9
/
171163
Đi làm để kiếm tiền, đồng nghiệp lại muốn... kiếm chuyện
di-lam-de-kiem-tien-dong-nghiep-lai-muon-kiem-chuyen
news

Đi làm để kiếm tiền, đồng nghiệp lại muốn... kiếm chuyện

Thứ 6, 18/10/2024 | 09:39:00
2,094 lượt xem

Nhiều bạn trẻ cho biết khi đi làm thì tình trạng như bị nói xấu, bắt nạt, môi trường toxic là cảnh gần như chỗ nào cũng có. Tùy vào mức độ và sức chịu đựng của mình tới đâu để quyết định cách xử trí phù hợp.

Đi làm bị ghét vì không… nói xấu đồng nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều người cho biết khá mệt mỏi và bức xúc vì bị nói xấu, bắt nạt ở nơi làm việc - Ảnh minh họa: UNPLASH

Một số người loay hoay tìm cách bước qua những lời nói xấu sau lưng của đồng nghiệp. Không muốn phân bua hay đáp trả lại, nhưng nếu im lặng thì hình ảnh cá nhân của mình bị ảnh hưởng.

Bắt nạt đủ chuyện, từ đúng thành sai

Mới đây, trên một hội nhóm về ngành khách sạn, một cô gái là nhân viên lễ tân của một khách sạn đã bày tỏ bức xúc và lo lắng khi cho rằng môi trường làm việc ở chỗ làm toxic (độc hại). Cô cho biết mình theo chủ nghĩa kiếm tiền chứ không kiếm chuyện. Thời gian đầu đi làm, mọi thứ khá tốt, nhưng dần về sau thì drama liên tục bủa vây, trong khi cô không biết mình sai điều gì.

"Ở đây chia phe chia phái cực kỳ. Đa số chọn phe mạnh để được chống lưng, còn tôi thì không. Tính tôi hơi khó gần và không biết nịnh, nên nhìn vô có thể thấy tôi như bị cô lập. Hầu hết tôi luôn bị kiếm chuyện, hết bị đồng nghiệp nói xấu, đơm đặt thì tới quản lý bắt bẻ từng tí.

Tôi rất kỹ tính, làm gì cũng kiểm tra kỹ lại, nhưng quản lý vẫn luôn tìm ra một cái gì đó để bắt bẻ", cô chia sẻ. Cô kể nhiều lúc rất nản lòng vì điều mình cố gắng làm tốt lại không được công nhận, thậm chí bị oan cũng không dám cãi lại vì "ở đây họ mồm mép ghê quá, nên tôi từ đúng cũng thành sai".

Cô cho rằng mình quá hiền nên mới trở thành tâm điểm bị bắt nạt ở chỗ làm. Hiện tại do chưa đủ tự tin sang nơi khác, cô vẫn làm việc tại khách sạn này và tiếp tục chịu đựng.

Cũng cùng cảnh ngộ trở thành tâm điểm bị bắt nạt vì không tham gia… nói xấu đồng nghiệp, Quỳnh Ngọc (24 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) kể hồi còn sinh viên có làm thêm tại một quán ăn, đa số nhân viên là nữ. "Tôi cảm giác chỗ này là phải tìm ra một người nào đó làm chủ đề nói xấu thì mới được", chị nói.

Ban đầu vào làm, Ngọc gần như không phản ứng gì khi nghe nhiều đồng nghiệp tụ tập nói xấu một người khác. Nhưng sau một thời gian, cô nhận ra từ lúc nào mình trở thành "nạn nhân" tiếp theo vì tội… không hưởng ứng drama.

"Ở đây, chủ hay nhân viên cũng đều tìm cách bắt nạt mình bằng lời nói. Mình làm gì cũng không vừa mắt họ, và luôn bị soi mói từng chút".

Đến khi ra trường, Ngọc xin vào làm việc tại một công ty về truyền thông. "Lúc đầu mọi người đều tỏ ra rất niềm nở. Nhưng khi thấy tôi có vẻ là năng lực cũng ổn nên họ (đồng nghiệp làm lâu hơn - PV) hay nghĩ mình sẽ lấn sân hoặc cướp dự án mà lâu nay họ phụ trách, họ không vui", cô nói.

Đi làm để kiếm tiền, đồng nghiệp lại muốn... kiếm chuyện - Ảnh 2.

