Giữa biển trời Trường Sa với thiên nhiên khắc nghiệt, những người lính tuổi đôi mươi đã chọn lắng nghe tiếng gọi của Tổ quốc, hiên ngang canh giữ vùng lãnh thổ máu thịt thiêng liêng.
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân (trái) - chính ủy Vùng 4 Hải quân - gặp gỡ, động viên những người trẻ đang công tác ở quần đảo Trường Sa - Ảnh: HÀ THANH
Đã có người nói vui rằng Trường Sa chỉ có hai mùa: mùa khát mưa nắng cháy như thiêu da đốt thịt và nối tiếp bằng những ngày gió lớn quăng quật.
Nếu ai đã một lần đến Trường Sa chắc sẽ khó quên hình ảnh những người lính trẻ đứng gác ngay khi đặt chân lên đảo. Rồi đi đâu cũng có thể bắt gặp những gương mặt lính trẻ trên mỗi hòn đảo thân yêu.
Họ đang cống hiến tuổi xuân đời mình giữ bình yên giữa khơi xa. Dẫu thời bình, mỗi người lính càng không được lơ là, thiếu cảnh giác. Và biển đảo chưa lúc nào thôi sóng gió.
Được ra Trường Sa bảo vệ chủ quyền đất nước với mỗi bạn trẻ tuổi đôi mươi là điều rất đỗi tự hào. Đi để thấy mình càng thêm yêu, có trách nhiệm và phải ra sức bảo vệ Trường Sa cũng là giữ gìn bình yên cho Tổ quốc. Hạ sĩ TRẦN GIA KIỆT |
Cơ hội một lần trong đời
Trên chuyến tàu ra nơi đầu sóng ngọn gió, người lính trẻ biết bao lần phải gắng gượng chống lại cơn say mỗi khi con sóng bạc đầu chực chồm lên mạn tàu. Anh chỉ mong càng sớm nhìn thấy hòn đảo nơi mình sẽ đến càng tốt.
"Đó là chuyến đi đặc biệt nhất trong chuyến tàu thanh xuân đời mình" - binh nhất Phạm Quang Phú (21 tuổi, quê Nam Định) nhắc lại kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ.
Từ nhỏ, Phú đã mê màu áo lính của cha. Tình yêu ấy cứ lớn dần trong trái tim của con trai theo mỗi câu chuyện cha kể về cuộc sống quân ngũ, về tình đồng chí đồng đội mà cha đã cùng mọi người vượt thắng bao gian khổ. Ở tuổi 20, Phú đặt chân đến Trường Sa, làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn.
Những tháng ngày trên đảo, người lính trẻ tếu táo rằng ai cũng nhuốm "đặc sản đảo xa" với làn da ngăm đậm màu nắng gió. Phú nói mình còn góp nhặt được nhiều hơn thế. Phú quen với cuộc sống quân ngũ nề nếp sinh hoạt chỉn chu, kỷ luật giờ giấc cùng những trải nghiệm có một không hai. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất chính là "Không phải bạn trẻ nào cũng có cơ hội một lần trong đời như những chiến sĩ Trường Sa" như Phú nói.
Hết mùa bão nổi, đảo lại đón những ngày nắng như thiêu đốt, gần như nối tiếp nhau. Phú thích nhất mỗi khi cùng đồng đội ngồi dưới tán cây rợp mát với những câu chuyện không đầu không cuối mà giúp nhau vơi đi nỗi nhớ nhà.
Mỗi khi có dịp gọi điện về đất liền, Phú hào hứng kể cho gia đình, nhất là mấy đứa bạn thân nghe về cuộc sống nơi đảo xa. Và không lần nào Phú quên nhắn với theo: "Nếu có cơ hội hãy ra đảo một lần để hiểu được cuộc sống ở nơi này nhé. Tuổi trẻ của chúng ta hãy cứ đi, cứ cống hiến hết mình".
Những người lính tuổi đôi mươi đang làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn - Ảnh: HÀ THANH
Làm dày trang nhật ký đời mình
Ở đảo Sinh Tồn, hạ sĩ Trần Gia Kiệt thường có thói quen viết nhật ký. Những trang nhật ký tuổi đôi mươi gói ghém bao tình cảm, nỗi nhớ gia đình, người yêu và nhớ cả những con hẻm thân thương của Sài Gòn. Tự nhận mình già trước tuổi, sớm biết lo toan, sắp xếp công việc, cuộc sống, Kiệt kể mỗi lần được phép gọi điện về sẽ phân chia thời gian, một nửa nói chuyện với gia đình, nửa còn lại dành để tâm tình với bạn gái.
"Nhiều ngày coi thời sự thấy Sài Gòn mình đẹp quá cũng nhớ lắm chứ. Mỗi lần nhớ nhà lại đợi tới ngày nghỉ để xin phép gọi về hỏi thăm gia đình, chứ nhớ Sài Gòn chỉ còn mỗi cách xem thời sự, báo chí thôi" - Kiệt cười.
Ngoài trang nhật ký, anh bộ đội người TP Thủ Đức (TP.HCM) ấy làm bạn với những mầm xanh ở vườn ươm mỗi ngày. Tự tay cuốc đất, trồng rau, tưới tắm cho cây dù công việc ấy ở đảo chẳng dễ dàng gì trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết giữa biển cả. Nhưng luôn có đồng đội cùng giúp đỡ nhau, chẳng ai nề hà gì.
Dự kiến cuối năm nay Kiệt sẽ hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền. Anh nói ngày rời đi sẽ nhớ lắm hòn đảo thân thương này. Sẽ nhớ từng gốc cây xanh, từng rạn san hô, mà có lẽ nhớ nhất mỗi lúc hoàng hôn buông xuống trên biển. Kiệt bảo sẽ kể cho bạn bè nghe Trường Sa đẹp thế nào, về câu chuyện cha anh đã hy sinh xương máu để xây dựng và bảo vệ đảo ra sao.
Trung tá Hoàng Đức Chiến - chính trị viên đảo Sinh Tồn - chia sẻ ở đảo vẫn thường tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách ở thư viện. Vào các dịp lễ kỷ niệm sẽ triển khai luyện tập, thi đấu nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho bộ đội trên đảo.
Với chiến sĩ mới, các bạn sẽ được huấn luyện, hướng dẫn từ việc đi lại, sinh hoạt đến hiểu về địa hình, khí hậu, thời tiết ở đảo. Và huấn luyện các nội dung đảm bảo an toàn, yêu cầu khi thực hiện nhiệm vụ trên đảo là điều quan trọng nhất.
"Những cán bộ đã nhiều năm công tác ở đảo luôn gần gũi, sâu sát, lắng nghe tâm tư, tình cảm của anh em để kịp thời động viên. Kết hợp trò chuyện với gia đình, chỉ huy các cấp để anh em tin tưởng, yêu mến đơn vị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao" - chính trị viên đảo Sinh Tồn nói.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tuoi-doi-muoi-giua-bien-troi-truong-sa-song-mot-thoi-tuoi-tre-dang-gia-2024062009502031.htm