Ngày cuối tuần, người trẻ cùng nhau làm một điều rất đặc biệt: đi "cai nghiện" nhựa.
"Phải cai thôi"
Vừa đọc xong những thông tin đáng báo động về tác hại của ô nhiễm nhựa được trích dẫn từ nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước tại dự án "Trại cai nhựa", Nguyễn Văn Huy (22 tuổi) ngụ tại P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM, được trải nghiệm kiểm tra độ "nghiện" nhựa của mình và kết quả là "nghiện" nặng.
Bạn trẻ khám phá đặc điểm của từng đồ dùng nhựa ẢNH: ANH LẠC
Huy nói: "Mình khá sốc. Không phải vì mức độ "nghiện" nặng của bản thân mà đa phần những bạn trẻ khi kiểm tra đều ra chung một kết quả. Điều đáng nói và khiến mình phải lưu tâm nhiều là những thông tin như trung bình mỗi người đang hấp thụ 5 gr nhựa mỗi tuần, tương đương khối lượng 1 chiếc thẻ tín dụng, mỗi năm là 250 gr tương đương khối lượng 1 chiếc bàn phím… Và khi vi nhựa tích tụ trong cơ thể sẽ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe".
Đứng nhìn thật lâu vào những cột thông tin với nội dung một túi nhựa mất trung bình khoảng 1 giây để vứt nhưng mất đến 20 năm để phân hủy, Huy cho biết vì sự tiện dụng của các túi ni lông nên nhu cầu sử dụng càng nhiều, nhưng từ nay chàng trai sẽ tập hạn chế và sử dụng những sản phẩm thay thế một cách phù hợp.
Bạn đi cùng Huy là Trương Hoàng Anh thì cho biết vì là sinh viên, ba mẹ ở quê thường gửi đồ ăn vào nên anh chàng hay tích trữ trong tủ lạnh để ăn dần. Nhưng thường Hoàng Anh sẽ bỏ vào từng bì ni lông rồi bảo quản trong tủ lạnh.
"Sau khi tham gia sự kiện, mình được nghe chia sẻ rất nhiều về tác hại của việc bảo quản thực phẩm không đúng cách và mình nghĩ ngay đến cái tủ lạnh ở phòng trọ. Trước giờ toàn dùng bao ni lông để đựng thực phẩm, nhưng giờ thì mình đã biết sử dụng các sản phẩm bao ni lông không chuyên dụng để lưu trữ thức ăn trong tủ lạnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, gây độc hại cho sức khỏe. Cũng như không phải loại nhựa nào cũng có thể dùng để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh", Hoàng Anh nói.
Nhiều người trẻ tự cam kết sẽ "cai" nhựa sử dụng một lần để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống ẢNH: ANH LẠC
Từ những trải nghiệm này, cả Hoàng Anh và Huy đều đồng ý: "Phải cai những loại nhựa sử dụng một lần thôi. Vì quá nhiều nguy hại".
Nguyễn Thị Thanh Thủy (28 tuổi), ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết vì chuẩn bị có kế hoạch sinh em bé nên bản thân rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe, đặc biệt là những ảnh hưởng từ môi trường sống đến thai nhi.
"Khi biết có sự kiện thú vị về trại cai nhựa này, mình dành thời gian nghỉ trưa để ghé đến tham gia. Điều mình mong muốn là có thể học hỏi được những mẹo hay trong việc sử dụng đồ nhựa đúng cách, cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm từ các bạn trẻ sống xanh để có lối sống lành mạnh và thân thiện với thiên nhiên hơn", Thủy nói.
Và sau một vòng trải nghiệm, Thủy ấn tượng nhất là không gian có treo những thông tin về ý nghĩa các ký hiệu trên đồ nhựa.
"Mình đã được biết thêm về từng ký hiệu sẽ cho chúng ta biết là đồ dùng đó thuộc loại nhựa nào, loại nhựa đó có đặc điểm ra sao, ở điều kiện nhiệt độ nào thì sẽ biến dạng, rồi khả năng có thể dùng lại nhiều lần hay không, cũng như khả năng để tái chế như thế nào… Đây đều là những thông tin rất bổ ích mà lần đầu mình được biết đến", Thủy chia sẻ và cho biết cũng học thêm được những cách tái chế nhựa để làm móc khóa, trang sức, vật dụng trang trí nhà cửa.