Đối mặt với việc bị bắt nạt bằng lời nói hoặc hành động, có người im lặng chịu đựng, nghỉ việc, người khác chọn mặt đối mặt với kẻ bắt nạt mình - Ảnh minh họa: YÊN CHÂU

Ngọc cho hay người đồng nghiệp của mình chỉ là nhân viên, nhưng vì làm lâu năm, cũng có thành tựu nhất định trong công ty nên thường coi như mình quản lý, thường yêu cầu thực tập sinh hoặc nhân viên mới làm những điều vô lý, khi có sai sót thì đổ hết trách nhiệm. Nếu thấy ai còn quá trẻ mà làm được dự án "xịn", người này cũng tìm cách nói xấu.

Vốn tính ít tranh cãi, Ngọc chọn thôi việc sau nửa năm vì thấy không thể dung hòa với đồng nghiệp như thế được nữa. "Thấy không hợp thì đi thôi, gây với họ cũng không được gì", cô bày tỏ.

Bước qua hay nghỉ việc?

Ứng phó với việc bị bắt nạt ở chỗ làm, người lành tính chọn cách im lặng làm việc hoặc xin nghỉ, người chấp nhận "hùa" theo một phe phái nào đó để có… chỗ dựa ở công ty, người thì chọn cách cứng rắn đối mặt trực tiếp với kẻ hà hiếp mình, hay nhờ sếp giải quyết, thậm chí có trường hợp xảy ra xô xát.

Chị Dung (ở quận 7, TP.HCM) kể mình từng dốc lòng với đồng nghiệp vì nghĩ sẽ được đối đãi lại như vậy. Nhưng người đồng nghiệp xem đó là nghiễm nhiên và cứ thế lợi dụng. "Sau khi tôi rút lại hết, họ quay ra ghét và nói xấu tôi khắp nơi. Nhưng tôi không quan tâm", chị nói.

Theo anh Tuấn Huân, một khi đi làm thì gần như không có môi trường nào màu hồng, chỉ là ai hên thì gặp nơi ít toxic hơn mà thôi. "Môi trường nào cũng sẽ có kiểu ma cũ bắt nạt ma mới. Ráng mài giũa kỹ năng cứng mới không bị ai bắt nạt, còn nhắm không thể chịu nổi nữa thì nhảy việc, cân nhắc đổi ngành luôn nếu thấy không hợp", anh nhận định.

Nhiều người khác cho rằng nếu nói xấu sau lưng thì cứ mặc kệ, chỉ lo làm việc của mình, còn nếu bắt nạt trực tiếp thì sẽ đối chất và giải quyết rõ ràng.

"Dù chia phe phái, trong nội bộ phe đó vẫn nói xấu nhau. Vì vấn đề ở đây là họ thèm được nói xấu chứ không phải ở người bị nói xấu", anh Huân cho biết.

Còn anh Đức Huy nhận định: "Ở đâu cũng vậy thôi, đa phần những người hay nói xấu người khác là do họ yếu kém hoặc không được như mình. Họ đang tìm chỗ đổ "rác". Mình không nhận thì họ vẫn ôm, khi nào hết chỗ chứa thì họ tự buông thôi".

Theo Yên Châu/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/di-lam-de-kiem-tien-dong-nghiep-lai-muon-kiem-chuyen-20241013164707141.htm

  • Từ khóa

‘Chị chị em em’ nơi công sở: Biết ơn vì gặp được đồng nghiệp tốt, kể cả lúc rời công ty

Nhiều người ngán ngẩm, trở nên dè dặt và thận trọng sau những lần bị đồng nghiệp chơi xấu. Song cũng có một số người lại may mắn gặp được đồng nghiệp thực...
11:42 - 02/12/2024
79 lượt xem

Chi tiêu 'khi tuyệt vọng' coi chừng dẫn đến... 'tuyệt vọng'

Mua sắm vốn là một cách đối phó với căng thẳng. Nhưng các chuyên gia cảnh báo điều này có thể gây hại về tài chính lâu dài.
10:15 - 02/12/2024
105 lượt xem

Sống là để cống hiến

Dấn thân vào hoạt động cộng đồng là cách hiệu quả nhất để gen Z tăng cường hiểu biết về thế giới xung quanh.
10:46 - 01/12/2024
665 lượt xem

Văn hóa công sở: Ứng xử ra sao với đồng nghiệp cứ ‘bàn lùi'?

Môi trường làm việc sẽ như thế nào nếu làm chung với một đồng nghiệp hay phàn nàn, né tránh, đùn đẩy việc khó?
09:55 - 30/11/2024
1,243 lượt xem

Khởi nghiệp với... lò đốt vàng mã lọc khói, lọc bụi mịn

32 dự án vào chung khảo được chọn từ 461 dự án tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2024 (Trung ương Đoàn) không chỉ cho thấy khát...
15:00 - 29/11/2024
1,687 lượt xem