Nhiều hộ dân tại xã Minh Tân (H.Đông Hưng, Thái Bình) đang mất ăn mất ngủ khi niềm trông đợi cả năm là cây phát lộc đến ngày thu hoạch, mang về tạo tháp, thành lẵng… chuẩn bị phục vụ tết bỗng dưng héo úa, chết hàng loạt.
Mất trắng hàng trăm triệu đồng
Tại xã Minh Tân, cây phát lộc được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao từ tháng 3.2021, mang lại thu nhập khoảng 450 - 500 triệu đồng/ha. Người dân rất phấn khởi, tích cực mở rộng diện tích trồng.
Tuy nhiên, năm nay là một năm rất khác biệt khi người dân thất thu vì cây chết nhiều chưa từng có. Trao đổi với Thanh Niên, bà Hoàng Thị Huệ (61 tuổi, trú thôn Đình Phùng, xã Minh Tân) cho biết, gia đình bà làm nghề hàng chục năm nay, nhưng đây là năm đầu tiên thất thu.
"Năm nay, nhà tôi chỉ trồng 0,2 ha cây phát lộc nên phần lớn đi mua nguyên liệu cây về tạo thành phẩm. Từ tháng 8, vợ chồng tôi mua về, cây vẫn xanh tốt nhưng khi cắt đốt, tạo tháp, tạo lẵng thì chỉ vài ngày sau cây héo, thối dần. Đốt cây nào hỏng, tôi phải thay thế bằng một đốt cây khác nên mất nhiều công sức nhưng thành phẩm vẫn không được đẹp vì mắt nảy lộc sẽ không đều", bà Huệ rầu rĩ nói.
Những năm trước, thời điểm này, mỗi tháng có khoảng 10 chuyến ô tô đến nhà bà Huệ lấy hàng. Mỗi chuyến chở từ 300 - 400 chậu, lẵng to, lẵng nhỏ cây phát lộc giao khắp các vùng trên cả nước để phục vụ bà con chơi tết. Trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình bà lãi khoảng 100 triệu đồng.
Trái ngược với sự bận rộn bán hàng của thời điểm này những năm trước, năm nay, hai vợ chồng bà Huệ lại đang phải vay nợ khắp nơi để có tiền trả cho những gia đình bán nguyên liệu. Số lãi khoảng 100 triệu đồng từ việc kinh doanh loại cây này được thay thế bởi số lỗ tương ứng.
Gia đình bà Bùi Thị Phin (trú tại thôn Đình Phùng, xã Minh Tân) không mua cây của các hộ khác mà trồng gần 5 ha cây phát lộc. Đây được xem là gia đình canh tác giống cây phát lộc nhiều nhất, nhì tại địa phương.
Mỗi năm, đến vụ thu hoạch (khoảng tháng 9), vợ chồng bà trải tấm bạt lớn ra sàn nhà, sau đó đổ nước và bỏ nguyên liệu cây vào trong để 3 - 4 người làm thuê cắt đốt, tạo tháp…
Tuy nhiên, diện tích trồng cây phát lộc của gia đình bà Phin năm nay hỏng gần hết. 10 cây thì chỉ được 1 cây sống sót. Trong căn nhà, mùi cây thối bốc lên nồng nặc. Cứ vài ngày, chồng bà Phin lại dùng xe tải chở tháp phát lộc, cây đan hình lục bình bị hỏng, thối ra khu xử lý rác thải.
Khi chúng tôi đến nhà bà Phin, gần 5 ha đã được thu hoạch gần hết nhưng hàng xuất đi chưa đáng bao nhiêu. Trong căn nhà trống trơn, chỉ còn vài trăm tháp phát lộc thành phẩm đang dần ngả màu vàng, màu nâu thối rữa.
Theo bà Phin, từ khi trồng đến khi thu hoạch, mỗi tháng phải bón phân 1 lần, hết khoảng 6 triệu đồng tiền mua phân. Tuy nhiên, công thuê người chăm sóc, thuê người chặt cây, vận chuyển cây từ ruộng về nhà tạo thành phẩm mới là khâu tốn nhiều chi phí nhất.
“Những tháng cây mới trồng (tháng giêng, tháng 2), mỗi tháng tôi chỉ thuê một vài người làm. Tuy nhiên, từ tháng 9, tháng 10 sẽ có 3 - 4 người làm cả ngày, tiền công trả cho mỗi người là 150.000 đồng/ngày. Năm nay, nhà tôi xác định thiệt hại nặng khoảng 300 - 400 triệu đồng”, bà Phin nói.
Khan hàng, lái buôn lo lỗ vốn
Theo tìm hiểu, khi phát hiện cây phát lộc có dấu hiệu vàng lá, úa thân, các hộ dân cũng đã tìm nhiều cách để khắc phục như: thay nước, nghỉ làm 10 - 15 ngày để đánh rửa, úp chậu cho khô, sau đó làm lại nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng cây chết.
“Chúng tôi không còn hy vọng gì về việc kinh doanh cây phát lộc trong dịp Tết Nguyên đán 2023 nữa, chỉ mong xoay sở trả tiền những người đã bán cây cho chúng tôi”, bà Huệ nói.
Khoảng thời gian này, lái buôn cũng đi xe tải, lòng vòng khắp xã để tìm mua cây phát lộc về bán. Anh Nguyễn Văn Tiến (37 tuổi, trú tại Thái Nguyên), một thương lái buôn cây cảnh nhiều năm, cho biết mặt hàng cây phát lộc được anh mua về bán tại nhiều khu vực như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Tuy nhiên, năm nay số lượng và chất lượng mặt hàng này trở nên khá khan hiếm.
“Những năm trước, cứ 1 tháng tôi đi 3 - 4 chuyến hàng cây phát lộc. Năm nay, cây chết nhiều cả tuần mới gom được 1 chuyến, cây mẫu mã xấu, lộc không đều. Mua xong tôi chỉ lo cây lại tiếp tục chết thì lỗ vốn”, anh Tiến nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Minh Tân, cho biết xã Minh Tân có tổng số hơn 300 hộ dân trồng cây phát lộc, 66 hộ tham gia làm sản phẩm OCOP từ loại cây này. Mỗi đợt thu hoạch, hơn 300 hộ trồng nguyên liệu sẽ bán cây cho 66 hộ làm sản phẩm OCOP để đan cây thành những chiếc lục bình lớn hoặc cắt mắt, dựng cây thành hình tháp nhiều tầng, xuất bán ra thị trường rộng khắp cả nước.
"Hiện tượng cây chết diễn ra từ khoảng tháng 8. Chúng tôi đã xuống địa bàn nắm bắt tình hình, đồng thời báo cáo chính quyền cấp trên để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, đến nay lực lượng chuyên môn cũng chưa xác định được nguyên nhân. Khả năng cao do năm nay mưa nhiều, cây phải ngậm nước quá lâu dẫn đến thân bị ngập úng”, ông Phương suy đoán.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/mat-tet-vi-cay-phat-loc-mat-loc-post1533921.html