9
/
166622
Những cô giáo 'siêu nhân'
nhung-co-giao-sieu-nhan
news

Những cô giáo 'siêu nhân'

Thứ 4, 10/07/2024 | 15:29:00
1,942 lượt xem

Đó là những cô giáo của các trẻ em mắc bệnh bại não, thuộc dự án 'Chăm con cho mẹ đi làm'. Ở lớp học đặc biệt này, các phụ huynh có con bị bệnh có thể yên tâm gửi gắm để tiếp tục công việc thường ngày…

Tinh thần "thép"

Không quy định giờ đến lớp, không có số lượng học sinh cố định, không có bất kỳ một nội quy chung..., lớp học thuộc dự án "Chăm con cho mẹ đi làm" trên đường Đê La Thành (Hà Nội) vẫn được duy trì trong suốt hơn 1 năm qua. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, giáo viên không chỉ dạy học mà còn trở thành người mẹ, người thân để chăm sóc trẻ em mắc bệnh bại não.

Những cô giáo 'siêu nhân'- Ảnh 1.

Cô Nguyễn Vũ Thu Thuỷ, chủ nhiệm lớp, đọc truyện cho các em nghe TRANG NHUNG

Các học sinh của lớp tuy độ tuổi khác nhau, mỗi người một thể trạng nhưng nhận thức đều như một em bé sơ sinh. Thay vì nghêu ngao đếm số, học chữ như các bạn đồng trang lứa, các em chỉ có thể nằm yên một chỗ, không biết ngồi, cũng chẳng biết đứng.

Chị Nguyễn Vũ Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp, là một "bà mẹ siêu nhân" khi đã có hơn 12 năm chăm sóc con trai mắc bệnh bại não. Nhớ lại thời khắc con được 10 tháng tuổi, cầm trên tay giấy chẩn đoán bị bại não từ bác sĩ mà lòng chị đau đớn đến xót xa.

Nén nỗi đau, kể từ ngày đó, chị Thủy quyết định rời quê cùng chồng lên thủ đô để con được tập vật lý trị liệu, tập phục hồi chức năng. Chị dành toàn bộ thời gian cho con trai, tập trung chăm bẵm những lúc con đau ốm.

"Tôi không dám bệnh, bởi sợ nếu bệnh sẽ không chăm sóc được cho con. Do đó, việc được đi ra ngoài, được đi chơi, làm đẹp có lẽ là điều xa xỉ. Nhiều lúc nhìn vào gương, tôi không còn nhận ra chính mình", chị Thủy tâm sự.

Cùng hoàn cảnh, nên chị Thủy thấu hiểu những nỗi vất vả của các bà mẹ có con mắc chứng bệnh bại não. Hay tin có dự án "Chăm con cho mẹ đi làm", chị đã mạnh dạn đăng ký đảm nhận việc chăm sóc các con.

Thời điểm đó, chị Thủy nhận về nhiều lời đàm tiếu, cho rằng bản thân bao đồng, chăm con mình chưa tốt đã lo chăm con cho người khác. Nhưng chị bỏ ngoài tai mọi lời thiên hạ, bởi nhận thức được giá trị đến từ việc xây dựng một lớp học cho trẻ bại não, vừa giúp trẻ sớm hòa nhập, phụ huynh cũng giảm bớt áp lực để tiếp tục công việc mưu sinh.

Những cô giáo 'siêu nhân'- Ảnh 2.

Cô Quỳnh Anh bên những học sinh đặc biệt TRANG NHUNG

Hiện ở lớp dự án "Chăm con cho mẹ đi làm" có 2 cô giáo đứng lớp là chị Thủy và chị Quỳnh Anh. Thời gian đầu, các cô giáo "siêu nhân" gặp khá nhiều khó khăn để giao tiếp và chăm sóc những đứa trẻ đặc biệt. Mỗi học sinh có một mức độ bệnh lý và chế độ ăn khác nhau, nên phải thật sự ghi nhớ, lưu ý để tránh nhầm lẫn.

Tuy vậy, theo thời gian, việc chăm trẻ trở nên thuận lợi, suôn sẻ hơn. Các em cũng bắt đầu hào hứng tham gia nhiều hoạt động bổ ích như tập múa hát, đọc truyện do các cô thiết kế. Mỗi lần nghe phụ huynh khoe con về nhà đã nhanh nhẹn, "nhiều trò" hơn, các cô giáo lại ngập tràn niềm hạnh phúc.

"Tôi coi học sinh như con của mình, nên rất vui mừng khi thấy các bé phát triển từng ngày. Tôi và cô Quỳnh Anh hay đùa nhau, chắc do các cô "vía" tốt nên em nào đến học cũng trở nên ngoan ngoãn, nghe lời. Có thời điểm, các con không chịu ngồi vào ghế hỗ trợ, các cô giáo phải ôm con vào lòng suốt mấy giờ đồng hồ, vỗ về con nín khóc. Qua đó cũng giúp các cô rèn luyện tinh thần "thép" và sự kiên trì", chị Thủy kể.

Hạnh phúc khi thấy con tiến bộ từng ngày

Hằng ngày, chị Phan Hạnh (Nghệ An) lại gửi gắm bé Bông (4 tuổi) ở lớp học của dự án "Chăm con cho mẹ đi làm". Gia đình chị có 3 người con, chồng ở quê với 2 con lớn lo kinh tế, chị Hạnh đưa Bông lên Hà Nội nương nhờ mái ấm gần bệnh viện để điều trị.