Nhiều người trẻ tự cam kết sẽ "cai" nhựa sử dụng một lần để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống ẢNH: ANH LẠC
Lúc đầu, Thủy có vẻ khá do dự khi tham gia ký cam kết trực tuyến rằng sẽ "cai" đồ nhựa sử dụng một lần, nhưng cuối cùng cô nàng đã ký. "Thực ra mình nghĩ cũng sẽ có lúc mình sử dụng vì có nhiều tình huống bất khả kháng thì cũng khó. Nhưng ít nhất, việc tự cam kết này để nhắc nhở bản thân sẽ ý thức hơn, cũng như hạn chế tối đa việc sử dụng các loại nhựa dùng một lần. Trước hết là để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân", Thủy nói và cho rằng mỗi người một hành động nhỏ thôi, nhưng cũng có thể thay đổi được một vấn đề lớn.
Cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần
Dự án "Trại cai nhựa" do Công ty TNHH không vì lợi nhuận Choice tổ chức, với mong muốn nâng cao nhận thức về tác hại của nhựa đối với sức khỏe và môi trường. Anh Trần Thanh Kim Tiền, phụ trách truyền thông của Choice, cho biết trước thực tế đáng báo động về ô nhiễm nhựa, dự án hướng đến mục tiêu khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần, góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững.
Theo anh Tiền, "cai nhựa" ở đây là những loại nhựa sử dụng một lần. Lấy ý tưởng từ mô hình phục hồi sức khỏe khỏi các thói quen xấu (như nghiện rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác hoặc thậm chí là đồ ngọt…).
Cùng kiểm tra mức độ "nghiện" đồ nhựa sử dụng một lần ẢNH: ANH LẠC
"Trại cai nhựa" nhấn mạnh tác hại của việc "nghiện" tiêu thụ nhựa sử dụng một lần và các giải pháp thực hành "cai nhựa" nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
"Trại cai nhựa" này đã thu hút rất đông người trẻ đến tham gia vì có những không gian trải nghiệm đa dạng, từ việc tự đánh giá mức độ "nghiện nhựa", khám phá thông tin về ô nhiễm nhựa, đến việc tự tay thử nghiệm các giải pháp "cai nhựa". Qua các trò chơi tương tác, tương ứng với mô hình 5R như "thay đổi nhận thức" (refuse - từ chối), "điều trị cắt cơn" (reduce - hạn chế/giảm tải), "liệu pháp lao động" (reuse - tái sử dụng) và "tái hòa nhập cộng đồng" (recycle - tái chế), người tham gia đã có những trải nghiệm thực tế và bổ ích, từ đó trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống xanh.
Nguyễn Gia Hân, sinh viên năm nhất Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, cũng khá hứng thú khi tham gia các trải nghiệm. Hân cũng như nhiều bạn trẻ khi đến đây đã "tậu" về những mẹo rất hay để giảm sử dụng nhựa. Như hạn chế đặt đồ ăn mang về; hạn chế sử dụng màng bọc thực phẩm bằng cách sử dụng màng bọc từ sáp ong hoặc hộp đựng dùng nhiều lần; lựa chọn sản phẩm có độ bền cao để giúp tăng thời gian sử dụng; đem theo bình nước, hộp đựng thức ăn cá nhân…
Hân chia sẻ: "Bản thân mình cũng rất quan tâm các vấn đề môi trường. Thường mình cũng có làm những cách để giảm thiểu nhựa như tái sử dụng. Mình thường tìm kiếm các sự kiện như thế này để tham gia với mong muốn học hỏi thêm các kinh nghiệm, cách làm hay và về áp dụng. Là một người trẻ, mình càng phải có ý thức và trách nhiệm hơn. Thiên nhiên là mẹ của con người, chúng ta sống phụ thuộc vào thiên nhiên, môi trường thì phải làm việc gì đó để có ích và bảo vệ môi trường".
Theo Anh Lạc/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/nguoi-tre-di-cai-nghien-nhua-185241116222059235.htm