Với nhiều người chiếc smartphone cùng 3G (hoặc 4G) và thú vui facebook là để giết thời gian, giải trí. Còn Nguyễn Văn Giỏi thì khác. Thanh niên 8x đời cuối này sử dụng smartphone với 3G Viettel làm homestay, du lịch cho hàng nghìn du khách muốn đến tham quan đảo Phú Quý – Bình Thuận với giá rẻ cùng trải nghiệm khác biệt.
Như hầu hết các sinh viên, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Giỏi (28 tuổi) bám trụ thành phố tìm việc làm, mong có cơ hội đổi đời, thoát khỏi hòn đảo lênh đênh trong hồi ức. Tuy nhiên, sau 2 năm bươn trải mà không kiếm được việc làm tốt, lại chẳng có gì vui, năm 2014, từ những đưa đẩy tình cờ, Giỏi theo tàu trở về quê hương làm du lịch homestay.
Biệt danh “Giỏi Phú Quý” có từ khi Giỏi về quê làm du lịch homestay
Quyết định dở người với chiếc smartphone
Năm 2014, “homestay” còn là một khái niệm gì đó xa lạ với người trên đảo. Với những ngư dân suốt ngày bán mặt cho biển, bán lưng cũng cho biển ấy, Giỏi là một kẻ gàn dở khi quyết định làm “homestay” đầu tiên ở đảo Phú Quý. Gia đình cậu cũng phản đối.
Vậy vì sao Giỏi tin mình làm được? Cậu nhớ lại, mấy năm trước, thông tin về đảo Phú Quý trên mạng rất ít. Nhiều người muốn ra đảo nhưng không phải ai cũng biết cách ra. Dịch vụ ở đảo khi đó còn nhiều hạn chế. Lịch tàu chạy thì không cố định, khách khó chủ động lịch trình. Trong khi đó, với Giỏi, Phú Quý là một hòn đảo thiêng, đẹp đẽ. Các đảo khác phát triển tốt về du lịch, tại sao Phú Quý lại không?
Chàng trai 8x đời cuối bắt đầu với việc lên mạng, tìm kiếm thông tin về cách làm homestay. Cậu tham khảo mô hình của người Thái, người Singapore rồi áp dụng homestay của mình. Nhớ lại những ngày đầu khó khăn ấy cho đến thời điểm hiện tại, Giỏi nói, cậu đã có nhiều trải nghiệm thú vị. Khi cậu tạo ra một hồi ức đẹp cho những kẻ lang thang, những vị khách đến với Phú Quý thì chính bản thân cậu cũng tạo ra hồi ức của riêng mình.
Ngoài khách trong nước, nhiều khách nước ngoài cũng biết đến Phú Quý thông qua trang fanpage Phượt đảo Phú Quý do Giỏi lập ra
Để quảng bá, cậu tạo ra fanpage “Phượt đảo Phú Quý”. Thời gian đầu tiên, đây gần như là “chiếc cầu duy nhất” nối liền những người ở đất liền hoặc những người sống ở các quốc gia khác với hải đảo này.
Song song với việc cập nhật lịch tàu chạy và thời tiết trên đảo để du khách có thể chủ động được lịch trình, Giỏi còn chịu khó viết bài, chụp ảnh những địa danh, thắng cảnh đẹp, giới thiệu ẩm thực, con người, phong tục, văn hóa Phú Quý đăng tải trên fanpage cũng như các diễn đàn du lịch, các trang mạng zalo, viber, instagram… Nhờ vậy mà thông tin về Phú Quý được nhiều người biết đến hơn.
Giỏi nói, chỉ cần một chiếc smartphone kết nối 3G Viettel, cậu có cả thế giới ngay cả khi sống ở đảo. Không giống như những người khác chỉ dùng smartphone để chơi facebook, 8x đời cuối này này dùng nó làm công cụ để kiếm sống.
Do công việc cần di chuyển liên tục, việc làm fanpage, cập nhật thông tin, ảnh, nhận đặt phòng và trả lời khách hàng… hoàn toàn được Giỏi thực hiện trên smartphone kết nối 3G Viettel. Giỏi chia sẻ, ở một hòn đảo tiền tiêu heo hút như Phú Quý, cơ hội tuyệt vời đến từ việc sóng 3G khỏe, phủ khắp mọi nơi, giúp cậu có công cụ làm việc mọi nơi, mọi lúc.
