Nhiều ý kiến cho rằng trong thời đại công nghệ số, khi thông tin tràn lan và dễ dàng tiếp cận, khả năng tập trung của người trẻ ngày càng giảm dần. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và làm việc mà còn tác động đến chất lượng cuộc sống.
Mất tập trung do cách làm việc thiếu khoa học
Đinh Nguyễn Hoàng Quân (22 tuổi), ngụ tại xã Đông Hòa, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cho biết thường xuyên bị mất tập trung khi ngồi vào bàn học tập hoặc làm việc. "Nhiều khi mình không thể tập trung quá 10 phút, vì tâm trí cứ nghĩ đến chuyện này chuyện kia. Đầu óc cứ lơ lửng trên mây khiến mình cáu kinh khủng. Đặc biệt là những thông tin mình vừa xem trên mạng xã hội. Hoặc đôi khi gặp bạn bè, mình toàn suy nghĩ về công việc, không quan tâm đến việc họ nói gì. Có lúc còn lơ đãng hơn là vừa để đồ ở đó… một xíu nữa lại không nhớ để ở đâu", Hoàng Quân bộc bạch.
Đinh Nguyễn Hoàng Quân ẢNH NVCC
Nguyễn Kim Chi (22 tuổi), hướng dẫn viên du lịch, ngụ tại P.Tăng Sơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cũng đang gặp vấn đề thường xuyên xao nhãng vì thời gian tập trung của Chi tối đa chỉ rơi vào khoảng 5 phút. Kim Chi nói: "Những yếu tố tác động đến sự tập trung của mình bao gồm việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều và áp lực công việc. Đôi khi, muốn đọc một cuốn sách mà không thể rời khỏi chiếc điện thoại được".
Kim Chi cũng dần nhận thấy chất lượng các mối quan hệ và công việc ngày càng không đúng như bản thân kỳ vọng. Khi cô hướng dẫn viên du lịch này thường nhớ nhớ quên quên những gì mình nói. "Nhiều khi mình đang nói chuyện với khách nhưng tự nhiên quên ngang vấn đề đang nói, mình phải lái sang một lĩnh vực khác. Khoảng 10 phút sau, mình nhớ lại rồi tiếp tục kể cho khách nghe câu chuyện còn bỏ dở", Kim Chi nói.
Kim Chi cũng phải bật cười với chính mình, khi bản thân thừa nhận việc sử dụng mạng xã hội khiến cô mê man nhưng khi làm những công việc khác thì không bao giờ duy trì việc tập trung lâu được.
Nguyễn Kim Chi ẢNH: NVCC
Nguyễn Thị Cẩm Tiên (23 tuổi), ngụ tại P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cũng không thể để đầu óc "chìm đắm" vào một công việc nhất định.
Cẩm Tiên chia sẻ: "Về tâm lý thì mình là một người rất sợ bị bỏ lại phía sau, mình mong đạt được những thứ như các bạn, không muốn là kẻ thất bại và nghĩ bản thân sẽ làm được nếu có cố gắng nên thường xuyên bị cuốn vào công việc, không dám nghỉ ngơi. Việc làm liên tục cũng khiến mình mất tập trung".
Về công việc, Cẩm Tiên thừa nhận bản thân không sắp xếp kế hoạch, lịch trình cụ thể nên cứ làm việc này mà nhớ đến việc kia. Cách làm việc thiếu khoa học khiến cô gái này thấy khó khăn trong vấn đề tiến độ hoàn thành sản phẩm.
Chia sẻ thêm về việc sử dụng mạng xã hội, Cẩm Tiên bộc bạch: "Do công việc khiến mình tham gia khá nhiều nhóm nên tin nhắn cứ đến liên tục. Làm công việc tự do nên cũng chẳng sợ sếp dòm ngó nên đôi lúc mình kiểm tra tin nhắn trong vô thức và bị cuốn đi hàng giờ đồng hồ".
