9
/
171180
Câu nói của anh Lý Tự Trọng đã thôi thúc các thế hệ khát khao cống hiến
cau-noi-cua-anh-ly-tu-trong-da-thoi-thuc-cac-the-he-khat-khao-cong-hien
news

Câu nói của anh Lý Tự Trọng đã thôi thúc các thế hệ khát khao cống hiến

Thứ 6, 18/10/2024 | 13:15:00
2,005 lượt xem

Bước vào thời kỳ đổi mới, được tiếp lửa tinh thần cách mạng của Anh hùng Lý Tự Trọng - người đoàn viên đầu tiên của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, người trẻ ngày nay quyết tâm góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh.

Sáng 17.10, Thành đoàn TP.HCM và Trường Đoàn Lý Tự Trọng tổ chức tọa đàm "Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên".

Tham dự tọa đàm có ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM; anh Nguyễn Thái An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn…

Anh Lý Tự Trọng-Tấm gương ngời sáng của thanh niên Việt Nam

Trình bày tham luận tại tọa đàm, PGS-TS Hà Minh Hồng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, khẳng định tinh thần Lý Tự Trọng là tinh thần hăng hái và chủ động tham gia tất cả các hoạt động cách mạng được giao phó; là tinh thần trung kiên, bất khuất, không sợ hiểm nguy. Khi bị giam cầm, tra tấn ở Khám Lớn, Sài Gòn, trước tòa Đại hình năm 1931, câu trả lời đanh thép của Anh hùng Lý Tự Trọng như một lời "tuyên ngôn" cho thế hệ trẻ: "Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng và không thể có con đường nào khác".

Câu nói của anh Lý Tự Trọng đã thôi thúc các thế hệ khát khao cống hiến- Ảnh 1.

Các đại biểu tại tượng đài Anh hùng Lý Tự Trọng trong khuôn viên Trường Đoàn Lý Tự Trọng ẢNH: NỮ VƯƠNG

PGS-TS Hà Minh Hồng nhấn mạnh: "Anh hùng Lý Tự Trọng bất tử trong lòng dân tộc; tấm gương anh mãi sáng như ngọn đuốc dẫn đường cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Câu nói "con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng" được coi như kim chỉ nam để các thế hệ xung kích, tự nguyện, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, từ đó thôi thúc các thế hệ tiếp nối nhau. Thời dựng nền cộng hòa, con đường cách mạng của thanh niên là "xếp bút nghiên". Thời kháng chiến cứu nước, con đường cách mạng của thanh niên là "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai", nam nữ thanh niên ở hậu phương và tiền tuyến "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong"... Thời hòa bình xây dựng, con đường cách mạng của thanh niên là chiến thắng sự nghèo nàn, lạc hậu, là khám phá và chinh phục khoa học kỹ thuật, là đổi mới phát triển và hội nhập quốc tế.

"Ngày nay, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, con đường cách mạng của thanh niên là xây dựng nguồn lực chính để phát triển đất nước, mang trong mình sức khỏe, trí tuệ và sự sáng tạo vượt trội, phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, có khát vọng, lý tưởng cao đẹp, biết đấu tranh không khoan nhượng những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội. Những thế hệ thanh niên Việt Nam từ trước đến nay vẫn truyền cho nhau câu nói bất hủ "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng", truyền cho nhau cả khát khao đất nước độc lập tự do dân chủ, vươn mình lên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng", PGS-TS Hà Minh Hồng nhìn nhận.

Tại tọa đàm, ông Phạm Chánh Trực cho rằng bản chất "Con đường cách mạng" mà Anh hùng Lý Tự Trọng khẳng định trước hết đó là con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột và toàn thể loài người. Bản chất "Con đường cách mạng" đó là những trải nghiệm thực tế của Anh hùng Lý Tự Trọng trong cuộc sống của dân nghèo, trong lao động làm thuê của công nhân bị bóc lột, áp bức hằng ngày. Bản chất "Con đường cách mạng" đó là tinh thần quốc tế vô sản mà Anh hùng Lý Tự Trọng đã trực tiếp thể hiện khi tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, Trung Quốc. Bản chất "Con đường cách mạng" đó khẳng định "cách mạng bằng bạo lực" mà chính Lý Tự Trọng đã trực tiếp cầm súng đánh địch, bảo vệ cuộc diễn thuyết của đồng chí mình tại Sài Gòn.

Những thế hệ tiếp nối ngọn lửa anh hùng

Ông Hoàng Đôn Nhật Tân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn, cho rằng trong thời đại mới, học tập sáng tạo từ tấm gương anh Lý Tự Trọng là học tập những phẩm chất tốt đẹp của một người thanh niên ở những phẩm chất cao quý dũng cảm, gan dạ, mưu trí và dám đương đầu với những thử thách. Trong thời đại mới, những phẩm chất này còn được thể hiện bằng tinh thần xung kích, tự nguyện, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bằng các phong trào: lập nghiệp, khởi nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, phong trào tình nguyện vì cộng đồng, phong trào xây dựng lối sống xanh...

Câu nói của anh Lý Tự Trọng đã thôi thúc các thế hệ khát khao cống hiến- Ảnh 2.

