 60 ngày tuổi và vẫn chưa làm được hộ khẩu. Bố hy vọng con sẽ nhanh chóng trưởng thành. Trong tương lai, bố sẽ cố gắng làm lụng cho con một hộ khẩu ở Mỹ. Hộ khẩu Trung Quốc quá khó!
Theo Huyền Trang/Vnexpress