Chàng cử nhân công nghệ sinh học 33 tuổi ở Quảng Nam đã xây dựng mô hình 'cộng hưởng' độc đáo, giúp anh thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình cộng hưởng cà phê và rau sạch giúp anh Nhân thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm MẠNH CƯỜNG
Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Đà Nẵng từ năm 2009 và thử sức ở nhiều công việc khác nhau, cuối cùng Nguyễn Trịnh Nhân (33 tuổi, ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đã quay về với niềm đam mê nông nghiệp hữu cơ từ nhỏ.
Ý tưởng mở quán cà phê với mong muốn tạo nguồn rau sạch từ phương pháp thủy canh của anh mang cái tên rất Tây: Triet’s Coffee. Quán đặt ở đường Lê Thánh Tông (TP.Tam Kỳ), được bài trí nhẹ nhàng vườn rau thủy canh hơn 300 m2. Nhận thấy hệ thống trồng rau thủy canh ở Quảng Nam chưa nhiều, người dân chưa quen với hệ thống trồng rau sạch tại nhà nên Nhân tìm mọi cách quảng bá.
“Tôi nảy ra ý định mở quán cà phê rau sạch không chỉ để bán cà phê mà xem đó là "showroom" giới thiệu hệ thống trồng rau sạch. Khi khách tới uống cà phê, họ có thể dạo chơi ở vườn rau thủy canh và tự do chọn lựa rau sạch mua về dùng”, anh giải thích.
Khởi động mới gần nửa năm nay, nhưng Nhân tỏ ra rất thuần thục trong vận hành kỹ thuật trồng rau thủy canh hồi lưu. Hằng ngày, từ sáng sớm anh có mặt tại tiệm cà phê để chăm sóc rau. Anh trồng chủ yếu xà lách, cải bó xôi, rau dền, rau muống... Từng loại rau được niêm yết giá để khách thuận tiện lựa chọn.
“Đó là một không gian cộng hưởng. Rau sẽ giúp lôi kéo khách hàng đến uống cà phê, lượng rau tiêu thụ theo đó sẽ cao hơn. Còn "cà phê rau" sẽ đánh vào thị hiếu độc và lạ, tạo cơ hội cho khách tham quan, tìm hiểu. Từ đó họ có thể thay đổi tư duy về rau sạch”, anh tâm sự.
Hình thức kinh doanh cà phê kết hợp trồng rau thủy canh đã giúp anh có được thành công bước đầu. Mỗi ngày, anh bán ra thị trường khoảng 10 kg rau, chủ yếu bán lẻ cho khách uống cà phê, chưa kể khách đặt mua online giao hàng tận nhà. Khách tỏ ra ưa thích sản phẩm vì rau thủy canh được trồng theo quy trình khép kín, chất lượng có thể kiểm chứng.
Theo anh Nhân, rau thủy canh khác rau truyền thống thống ở chỗ được trồng bằng hơi nước và dùng dung dịch dinh dưỡng hòa vào nước để nuôi cây; từ khi lên giống cho đến khi bán ra thị trường mất hơn 40 ngày, nhưng mọi công đoạn đều tự động. "Phương pháp thủy canh không đơn giản, đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, chịu khó, thường xuyên chăm sóc rau. Mô hình mới lạ này rất hấp dẫn khách hàng. Dù mới áp dụng nhưng có thể đem lại nguồn thu hơn 300 triệu đồng/năm từ việc kết hợp bán cà phê và trồng rau", anh Nhân chia sẻ và tỏ ý sẽ mở rộng quy mô diện tích canh tác.
Theo Mạnh Cường/ Thanh Niên