Được tiếp lửa tinh thần cách mạng của Anh hùng Lý Tự Trọng, các bạn trẻ ngày nay cho biết quyết tâm góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh ẢNH: NỮ VƯƠNG

Từ điểm cầu Hà Tĩnh, chị Nguyễn Ny Hương, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, cho biết phát huy giá trị truyền thống văn hóa cách mạng và tinh thần Anh hùng Lý Tự Trọng, người trẻ Hà Tĩnh nỗ lực, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

"Bước vào thời kỳ đổi mới, được tiếp lửa tinh thần cách mạng của Anh hùng Lý Tự Trọng và các thế hệ tiền bối, cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên toàn tỉnh đã và đang nỗ lực hiện thực hóa lý tưởng, khát vọng bằng những việc làm sáng tạo, cụ thể, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo đóng góp vào tiến trình phát triển chung của tỉnh nhà. Bằng tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên", hằng năm, tuổi trẻ toàn tỉnh huy động nguồn lực xây dựng nhiều công trình thanh niên thiết thực, hiệu quả; tình nguyện hỗ trợ những địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo... Trong thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, màu áo xanh tình nguyện xung kích trên các tuyến đầu với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo...", chị Ny Hương chia sẻ.

Anh Nguyễn Công Khải, thành viên CLB Lý luận trẻ Thành đoàn, Phó chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng tinh thần anh hùng cách mạng của Lý Tự Trọng không chỉ là biểu tượng của lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả cho Tổ quốc mà còn là nguồn cảm hứng vô giá cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong bối cảnh thời đại mới, khi đất nước đang từng bước hội nhập và phát triển, việc kế thừa, phát huy tinh thần ấy là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết đối với mỗi thanh niên.

Để phát huy tinh thần anh hùng cách mạng Lý Tự Trọng đối với đoàn viên, thanh niên trong thời đại mới, anh Khải cho rằng cũng cần đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng theo hướng tích cực, sáng tạo và gần gũi với thực tiễn cuộc sống của thanh niên. Khai thác triệt để các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội để truyền tải thông điệp về tinh thần anh hùng cách mạng của Lý Tự Trọng một cách sinh động, dễ tiếp cận…

Những thế hệ thanh niên Việt Nam từ trước đến nay vẫn truyền cho nhau câu nói bất hủ "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng", truyền cho nhau cả khát khao đất nước độc lập tự do dân chủ, vươn mình lên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

PGS-TS HÀ MINH HỒNG, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM


Khai mạc Hội thi "Tự hào sử Việt"

Ngay sau tọa đàm, Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức khai mạc Hội thi "Tự hào sử Việt" năm 2024 với chủ đề: "Tự hào 50 năm Thành phố Anh hùng".

Vòng thi trực tuyến "Kiến thức lịch sử" dành cho đối tượng là đoàn viên, hội viên, thanh niên, đội viên, thiếu nhi được tổ chức 2 đợt thi, mỗi đợt diễn ra trong 7 ngày (từ 9 giờ thứ bảy đến 17 giờ thứ năm hằng tuần, công bố kết quả vào thứ sáu hằng tuần). Đợt 1 từ ngày 17 - 23.10. Đợt 2 từ ngày 24 - 30.10.

Vòng thi viết hiến kế "Lan tỏa sử Việt" dành cho các cá nhân yêu thích, tìm hiểu về lịch sử và có các dự án về lịch sử Việt Nam diễn ra từ ngày 17 - 30.10. Vòng chung kết dự kiến được tổ chức vào ngày 7.11.2024.

Theo Nữ Vương/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/cau-noi-cua-anh-ly-tu-trong-da-thoi-thuc-cac-the-he-khat-khao-cong-hien-185241017190559359.htm

  • Từ khóa

'Đại dịch' cô đơn không chỉ lây lan ở Hàn Quốc

"Đại dịch" cô đơn đang lan rộng tại Hàn Quốc, đặc biệt trong giới trẻ, với khoảng 70% số người dân ở xứ sở kim chi thường xuyên cảm thấy cô đơn.
14:48 - 02/12/2024
9 lượt xem

‘Chị chị em em’ nơi công sở: Biết ơn vì gặp được đồng nghiệp tốt, kể cả lúc rời công ty

Nhiều người ngán ngẩm, trở nên dè dặt và thận trọng sau những lần bị đồng nghiệp chơi xấu. Song cũng có một số người lại may mắn gặp được đồng nghiệp thực...
11:42 - 02/12/2024
103 lượt xem

Chi tiêu 'khi tuyệt vọng' coi chừng dẫn đến... 'tuyệt vọng'

Mua sắm vốn là một cách đối phó với căng thẳng. Nhưng các chuyên gia cảnh báo điều này có thể gây hại về tài chính lâu dài.
10:15 - 02/12/2024
129 lượt xem

Sống là để cống hiến

Dấn thân vào hoạt động cộng đồng là cách hiệu quả nhất để gen Z tăng cường hiểu biết về thế giới xung quanh.
10:46 - 01/12/2024
686 lượt xem

Văn hóa công sở: Ứng xử ra sao với đồng nghiệp cứ ‘bàn lùi'?

Môi trường làm việc sẽ như thế nào nếu làm chung với một đồng nghiệp hay phàn nàn, né tránh, đùn đẩy việc khó?
09:55 - 30/11/2024
1,271 lượt xem