Chị Hạnh chia sẻ, bé Bông mắc bệnh bại não bẩm sinh. Ngay khi con mới ra đời được 1 tháng, chị đã nhận thấy Bông không phát triển giống trẻ em bình thường. Đến khi tròn 5 tháng, các triệu chứng của bệnh mới phát triển rõ rệt.

Những cô giáo 'siêu nhân'- Ảnh 3.

Chị Phan Hạnh ngập tràn hạnh phúc khi thấy bé Bông tiến bộ mỗi ngày TRẠNG NHUNG

Đã làm mẹ thì khi nghe đến hai từ "bại não", ai cũng đều cay đắng và xót xa. Có một quãng thời gian, chị Hạnh rơi vào trầm cảm và tưởng chừng không thoát ra được. Dần dà, thấy con lớn lên, đáng yêu, vui vẻ, chị cố gắng vượt qua nỗi đau và đồng hành cùng con.

Là lao động tự do nên chị Hạnh luôn trong tình thế trực chờ 24/7, có công việc là phải đi ngay. Từ khi biết đến lớp học, chị đã có thể giải quyết nỗi lo "gửi con ở đâu", "ai có thể chăm sóc con chu đáo" để yên tâm làm việc.

"Các cô giáo ở lớp chăm học sinh cẩn thận; đồ ăn hay môi trường học vô cùng sạch sẽ. Cô Thủy cũng là "mẹ siêu nhân" nên hơn ai hết có thể thấu hiểu và biết cách chăm sóc một đứa trẻ đặc biệt theo hướng tốt nhất", chị Hạnh cho hay.

Chị Đặng Thị Trang (H.Đan Phượng, Hà Nội), phụ huynh bé Thiện (4 tuổi) đã gắn bó với lớp học đặc biệt từ những ngày đầu. Với chị, được biết đến các cô giáo chính là "cơ duyên" may mắn, để bản thân có thể tiếp tục công việc mưu sinh, kiếm tiền chữa trị cho con.

Chị Trang cho biết từng thử gửi con ở các cơ sở giáo dục tư nhân nhưng đều bị từ chối. Trường nào đồng ý nhận thì chỉ được 1 tiếng cô giáo đã gọi mẹ đến đón về. Nhiều lúc, chị không tránh khỏi tủi thân khi bắt gặp ánh mắt kỳ thị của các phụ huynh khác, bởi lo sợ Thiện sẽ gây hại đến con họ.

Từ khi đi học với các bạn ở lớp cô Thủy, Thiện ngoan ngoãn và nghe lời hơn. Thay vì bắt mẹ bế không rời tay như trước, giờ bé đã biết tự chơi, tự ăn ngoan và không mè nheo đòi mẹ.

"Có thể những việc đó với phụ huynh khác rất bình thường, nhưng với những người mẹ hoàn cảnh như tôi thì đó là cả một niềm hạnh phúc. Bởi tôi biết, để đạt được điều đó là sự nỗ lực không ngừng của cả con, cô giáo và mẹ. Đi làm mệt thế nào, chỉ cần đến lớp nhìn thấy nụ cười và sự tiến bộ của con từng ngày, tôi đã vô cùng hạnh phúc", chị Trang bày tỏ.

Bại não là một dạng khuyết tật vận động nặng nề nhất trong các dạng khuyết tật. Theo số liệu thống kê của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV), hơn 95% số trẻ bại não là thành viên của hội (gần 4.500 trẻ) cần có sự hỗ trợ hoàn toàn từ người chăm sóc trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Với mong muốn san sẻ nỗi vất vả cùng các gia đình, để các mẹ có con là trẻ bại não được tận hưởng nhịp sống bình thường như bao người mẹ khác, một dự án đặc biệt mang tên "Chăm con cho mẹ đi làm" được Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam triển khai từ tháng 1.2023 đến nay. Kinh phí duy trì hoạt động của lớp học do sự đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp và các mạnh thường quân.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/nhung-co-giao-sieu-nhan-185240709191930206.htm 

  • Từ khóa

Hơn 200 câu chuyện truyền cảm hứng về công tác xã hội

Sáng 2.12, Báo Thanh Niên và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam (thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) tổ chức Lễ tổng kết và trao...
16:11 - 02/12/2024
284 lượt xem

'Đại dịch' cô đơn không chỉ lây lan ở Hàn Quốc

"Đại dịch" cô đơn đang lan rộng tại Hàn Quốc, đặc biệt trong giới trẻ, với khoảng 70% số người dân ở xứ sở kim chi thường xuyên cảm thấy cô đơn.
14:48 - 02/12/2024
311 lượt xem

‘Chị chị em em’ nơi công sở: Biết ơn vì gặp được đồng nghiệp tốt, kể cả lúc rời công ty

Nhiều người ngán ngẩm, trở nên dè dặt và thận trọng sau những lần bị đồng nghiệp chơi xấu. Song cũng có một số người lại may mắn gặp được đồng nghiệp thực...
11:42 - 02/12/2024
391 lượt xem

Chi tiêu 'khi tuyệt vọng' coi chừng dẫn đến... 'tuyệt vọng'

Mua sắm vốn là một cách đối phó với căng thẳng. Nhưng các chuyên gia cảnh báo điều này có thể gây hại về tài chính lâu dài.
10:15 - 02/12/2024
426 lượt xem

Sống là để cống hiến

Dấn thân vào hoạt động cộng đồng là cách hiệu quả nhất để gen Z tăng cường hiểu biết về thế giới xung quanh.
10:46 - 01/12/2024
991 lượt xem