Hai vị khách quen thuộc của Homestay cô Sang
Đảo Phú Quý chỉ có diện tích 16,3 km2 nhưng Viettel đã có tới 4 trạm 4G, 5 trạm 3G và một trạm 3G khác ở Hòn Hải, cách đảo 32 hải lý. Số lượng trạm này đảm bảo phủ Internet băng rộng tới mọi người dân trên đảo. Trước đây là 3G, giờ đây là 4G, Viettel là nhà mạng đầu tiên phủ Internet băng rộng di động khắp hòn đảo ngọc.
Homestay cô Sang của Giỏi chứa tối đa 12 người. Với mức phí lưu trú 50.000 đồng/ngày, cộng với các dịch vụ thân thiện, nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của dân phượt khi đặt chân đến đảo Phú Quý. Vào mùa cao điểm, mỗi tuần, homestay của cậu chứa từ 3 nhóm người trở lên, mỗi nhóm nghỉ lại từ 2-3 đêm. Khách gần như gối nhau liên tục, không có chỗ trống. Trung bình, hằng năm, cậu đón khoảng 400 -500 lượt khách. Lắm khi quá tải, cậu phải rủ thêm bạn bè của mình cùng làm. |
Hiện tại, fanpage “Phượt đảo Phú Quý” của cậu có hơn 9.000 lượt like và theo dõi. Với nội dung thông tin hấp dẫn, Phượt đảo Phú Quý nằm trong Top 10 tìm kiếm về Phú Quý trên Google. Thông qua fanpage, hằng năm, có khoảng 2.000- 3.000 du khách đến đây.
Cậu muốn những người có nhu cầu khám phá Phú Quý thật sự sẽ tìm đến. Tất tật những thắc mắc chưa rõ về Phú Quý, chỉ cần để lại câu hỏi hoặc gửi tin nhắn trên Phượt đảo Phú Quý, nhóm của Giỏi sẽ thay nhau trả lời một cách nhanh chóng nhất mà không màng tới việc họ có ở homestay của mình hay không.
Giỏi chia sẻ, dù khách đông cỡ nào thì homestay của cậu cũng chỉ chứa tối đa được 12 người. Vì sao cậu lại phải làm một cái việc gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như vậy? Giỏi nói, cậu muốn nhiều người biết đến Phú Quý hơn mà thôi. Rõ ràng Phú Quý đẹp và cậu muốn “khoe” cái đẹp đó ra bên ngoài.
Giỏi trước cổng homestay của mình
Khi được hỏi, trải nghiệm của một người đi làm công ăn lương 2 năm ở TP. Hồ Chí Minh với việc về quê làm homestay với smartphone khác nhau thế nào? Giỏi cười và nói, cậu muốn đóng góp một chút nhiệt huyết tuổi trẻ của mình cho quê hương, và mong muốn, mình giữ được ý chí đó bền bỉ, lâu dài.
Cuối năm 2016, tại Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp”, Giỏi là đại biểu duy nhất của đảo Phú Quý (trong số 19 thanh niên toàn tỉnh) được Tỉnh đoàn Thanh niên Bình Thuận tuyên dương “Gương thanh niên tiêu biểu đã có những nổ lực, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên lập thân, lập nghiệp”.
Trong nửa cuối của tháng 11/2017, người ta nói nhiều đến những thành tựu sau 20 năm của Internet Việt Nam. Giữa nhiều câu chuyện về Internet, mẩu chuyện của Giỏi tuy nhỏ nhưng lại cho thấy một bước ngoặt mới của mạng toàn cầu. Giờ đây, chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối 3G hoặc 4G, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp và tạo ra thu nhập không chỉ cho bản thân mình.
Hạ tầng 3G và giờ đây là siêu tốc độ 4G cùng với những ứng dụng thiết thực trên mạng đã tạo ra vô số cơ hội cho người dùng mà trước đây rất ít người tin có thể thành hiện thực. Và nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp”.
Theo Đậu Dung/Dân Trí