Hôn nhân không hạnh phúc đã là bi kịch. Người trong cuộc biết không hạnh phúc nhưng tiếp tục đắm chìm trong trạng thái "dùng dằng nửa ở nửa đi" là một bi kịch nữa...
Chị Kiều Minh (40 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) lộng lẫy, tươi tắn khoác tay chồng sánh bước trong đám cưới của bạn thân. Nhưng khi tàn tiệc, suốt quãng đường về nhà, họ im lặng.
Gương vỡ khó lành
Chồng chị Minh là con trai thành phố, mất 2 năm để theo đuổi chị, một cô gái quê miền Trung. Thời gian đầu hôn nhân, chồng chị ngọt ngào, lãng mạn, mỗi lần cả nhà đi mua sắm hay du lịch, anh hào hứng mang lỉnh kỉnh túi xách, đồ chơi cho mẹ con chị thoải mái tung tăng. Sự chăm lo gia đình chu đáo của anh khiến hàng xóm, bạn bè ai cũng ngưỡng mộ, nói chị Minh có phước khi lấy được chồng tử tế.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho thấy đa số người tham gia khảo sát giữ quan điểm truyền thống, cho rằng gia đình phải có bố mẹ và con. Có nhiều người cố duy trì tình trạng chung nhà dù sự yêu thương, tôn trọng đã biến mất. |
Một tối 5 năm trước, chị phát hiện chồng ngoại tình. Đáp lại sự thất vọng của vợ, anh lạnh lùng nói đã hết yêu chị, song sẽ không ly hôn vì danh dự trước bạn bè và thể diện tại công ty.
Chị Minh không muốn cảnh tan vỡ ảnh hưởng hai con nên tìm cách níu kéo. Chị cũng thẳng thắn hỏi chồng bản thân chị thiếu sót những gì, rồi thay đổi cách ăn mặc, giao tiếp, đổi món ăn chiều chồng song không có kết quả. "Có lúc tôi muốn làm lớn chuyện nhưng không đủ can đảm, sợ mọi người xung quanh phán xét. Bây giờ, chúng tôi sống chung nhà nhưng như người dưng" - chị Minh kể.
Khác với chị Minh, chị Tú Ân (46 tuổi; sống tại quận Phú Nhuận, TP HCM) lại "công khai" với người quen rằng vợ chồng không còn tình cảm nhưng cũng vì tránh ảnh hưởng tâm lý con cái, họ không ly hôn.
Hôn nhân đi vào ngõ cụt, nhiều cặp vợ chồng chỉ xem nhau như “bạn chung nhà”. Minh họa AI: ANH VŨ
Nói về chuyện hai người, chị Ân cho hay sau hơn 20 năm sống chung, vợ chồng chị bỗng thấy "chán nhau", cảm xúc chai sạn, không có nhu cầu ngọt ngào nhưng cũng không ghen tuông. Để tránh xáo trộn, chị và chồng quyết định tiếp tục sống chung nhà, không can thiệp cuộc sống của nhau, cố gắng nuôi dạy hai con đến hết đại học rồi dựng vợ gả chồng. Bạn bè nhiều lần khuyên ly hôn nhưng chị vẫn quyết sống vậy, bởi theo chị, mục tiêu cuộc đời là con cái có tương lai tốt nhất.
Với vợ chồng anh Minh Vũ (44 tuổi; quận Bình Thạnh, TP HCM), nhiều năm qua cũng chỉ xem nhau như "bạn chung nhà". Họ thống nhất tiền ai người đó giữ, sinh hoạt gia đình, nuôi con đi học thì chia công bằng, không can thiệp vào cuộc sống riêng của nhau. Chờ khi con tốt nghiệp đại học thì đường ai nấy đi. Theo anh Vũ, hôn nhân bắt đầu nguội lạnh hồi anh làm ăn thua lỗ, chủ nợ liên tục đến quấy rối còn vợ thì bỏ về nhà ngoại ở. Sau đó, anh gồng gánh trả hết. Quá thất vọng về người bạn đời nên anh chọn sống như bây giờ. "Dù mệt mỏi khi hôn nhân đi vào ngõ cụt nhưng tôi chưa muốn kết thúc. Nhiều lúc tôi tự hỏi có nên ly hôn sớm hay không, song khi nhìn thấy ánh mắt trong trẻo, vô lo của con, tôi đành gác lại ý định" - anh Vũ trầm ngâm.
Tôn trọng lẫn nhau
Theo chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, nhiều người chọn không ly hôn dù hết tình cảm vì sợ con cái chứng kiến cha mẹ đường ai nấy đi. Lý do nữa là "đối phương" có kinh tế tốt sẽ bảo đảm cho người còn lại và con; không ly hôn thì tài sản không phân tán; hoặc công việc cần hình ảnh, quan hệ xã hội nên nhiều lúc phải dẫn nhau đi cùng.
Tuy nhiên, thực tế, sống trong cuộc hôn nhân chỉ còn "cái vỏ", vợ hoặc chồng dù cố gắng tỏ ra bình thường nhưng trong lòng ai cũng đều rất mệt mỏi. Con cái chứng kiến cha mẹ như vậy cũng buồn chán, mất động lực học tập, trầm cảm...
"Ngày càng nhiều tình trạng vợ chồng chán nhau, thậm chí có mối quan hệ cảm mến với người khác nhưng vẫn sống chung nhà. Họ sống với nhau như người bạn, phân chia công việc chung, chăm sóc con cái" - chuyên gia Mai Thanh Thủy nhận xét. Theo vị chuyên gia này, nếu đã hôn nhân nguội lạnh, thì không nên níu kéo.
Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên (TP HCM) cũng thừa nhận có tình trạng dù không hạnh phúc, không còn tình cảm nhưng một số vợ chồng chấp nhận trong cam chịu. Sự chung giường nhưng khác cảm xúc này còn gọi là "hôn nhân trắng", dẫn tới hệ lụy cuộc sống thiếu cảm thông, chia sẻ. Về lâu dài, không chỉ gây tổn hại cho chính họ mà còn cả những đứa con, bởi cha mẹ hòa thuận thì con cái mới thấy ấm áp, nếu không thì ngược lại.
Để hướng tới hạnh phúc trọn vẹn, trước khi bước vào hôn nhân cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, trang bị những kỹ năng cơ bản nhất… Đặc biệt, nếu hôn nhân bắt đầu nhen nhóm mâu thuẫn, cả hai người phải bình tĩnh, gạt bỏ cái tôi để tìm tiếng nói chung.
Cũng theo chuyên gia, không điều gì quý giá hơn với con cái nếu cha mẹ hạnh phúc. Để làm được, cả hai cần cải thiện bản thân và trung thực về hành vi. Khi giao tiếp với nhau, hãy nghĩ về những gì sắp nói khi trao đổi với người kia. Cần trao đổi, giao tiếp bằng mắt và chủ động lắng nghe.
Thể hiện sự tôn trọng có thể khiến những cảm xúc đã mất sẽ quay trở lại. Tuyệt đối không dùng những lời mỉa mai, xúc phạm. Cuối cùng, nếu cả hai đều có tư duy cầu tiến nhưng chưa biết khởi động lại cảm xúc từ đâu, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/khi-hon-nhan-roi-vao-bi-kich-196240824175111502.htm