Ở tuổi 34, anh Trần Đức Lập (Phó chủ tịch Hội Nông dân TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) mày mò tìm hiểu công nghệ và giúp hàng trăm người dân vùng cao lấy lại tài khoản bị đánh cắp để tiếp tục buôn bán trực tuyến.
Cử nhân kế toán làm nghề "tay trái"
Anh Trần Đức Lập sinh ra ở H.Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), từ năm 1995 cùng gia đình chuyển lên TT.Khe Sanh (H.Hướng Hóa) để làm kinh tế mới, đến năm 2015 thì định cư tại TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa.
Tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân kế toán, nhưng anh Lập vì nhiều lý do khách quan chưa bao giờ làm việc đúng chuyên môn. Anh trải qua nhiều công việc mưu sinh như trồng cà phê, hồ tiêu, thậm chí làm thợ điện và phụ hồ xây nhà.
"Nhiều người quen còn bảo tôi là "thợ đụng", nghĩa là đụng việc gì làm việc đó, miễn kiếm ra tiền trang trải cuộc sống. Nhưng bản thân luôn có sẵn năng lượng tìm tòi học hỏi, cái gì không biết cũng phải cho biết mới thôi, có lẽ vì thế mà giờ nghề tay trái của tôi khá nhiều", anh Lập nói.
Không học chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng anh Lập lại có năng khiếu về mảng này BẢO KHÁNH
Hiện nay, anh là Phó chủ tịch Hội Nông dân TT.Lao Bảo. Vợ chồng anh cũng có 1 cửa hiệu quần áo, chuyên bán hàng trực tuyến để cải thiện thêm thu nhập gia đình. Cửa hiệu áo quần trực tuyến của vợ chồng anh có lượng tương tác mua bán tốt lên theo từng ngày…
Anh Lập chia sẻ trong khi kênh áo quần trực tuyến của anh đang hoạt động phát triển rất tốt, bỗng nhiên bị chặn tương tác và xóa trang, mất luôn cả tài khoản.
"Khi chuyện kinh doanh diễn ra rất suôn sẻ lại gặp chuyện không may, hai vợ chồng rất lo lắng. Cứ nghĩ thế này thì mất luôn việc làm, cả nguồn thu nhập và để kết nối lại các mối tương tác cho shop như cũ thật là quá khó", anh Lập nói.
Người kinh doanh trực tuyến ở Lao Bảo cần sự hỗ trợ của anh Lập BẢO KHÁNH
Qua nhiều thời gian tìm hiểu nguyên nhân khiến tài khoản mình bị mất, được bạn bè giúp đỡ, anh đã khôi phục lại bán hàng và nhận ra được nhiều "bài học" để làm sao tránh khỏi sự tấn công của trên không gian mạng.
"Giữ mình" trước ranh giới xấu - tốt
Từ khi sự cố xảy ra, anh quyết định hỗ trợ lấy lại tài khoản miễn phí cho những nạn nhân giống mình và hỗ trợ nhiều vướng mắc khác trên những nền tảng công nghệ.
Nhưng theo anh Lập, từ ước muốn và thực hiện có khoảng cách khá xa. Để đủ kỹ năng xử lý các tình huống công nghệ, anh đã mất khá nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu, "tầm sư học đạo" từ anh em trong giới công nghệ.
"Có ai sinh ra mà giỏi liền đâu! Tôi cũng phải "trầy vi tróc vảy", chăm chỉ học hỏi, lần mò từ dễ đến khó suốt mấy năm trời mới tự tin đi... giúp người khác. May mắn là tôi thực sự thấy mình có chút năng khiếu nên cứ đam mê, dành thời gian là được", anh Lập nói.
Đến nay, đã có hơn 300 trường hợp được anh Lập hỗ trợ lấy lại tài khoản thành công với nhiều mức độ khó dễ khác nhau.
Kể về trường hợp khó nhất từng gặp phải, anh Lập cho biết có "ca" bị "đánh gậy" vi phạm bản quyền mất luôn tài khoản, phải loay hoay nhiều đêm để tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Anh cũng phải sử dụng nhiều kỹ thuật, giả lập nhiều ngôn ngữ, có trường hợp canh thời gian đến 2-3 giờ sáng mới có hướng giải quyết thành công.
Anh Lập đang hỗ trợ trực tiếp mọi người khôi phục tài khoản BẢO KHÁNH
"Thị trường hiện tại làm gì có niêm yết giá về chuyện "khôi phục tài khoản". Những trường hợp khó, mất nhiều thời gian, thì tôi mới lấy chút phí tiền công. Có lúc nhiều tài khoản kinh doanh người ta chạy 1 ngày cả vài chục triệu đồng, khi bị mất đi nhờ tôi khôi phục đưa 10 - 20 triệu đồng thì sao mà nhận được? Làm thế, cái tâm mình không cho phép", anh Lập chia sẻ.
Theo anh Lập, khi đi sâu vào nghề mới hiểu ra được nhiều thứ. Từ "giúp người" chuyển sang thành "lừa đảo", ranh giới rất mong manh. Vì giúp người khác lấy lại tài khoản cũng có thể... đánh cắp luôn của họ.
Trên không gian mạng hiện nay, nỗi lo cho những người kinh doanh online luôn hiện hữu. Cần nhiều hơn nữa những "chuyên gia công nghệ" có tâm như anh Trần Đức Lập.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/chuyen-gia-cong-nghe-duoc-nguoi-giup-roi-lai-giup-nguoi-185231016073455081.htm