Các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đang có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực do già hóa dân số. Trong khi đó, VN có nguồn lao động dồi dào, có trình độ và kỹ năng nghề. Đây sẽ là cơ hội cho nhiều thanh niên sang các nước thuộc khu vực EU làm việc trong thời gian tới.
Thị trường tiềm năng, thu nhập cao
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong những năm gần đây, thị trường châu Âu luôn được đánh giá là thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có thanh niên VN, sang làm việc. Các nước EU đang có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực do già hóa dân số, chủ yếu làm việc ở các ngành cơ khí, đóng tàu, ô tô, y tế, dịch vụ nhà hàng - khách sạn, nông nghiệp... 6 quốc gia đang cần nhiều lao động từ VN là Đức, Hy Lạp, Phần Lan, Romania, Hungary và Ba Lan, với nhu cầu khoảng 50.000 lao động/năm. Ngoài ra, một số thị trường mới ở châu Âu cũng đang có nhu cầu đối với lao động VN như Slovakia, Serbia...
Đại diện công ty phía Romania kiểm tra tay nghề, phỏng vấn lao động trước khi sang làm việc ẢNH: LMK
Tại Romania, hiện có khoảng 2.600 lao động VN đang làm việc, chủ yếu trong ngành cơ khí, xây dựng, mộc, may công nghiệp và thực phẩm. Mức lương cơ bản của người lao động từ 750 - 1.000 USD/tháng (chưa bao gồm lương làm thêm ngoài giờ). Tại thị trường Ba Lan, từ năm 2018 đến nay các doanh nghiệp VN đưa khoảng 1.400 lao động sang làm việc, với các ngành nghề chủ yếu là thợ hàn, thợ xây, thợ sơn, công nhân chế biến thực phẩm, vệ sinh công nghiệp, thợ làm bánh…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan cho hay: "VN và các nước châu Âu có quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Lĩnh vực hợp tác này mang lại lợi ích to lớn cho mỗi nước. Các nước EU có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao để bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt do già hóa dân số. Đối với VN là nước có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp".
Đánh giá về lợi thế của VN trong hợp tác lao động với các nước EU, ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Sona, nhìn nhận: "Quan hệ song phương giữa VN và các nước EU đều tốt đẹp, mang lại nhiều cơ hội phát triển hợp tác lao động. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại EU cũng đã có hơn 40 năm phát triển, điều này làm nền tảng vững chắc để mở rộng thị trường. Các nước EU đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trên diện rộng; so với các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, các nước EU không hạn chế thời gian làm việc và cho phép cư trú dài hạn, thậm chí một số nước cho phép đưa gia đình sang; điều kiện làm việc hiện đại, phúc lợi xã hội tốt, đảm bảo quyền lợi, đã thu hút nhiều lao động chất lượng cao".
Với thế mạnh của VN là dân số trẻ, người lao động thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và các nước trong khối EU có nhu cầu tiếp nhận, sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài thì hợp tác lao động giữa VN và các nước EU tiếp tục được đẩy mạnh, sẽ có nhiều hơn nữa thanh niên VN sang các nước thuộc khu vực EU làm việc. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan |
Theo ông Nguyễn Đức Nam, châu Âu đang là điểm đến của nhiều lao động VN với nhiều loại hình ngành nghề việc làm có thu nhập tốt, đặc biệt là cơ khí, xây dựng, chăm sóc sức khỏe. Một số thị trường tiềm năng có mức thu nhập tốt như: Ba Lan thu nhập từ 700 - 1.000 EU/tháng, hợp đồng 2 năm và có thể gia hạn; Hungary có thu nhập từ 1.300 - 3.000 EU, việc làm thêm nhiều; Lithuania được đánh giá là thị trường tiềm năng với mức thu nhập từ 1.200 - 2.500 EU...
"Công ty Sona đã đưa hơn 600 lao động đi làm việc ở các thị trường lớn tại EU như: Romania, Hungary, Lithuania… Tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ đưa 600 - 800 lao động sang thị trường này, trong đó mở rộng đưa lao động có tay nghề cao sang các nước Pháp, Đức, Áo... Đây là cơ hội cho lao động trẻ VN phát triển bản thân, gia nhập thị trường lao động có thu nhập và chất lượng cao. So với nhiều thị trường châu Á tại thời điểm này, châu Âu là thị trường tiềm năng để người lao động cân nhắc và lựa chọn", ông Nam chia sẻ.