Nguyễn Thị Cẩm Tiên ẢNH NVCC
Là người rất tập trung khi chơi game và xem review phim, có khi từ trưa đến tối và sử dụng điện thoại nhiều tiếng đồng hồ một ngày. Nhưng khi bắt tay vào việc học, Nguyễn Trường Quốc, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cảm thấy khó khăn khi phải duy trì trong khoảng thời gian nhất định. Trường Quốc tâm sự: "Nhiều khi ngồi học mình cứ nghĩ về những hình ảnh game trong đầu. Mình không thể tập trung được".
Mất tập trung gây ra nhiều vấn đề. Chính điều này khiến cho Hoàng Quân gặp khó khăn trong các quyết định hoặc thực hiện những việc phức tạp. Thường xuyên mắc lỗi dù bạn không cố ý và đã cố gắng hết sức.
Còn Kim Chi cũng cảm thấy đau đầu về việc "lơ tơ mơ" của mình. "Mình là một… cú đêm, có lẽ sự uể oải do thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và không thể toàn tâm toàn ý làm việc gì. Những lúc như vậy, mình cực kỳ khó chịu với bạn bè xung quanh. Vấn đề này kéo dài khiến mình luôn trong trạng thái bị stress, cáu gắt và khó chịu vô cùng", Kim Chi tâm sự.
Cẩm Tiên bộc bạch: "Mình nghĩ hậu quả lớn nhất khi thiếu tập trung đó là bản thân mất khá nhiều thời gian. Vì đáng lẽ ra công việc mình làm khi tập trung chỉ tốn khoảng 1 giờ đồng hồ là xong thì phải làm đến 3, 4 giờ đồng hồ mới xong".
Điều khiến Cẩm Tiên hụt hẫng là việc cô nàng không cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn trong cuộc sống và khi làm việc. "Như mình đã nói việc thức khuya rồi lờ đờ vào ban ngày, luôn kiểm tra tin nhắn liên tục… khiến cảm thấy bản thân đang không sống cho hiện tại", Cẩm Tiên kể.
Dành cho mình thời gian nghỉ ngơi, hạn chế sự căng thẳng
Tiến sĩ Ngô Tích Linh, nguyên Trưởng bộ môn tâm thần, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, chia sẻ: "Những vấn đề về sự tập trung hiện nay của mọi người thường bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như việc sử dụng mạng xã hội và các thú vui tiêu khiển, game… Việc sử dụng mạng xã hội nhiều có thể làm người dùng bị nghiện. Cảm giác thỏa mãn tức thời mà mạng xã hội mang lại thực sự có thể khiến nhiều người khó tập trung vào những công việc đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì hơn".
Có phải người trẻ ngày càng mất tập trung? ẢNH: LƯU NGUYÊN PHƯƠNG
"Bên cạnh đó, người mắc các vấn đề về trầm cảm, lo âu hiện nay cũng rất khó có thể duy trì sự tập trung. Đồng thời, do yêu cầu của xã hội ngày càng cao, nhiều người trẻ chọn làm việc đa nhiệm cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này", tiến sĩ Ngô Tích Linh nói.
Theo tiến sĩ Ngô Tích Linh, đôi khi mất tập trung có thể là dấu hiệu của một bệnh lý. Nếu gặp vấn đề mất tập trung ảnh hưởng nhiều đến công việc, gia đình và giao tiếp thì cần phải đi khám. Khi đó, người bệnh mới có thể nhận ra vấn đề của mình là gì. Từ đó mới có cách chữa trị phù hợp.
Để làm giảm vấn đề mất tập trung, tiến sĩ Ngô Tích Linh khuyên: "Mỗi người cần xây dựng cho mình một lối sống khoa học, biết sắp xếp rõ ràng, có thể sử dụng công cụ nhắc nhớ để tập trung giải quyết công việc tốt hơn. Có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý. Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, không sử dụng rượu bia, trò chuyện nhiều hơn với bạn bè thay vì sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt, phải dành cho mình thời gian nghỉ ngơi, hạn chế sự căng thẳng, có được tinh thần thoải mái sẽ giúp bản thân dễ tập trung hơn".
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nguoi-tre-ngay-cang-mat-tap-trung-185240912163239591.htm