9
/
166282
Khởi nghiệp không như là mơ
khoi-nghiep-khong-nhu-la-mo
news

Khởi nghiệp không như là mơ

Thứ 4, 03/07/2024 | 08:45:00
2,118 lượt xem

Bên cạnh không ít người trẻ khởi nghiệp thành công thì cũng có khá nhiều trường hợp thất bại. Đâu là những lý do khiến nhiều người phải sớm rời khỏi thương trường?

"Dẹp tiệm" sau 1 tháng

Chị Đường Thị Ngọc (31 tuổi), ngụ H.Đức Trọng, Lâm Đồng, cho biết đã stress suốt nửa năm qua vì khởi nghiệp thất bại.

Khởi nghiệp không như là mơ- Ảnh 1.

Chị cho biết từng đọc thông tin có doanh nghiệp ở Thụy Sĩ bán những chai chứa không khí được thu ở dãy Alps (trải dài ở 8 quốc gia châu Âu) và "ăn nên làm ra". Nên vào cuối tháng 12.2023, chị quyết định khởi nghiệp bằng cách kinh doanh… không khí Đà Lạt (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng).

Chị thuê mặt bằng trên đường Phù Đổng Thiên Vương, TP.Đà Lạt, để mở tiệm bán những túi không khí của thành phố này. Những sản phẩm như: túi không khí Đà Lạt, túi không khí Hồ Xuân Hương, túi không khí chợ đêm Đà Lạt… được bày bán trực tiếp tại cửa hàng lẫn trực tuyến trên mạng xã hội… có giá từ 15.000 - 25.000 đồng/túi tùy loại.

Cũng trong quãng thời gian đó, túi không khí Đà Lạt trở thành trend (xu hướng), được nhiều người kinh doanh, nên chị Ngọc nói "chắc như đinh đóng cột" với gia đình rằng dự án khởi nghiệp sẽ thành công.

Bên cạnh việc in hàng loạt túi với số lượng lớn, chị cũng chi nhiều tiền để mua các chai đựng. Cả túi, chai đều được thiết kế, in ấn bắt mắt.

Tuy nhiên, điều không ngờ đã xảy ra. Dù tự tin sản phẩm độc lạ, mang dấu ấn của Đà Lạt, quà kỷ niệm không đụng hàng… nhưng chị đã thất bại. "Tôi dẹp tiệm sau 1 tháng", chị Ngọc kể.

"Lý do là vì những sản phẩm ấy đã tạo tranh cãi trên mạng xã hội. Bị nhiều ý kiến đánh giá tiêu cực là: vớ vẩn, tào lao… Tôi rút ra kinh nghiệm là không phải thứ gì người khác kinh doanh khả thi thì mình làm theo cũng thành công. Khởi nghiệp với sản phẩm không thiết thực thì khó tồn tại", chị Ngọc cho hay.

Tưởng "sống thọ" nhưng "chết yểu"

Bất kỳ ai khi khởi nghiệp cũng có niềm tin sẽ thành công, việc kinh doanh sẽ thuận lợi, phát triển. Tuy nhiên "đời không như là mơ". Có những người trở thành "ông chủ", "bà chủ" trong thời gian ngắn ngủi, sau đó trở thành "con nợ".

Đinh Thị Thanh Phượng (24 tuổi), làm việc tại một công ty xây dựng trên đường Vũ Huy Tấn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng làm "bà chủ" được gần 4 tháng. Giữa năm 2023, Phượng có ý tưởng thực hiện những món đồ từ chất liệu nhựa nhân tạo tổng hợp - epoxy resin; từ bàn ăn, đồng hồ treo tường, hộp đựng đồ trang điểm cho đến khung ảnh, kệ sách… Phượng đều làm từ hóa chất công nghiệp.

Để có tiền mua nguyên liệu và phục vụ quá trình sản xuất, Phượng rủ thêm đồng nghiệp hùn vốn khởi nghiệp. Cả nhóm 3 thành viên lập fanpage, chạy quảng cáo, đồng thời liên tục cho ra đời những sản phẩm bằng chất liệu epoxy resin.

Theo Phượng, trên thị trường hiếm nơi kinh doanh những sản phẩm từ chất liệu nhựa nhân tạo tổng hợp, nên tin rằng ít đối thủ cạnh tranh. Nhưng "người tính không bằng trời tính", vài trăm sản phẩm được "trình làng" rơi vào tình cảnh ế ẩm, không người mua. Những đồng nghiệp, bạn bè thân quen chỉ khen "trông rất đẹp", "nhìn lạ mắt"… chứ chẳng ai mua ủng hộ.

Phượng nói: "Mình thất bại vì sai lầm trong việc khảo sát thị trường. Mình tưởng đi theo thị trường ngách sẽ dễ thành công, nhưng nhóm mình đã sa vào cái ngách mà… không ai thấy".

Cô gái này nói thêm: "Mình nhận ra một bài học cực kỳ đắt giá, tiêu tốn hơn 120 triệu đồng. Là khi khởi nghiệp, hãy bán sản phẩm mà khách hàng cần chứ không phải bản thân cần".