Tháo gỡ "điểm nghẽn"
Mặc dù châu Âu là thị trường tiềm năng, lao động VN luôn được các nước khu vực này đánh giá cao về tính thông minh, chăm chỉ, khả năng thích ứng nhanh, hiệu quả đảm bảo công việc, song theo các doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ. Ông Nguyễn Đức Nam cho biết: "Khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện nay là việc xin visa vào các nước EU. Một số nước tỷ lệ đậu visa 40 - 50%, thời gian xử lý visa từ 8 - 10 tháng. Điều này khiến nhiều lao động chán nản, bỏ cuộc".
Chia sẻ thêm về khó khăn này, bà Phùng Thị Lan Anh, Tổng giám đốc Công ty LMK, bày tỏ: "Chúng tôi có thể tìm kiếm nguồn lao động chất lượng sang châu Âu, tuy nhiên thời gian xin visa đi làm việc ở nước ngoài rất lâu, từ 8 tháng đến 1 năm, có những thị trường hơn 1 năm. Người lao động phải chờ đợi thời gian dài, trong khi chủ sử dụng đang rất cần lao động. Nếu có giải pháp nào đó để giảm bớt thời gian xin thị thực, visa vào các nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động và cho doanh nghiệp nước bạn tuyển dụng lao động".
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Hiệp hội xuất khẩu lao động VN, để vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động, vừa tạo cơ chế cho doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, cần phải có giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn". "Hiện nay người lao động đang thiếu thông tin về các chính sách lao động và nhu cầu lao động của từng quốc gia. Chúng ta cần thông tin rõ để người lao động biết về nhu cầu từng ngành nghề, lĩnh vực, công việc cụ thể ra sao; yêu cầu về trình độ tay nghề, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ ở mức độ nào. Bên cạnh đó, cần thông tin cho người lao động biết về thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn từng loại visa, các quy định pháp luật, thủ tục, cơ chế các nước tiếp nhận...", ông Liêm nói.
Nhằm tận dụng thị trường tiềm năng, ông Nguyễn Đức Nam kiến nghị: "Bộ LĐ-TB-XH cần thúc đẩy ký kết các hiệp định hợp tác lao động song phương và đa phương với khung pháp lý rõ ràng nhằm hỗ trợ quá trình tuyển chọn, phái cử lao động tốt hơn; cải thiện quy trình cấp visa, rút ngắn thời gian chờ đợi. Các cơ quan chức năng cần thẩm định kỹ các đối tác, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; các cơ quan chính quyền cần phối hợp trong việc ngăn ngừa tình trạng lao động bỏ trốn tại châu Âu".
Để hoàn thiện khung pháp lý trong hợp tác lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho lao động VN, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan cho biết thời gian qua Bộ đã báo cáo Chính phủ, với sự hỗ trợ của các bộ liên quan đã đàm phán với các nước về thỏa thuận hợp tác lao động với các nước châu Âu. Hiện các bản thỏa thuận hợp tác với các nước như Đức, Ba Lan, Hy Lạp, Hungary đã cơ bản hoàn thành; các nước khác đang tiếp tục đàm phán.
Liên quan đến việc cấp visa cho lao động, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã đề nghị cơ quan đại diện các nước tại VN tạo thuận lợi trong việc đăng ký, phỏng vấn và cấp visa cho người lao động đi làm việc trong thời gian tới. "Với thế mạnh của VN là dân số trẻ, người lao động thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và các nước trong khối EU có nhu cầu tiếp nhận, sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài thì hợp tác lao động giữa VN và các nước EU tiếp tục được đẩy mạnh, sẽ có nhiều hơn nữa thanh niên VN sang các nước thuộc khu vực EU làm việc. Họ sẽ là những nhịp cầu nối góp phần làm bền chặt hơn mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa VN với các nước", ông Hoan nhấn mạnh.
Theo Thu Hằng/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/mo-rong-co-hoi-cho-thanh-nien-sang-lam-viec-tai-chau-au-185241016194656954.htm