Nguồn gốc câu "thi rớt về anh nuôi" xuất phát từ video được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội rất lâu rồi, nhưng cứ đến mùa thi, cụ thể là những ngày gần đây lại viral (lan tỏa) khắp mạng.
Tưởng chừng giúp xoa dịu áp lực thi cử, câu nói trên có thể khiến một bộ phận nữ giới cảm thấy khó chịu khi diễn ra không đúng thời điểm, tình huống. Trong hoàn cảnh người yêu vừa trải qua một kỳ thi không như mong đợi, các chàng nên động viên thế nào cho tinh tế?
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 THÁI SƠN
Khi hỏi cảm thấy thế nào nếu người lạ an ủi mình bằng câu nói này, Lý Kỳ Phương, học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5 (TP.HCM) cho biết việc phụ thuộc vào ai đó không có trong "từ điển" của em. Vừa nhận kết quả không mấy ưng ý từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Phương rất "dị ứng" những lời an ủi kiểu này. Em đang cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng hoặc sẵn sàng chờ thêm một năm nữa để tiếp tục thử sức.
Tương tự, Nguyễn Mai An (23 tuổi), thí sinh tự do, cho biết: "Đa số những người nói câu này thường là người lạ trên mạng. Nếu là bạn bè, người quen họ sẽ biết cách an ủi tế nhị hơn, chẳng ai dại "khoét sâu" vào nỗi đau của người khác". Cũng theo thí sinh này, câu nói lãng mạn nhất cô nhận được từ bạn trai khi lâm vào hoàn cảnh khó là: "Anh chờ được".
Nguyễn Phạm Phong, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) giải oan cho "đồng đội": "Thực tế các bạn muốn an ủi nhưng không nghĩ ra được câu từ nào hài hước, tích cực để "kéo" tinh thần người kia lên".
Lời động viên cần xuất phát từ hiểu biết về hoàn cảnh, tình huống THÁI SƠN
Nguyễn Anh Quân, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bày tỏ: "Nhiều khi chỉ muốn gây chút chú ý, ấn tượng để chia sẻ của mình tạo được ấn tượng với mọi người trên mạng. Thế mà "cố quá thành quá cố", động viên vui vẻ không đúng chỗ lại thành vô duyên".
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ðào Lưu, Trường ĐH Văn Lang, lời động viên mang hàm ý khích lệ người khác và chính nó cũng thể hiện sự đồng cảm sâu sắc, chân thành dành cho đối phương. Thế nhưng, động viên không khéo rất dễ gây ra những tình huống khó xử trong giao tiếp. Điều đó, càng giống bạn đang chê cười thậm chí "diễn" cho người khác xem.
"Lời động viên cần xuất phát từ hiểu biết về hoàn cảnh, tình huống, đặt mình vào vị trí đối phương để cảm nhận và chia sẻ. Chẳng hạn, khi các bạn nữ vừa nhận kết quả thi không tốt, nam giới nên thể hiện sự tiếc nuối, chia sẻ để vực dậy tinh thần, tin tưởng vào những hướng đi khác, điểm thấp không có nghĩa là mọi cánh cửa đã khép lại. Đôi khi, động viên không cần phải nói mà bằng hành động cụ thể như một cái nắm tay, vỗ vai, đi dạo…", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ðào Lưu nói.
TheoThanh niên
https://thanhnien.vn/thi-rot-ve-anh-nuoi-loi-dong-vien-tuong-lang-man-nhung-khien-cac-nang-tat-mang-185240720101736902.htm