Bằng trí tuệ và nhiệt huyết của mình, Lê Thị An và Vũ Văn Bình đã có nhiều đóng góp cho đơn vị. Họ là hai trong số những “người thợ vàng” tham gia Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V - năm 2018.
Chị Lê Thị An bên vườn cao su được giao chăm sóc và lấy mủ. Ảnh: NVCC.
Cô thợ của những giải thưởng
Lê Thị An (sinh năm 1987, công nhân Nông trường cao su Nhà Nai Công ty Cổ phần cao su Phước Hòa, tỉnh Bình Dương) 15 năm nay đều đặn thức giấc lúc 2h30 sáng đi tới nông trường bắt đầu công việc. Dưới ánh sáng vừa đủ của đèn pin, chị khéo léo điều khiển dao cạo khía lên thân cao su cạo mủ.
“Thời gian đầu làm nghề tôi không ngừng học hỏi từ các anh chị công nhân khác và chăm chỉ làm tốt công việc của mình. Làm thời gian lâu thì càng gắn bó và yêu nghề cạo mủ cao su này hơn”, An chia sẻ.
Không ngừng học hỏi từ những đồng nghiệp, tay nghề của An ngày càng thành thạo. Lô cao su do An đảm nhiệm chăm sóc và lấy mủ cho nhiều sản lượng hơn những người khác. An cho biết, để vườn cây cho sản lượng nhiều, ngoài kỹ thuật tay nghề lúc cạo lấy mủ phải đẹp, không bị phạm sâu, phải chăm sóc tốt vườn cây.
Năm 2006, với tay nghề điêu luyện, An được tham gia thi tay nghề khai thác mủ cấp nông trường và giành giải Nhất, mở đầu cho những giải thưởng tại các hội thi tay nghề khai thác mủ cao su cấp cao hơn những năm sau này. Năm 2008, An đạt giải thí sinh trẻ xuất sắc nhất cấp công ty. Năm 2014, cô đoạt giải Nhì cấp công ty, giải Khuyến khích cấp tập đoàn.
Với những giải thưởng này, An đã có bộ sưu tập nhiều bằng khen, chứng nhận của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; giải thưởng “Thanh niên tiêu biểu ngành cao su” lần thứ 3; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại “Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Dương”. Năm 2016, An được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Người thợ trẻ giỏi toàn quốc.
“Điều quan trọng nhất khi tham gia các hội thi là thu nhận thêm nhiều kiến thức nâng cao trình độ, hiểu biết để phục vụ cho công việc của mình”, An nói.
“Chuyên gia” chọn việc khó
Vũ Văn Bình (sinh năm 1989) đã khiến nhiều người phải khâm phục khi sở hữu bộ sưu tập sáng kiến và chủ trì nhiều công trình nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp nhiều tỷ đồng cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel.
Nổi bật có nghiên cứu, lựa chọn thành công công nghệ cung cấp Internet băng rộng giúp Tập đoàn xây dựng một dịch vụ có chất lượng tốt, tạo ra ưu thế cạnh tranh lớn, trở thành nền tảng chính cung cấp dịch vụ Internet cho Tập đoàn. Hiện có hơn 3 triệu khách hàng sử dụng công nghệ này.
Hệ thống lõi cung cấp dịch vụ truyền hình (Headend) do Bình tự thiết kế là hệ thống đầu tiên được triển khai tại Viettel, giúp tiết kiệm toàn bộ chi phí thuê tư vấn thiết kế của đối tác nước ngoài, dự tính lên đến hơn 200 nghìn USD. Bình cũng là người đã phân tích, xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý lỗi gập ống lỏng chứa sợi quang khi thi công hạ tầng cố định, tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý lỗi cho hơn 2.000 nhân công kỹ thuật.
Vũ Văn Bình. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Một trong những sáng kiến Bình ấn tượng nhất liên quan đến việc lắp đặt cáp quang. Bình kể, cáp viễn thông thông thường có 24 sợi và trong đó có 4 ống lỏng, mỗi ống lỏng chứa 6 sợi quang. Khi thi công, công nhân kỹ thuật kéo hết một đoạn lại phải cắt sợi cáp đó ra và cắt luôn cả 24 sợi, nhưng lại chỉ dùng đúng 1 sợi để nối vào thiết bị cho khách hàng. Cách làm vừa tốn kém cho đơn vị vừa mất nhiều thời gian để hàn nối cáp nếu kéo cho nhiều tủ thuê bao, chưa kể còn làm suy hao tín hiệu.
“Bọn em tìm hiểu và nghĩ cách cải tiến các dây cáp hiện tại bằng cách giảm số sợi trong ống lỏng từ 6 xuống còn 2 và thực hiện phương pháp tách ống khi kết nối với tủ cáp. Phương pháp này đã giúp giảm chi phí thi công và tăng chất lượng dịch vụ. Kể lại thì đơn giản như vậy nhưng chúng em phải làm đi làm lại rất nhiều lần, đối mặt không ít thách thức trong suốt một năm trời mới tìm ra phương cách giải quyết”, Bình chia sẻ.
Nhiều lần đưa ra sáng kiến, ý tưởng giải pháp trong công việc, Bình không ít lần phải đối mặt với sự phản ứng từ các bộ phận khác trong đơn vị. Thậm chí có người còn nói thẳng với Bình: “Chẳng ai làm như thế. Cái này rồ à mà làm”. Đáp lại những phản ứng, Bình luôn giữ vững niềm tin “điều mình làm hiệu quả và mình sẽ làm, sẽ chứng minh”. Theo Bình, để ý tưởng thành sản phẩm và được ứng dụng phải có sự kiên trì. “Áp dụng thành công sáng kiến, sáng tạo của mình vào thực tế và mang đến giá trị lớn trong cuộc sống thì mới vỡ oà sung sướng”, Bình chia sẻ.
Với những thành tích, sáng kiến đóng góp làm lợi cho Tập đoàn, Vũ Văn Bình liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng, T.Ư Đoàn. Năm 2017, Bình vinh dự một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.
“Tôi cảm thấy rất vinh dự khi lần thứ hai được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ghi nhận khi trở thành đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Lần trước là được công nhận Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2016. Nghề công nhân cao su rất vất vả nhưng nó cũng mang lại nhiều niềm vui và vinh dự”. Chị Lê Thị An |
Theo Xuân Tường/ Tiền Phong