Hà Văn Trang (26 tuổi), ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM, từng bỏ việc lương cao để khởi nghiệp với dự án "A lô là có". "Nghĩa là khi khách hàng có nhu cầu mua bất kỳ sản phẩm nào thì mình cũng có thể cung ứng. Dễ hiểu hơn, "A lô là có" giống như kênh phân phối tất tần tật các mặt hàng cho khách. Nhưng rồi dự án ấy không "sống thọ". Mình bỏ cuộc, dừng chuyện khởi nghiệp sau một thời gian rất ngắn", Trang kể.

Theo Trang, nguyên nhân khiến chuyện khởi nghiệp rơi vào ngõ cụt là vì không có chiến lược kinh doanh bài bản, chỉ "đụng đâu bán đó". "Và nhất là mình chưa tìm hiểu nhiều về kiến thức khởi nghiệp nên tưởng việc buôn bán dễ dàng", Trang nói thêm.

Anh Đặng Công Hòa (34 tuổi), ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết từng khởi nghiệp với nước mía. Từ thức uống quen thuộc, anh Hòa cùng cộng sự đã biến tấu thành những món khá lạ khi trộn lẫn nước mía với chanh dây, mật ong, dâu tây…

Thương hiệu nước mía "mix" (kết hợp) của anh Hòa từng để lại ấn tượng với những thực khách trẻ. Tuy nhiên thương hiệu này hiện đã bị "xóa sổ", dù có những thời điểm bán được khoảng 400 - 500 ly/ngày.

"Nội bộ không cùng quan điểm, chí hướng kinh doanh nên những thành viên khác rút vốn. Một mình tôi không thể lèo lái dự án khởi nghiệp như trước đây. Cái kết là tôi phải trả mặt bằng, bán lại tất cả đồ đạc".

Dưới góc nhìn của gen Z có những thành công trong khởi nghiệp, Nguyễn Hoàng An Khương (26 tuổi), người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH The Greenmart Vietnam (TP.HCM), cho rằng mặc dù người trẻ khởi nghiệp sở hữu những "điểm cộng" như sôi nổi, nhiệt huyết, dám thử thách bản thân… nhưng đa phần thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên dễ thất bại. "Bên cạnh đó, tính nóng vội, thiếu sự chuẩn bị kể cả ở đội ngũ, mơ hồ trong định hướng chiến lược, khả năng quản trị yếu kém cũng khiến mô hình kinh doanh gặp khó", Khương nói.

Giám đốc gen Z này chia sẻ thêm: "Trong thời gian đầu khởi nghiệp, khả năng duy trì nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn là rất quan trọng khi sản phẩm, dịch vụ chưa được thị trường đón nhận. Khi đó, lợi nhuận không thể cân đối được tất cả các chi phí nên bắt buộc phải có nguồn vốn dự phòng. Tuy nhiên nhiều người không có sự chuẩn bị. Mặt khác, giai đoạn đầu thường thiếu nhân sự, dẫn đến việc yêu cầu mỗi thành viên phải đa nhiệm, thao tác nhiều công việc không thuộc chuyên môn. Từ đây khiến hiệu suất công việc không mấy hiệu quả… Chính những điều này sẽ vô tình dẫn đến câu chuyện thất bại".

Sơn Ngọc Hân (27 tuổi), ngụ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, từng là người sáng lập dự án khởi nghiệp đưa đón trẻ. Cuối năm 2022, Hân đã lập hẳn công ty để phát triển dự án này, đồng thời mở ứng dụng trên Play Store và App Store. Hân kể thật: "Thời gian đầu chạy thử, được người quen ủng hộ nhiều nên tưởng sẽ thành công. Không ngờ là sau đó chỉ trụ được khoảng 7 tháng và nhận… thất bại toàn tập".

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/khoi-nghiep-khong-nhu-la-mo-185240702193538069.htm 

  • Từ khóa

Hơn 200 câu chuyện truyền cảm hứng về công tác xã hội

Sáng 2.12, Báo Thanh Niên và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam (thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) tổ chức Lễ tổng kết và trao...
16:11 - 02/12/2024
295 lượt xem

'Đại dịch' cô đơn không chỉ lây lan ở Hàn Quốc

"Đại dịch" cô đơn đang lan rộng tại Hàn Quốc, đặc biệt trong giới trẻ, với khoảng 70% số người dân ở xứ sở kim chi thường xuyên cảm thấy cô đơn.
14:48 - 02/12/2024
324 lượt xem

‘Chị chị em em’ nơi công sở: Biết ơn vì gặp được đồng nghiệp tốt, kể cả lúc rời công ty

Nhiều người ngán ngẩm, trở nên dè dặt và thận trọng sau những lần bị đồng nghiệp chơi xấu. Song cũng có một số người lại may mắn gặp được đồng nghiệp thực...
11:42 - 02/12/2024
411 lượt xem

Chi tiêu 'khi tuyệt vọng' coi chừng dẫn đến... 'tuyệt vọng'

Mua sắm vốn là một cách đối phó với căng thẳng. Nhưng các chuyên gia cảnh báo điều này có thể gây hại về tài chính lâu dài.
10:15 - 02/12/2024
439 lượt xem

Sống là để cống hiến

Dấn thân vào hoạt động cộng đồng là cách hiệu quả nhất để gen Z tăng cường hiểu biết về thế giới xung quanh.
10:46 - 01/12/2024
1,009 lượt xem